Sản xuất, kinh doanh chè ở Yên Bái: “4 nhà” cần đồng bộ vào cuộc

  • Cập nhật: Thứ năm, 23/3/2023 | 1:07:35 PM

YênBái - Những ngày này, các doanh nghiệp (DN), nông dân Yên Bái đang tích cực đầu tư chăm sóc để có những lứa búp đầu tiên cho chế biến. Cùng đó, DN, thương lái tất bật tìm kiếm thị trường, ký kết, thương thảo những đơn hàng đầu năm; đồng thời, đầu tư, bảo dưỡng máy móc chuẩn bị chu đáo cho một năm SXKD giành thắng lợi.

Nông dân Yên Bái thu hái chè bằng máy.
Nông dân Yên Bái thu hái chè bằng máy.


Trong tập đoàn cây công nghiệp, có lẽ cây chè là loại cây gắn bó nhất đối với dân nông thôn Yên Bái và trong suốt mấy chục năm qua, chè là cây trồng công nghiệp phát triển khá ổn định, là cây trồng xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Thời điểm cao nhất, toàn tỉnh có trên 12.000 ha chè nguyên liệu và hàng loạt nhà máy chế biến chè đen có công suất lớn với sản lượng gần 30.000 tấn chè khô; trong đó, các nhà máy Chè: Trần Phú, Liên Sơn, Nghĩa Lộ… được ví như cánh chim đầu đàn của ngành chè Việt Nam. 

Yên Bái luôn nằm trong nhóm đầu từ diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng. Không chỉ có vậy, Yên Bái còn có cả một vùng chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời trên 300 năm thuộc xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn. Thương hiệu chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng nổi tiếng và đã chinh phục được những khách hàng khó tính nhất. 

Trải qua những biến đổi, thăng trầm của cơ chế, thị trường, tư duy kinh tế, chè già cỗi, chuyển đổi cây trồng… đến nay, diện tích chè của Yên Bái còn ổn định 7.436 ha; trong đó, giống chè trung du 1.093 ha; chè lai LDP1, LDP2 3.696 ha, chè Shan 2.175 ha còn lại là giống chè nhập nội có nguồn gốc Trung Quốc, Đài Loan như: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. 

Đối với những diện tích đầu tư thâm canh cao, ổn định, năng suất chè vẫn đạt 20 - 25 tấn/năm (vùng chè Nghĩa Lộ), với những diện tích chè được quản lý của DN hoặc mới được trồng thay thế giống, năng suất bình quân đạt 12 - 15 tấn; diện tích chè Shan vùng cao ở xã Nậm Búng, Gia Hội, huyện Văn Chấn năng suất bình quân đạt 8 - 10 tấn/ha... năng suất bình quân đạt trên 98 tạ/ha, sản lượng đạt 68.645 tấn, giá trị sản phẩm búp tươi đạt trên 300 tỷ đồng. 


Thực tế cho thấy, chè vẫn là cây mang hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định nếu các hộ dân tích cực quan tâm đầu tư thâm canh. Gia đình ông Nguyễn Văn Xuân ở thôn 4, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ sản xuất 4.500 m vuông  chè bằng giống LDP2, bình quân mỗi vụ cho sản lượng 13.025 kg chè búp tươi, thu 41,2 triệu đồng và sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì giá trị thu nhập đạt 25 triệu đồng (tương ứng với 55,5 triệu đồng/ha). 

Hay như nhóm 5 hộ tại thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh đều sản xuất cả 2 giống chè Bát Tiên và LDP1 với diện tích trên 5 ha và sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất chè OCOP, giá bán chè búp tươi Bát Tiên 20.000 đồng/kg, chè LDP1 giá 10.000 đồng - 12.000 đồng/kg; giá sản phẩm chè OCOP đạt 250.000 đồng - 300.000 đồng/kg; chè VietGAP 150.000 đồng - 200.000 đồng/kg; tổng sản lượng chế biến bình quân đạt trên 15.500 tấn, giá trị sản phẩm đạt 600 tỷ đồng. 

Giá trị, hiệu quả cây chè mang lại là khá rõ; tuy nhiên, làm thế nào để ngành chè phát triển mạnh hơn nữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, để cây chè không chỉ là cây xóa đói mà là cây làm giàu, đòi hỏi có sự vào cuộc tích cực của tất cả các bên. Bởi thực tế, mấy năm trở lại đây, diện tích, năng suất sản lượng và chất lượng chè búp tươi có xu hướng giảm. 

Một số vùng sản xuất chè truyền thống tại các huyện: Trấn Yên, Yên Bình, Lục Yên và các xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn đang xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ phải phá bỏ. Chi phí cho SXKD (vật tư, nhân công, nguyên nhiên vật liệu) tăng cao, trong khi giá sản phẩm đầu ra còn thấp. 

Thị trường tiêu thụ chưa đảm bảo tính bền vững và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Hầu hết DN chế biến không xây dựng được mối liên kết đầu tư - thu mua nguyên liệu với các hộ trồng chè DN chế biến với thiết bị lạc hậu, cơ sở hạ tầng chắp vá thành phẩm chủ yếu là bán thành phẩm, sản phẩm thô, chất lượng thấp không đủ khả năng xuất khẩu trực tiếp... 

Thu nhập, đời sống của người trồng chè thấp; người dân thu hái chè sai quy trình kỹ thuật; người trồng chè chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng và quy chuẩn hái chè, chè hái quá lứa, hái quá dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển của cây chè và chất lượng nương chè. Dẫn đến, chất lượng chè búp tươi thấp, tỷ lệ thu hồi mặt hàng cấp cao giảm. 

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, đòi hỏi có sự vào cuộc tích cực của "4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và DN. Không nên mở rộng diện tích mà tập trung cải tạo diện tích chè già cỗi bằng các giống chè mới năng suất, chất lượng đáp ứng cho chế biến. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ. Chú trọng phát triển hạ tầng nông thôn nói chung và vùng nguyên liệu chè nói riêng. 

DN cần đổi mới công nghệ và có chiến lược phát triển lâu dài, gắn kết chặt chẽ vùng nguyên liệu. DN, người dân tích cực đầu tư chăm sóc vùng nguyên liệu, thu hái đảm bảo kỹ thuật để cây chè phát triển tốt; đồng thời, đáp ứng nguyên liệu cho chế biến. 

Kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tuyên truyền công tác vệ sinh an toàn thực phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Khai thác tốt thị trường nội tiêu, không nên mải mê "đánh bắt” xa bờ mà quên mất thị trường gần 100 triệu dân trong nước. 

Thanh Phúc