Yên Bái thêm nhiều miền quê đáng sống

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/6/2023 | 2:01:23 PM

YênBái - Sau 12 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã dành thời gian, nguồn lực, tâm huyết thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, bộ mặt nông thôn tỉnh đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được xây dựng theo hướng đồng bộ, đời sống người dân không ngừng được nâng cao hình thành nhiều miền quê đáng sống…

Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chung sức làm đường giao thông nông thôn.
Người dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải chung sức làm đường giao thông nông thôn.

Yên Bái xuất hiện ngày càng nhiều các vùng quê đáng sống. Ở đó, những con đường, ngõ xóm đã được bê tông hóa hoặc thảm nhựa phẳng lỳ. Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo, đời sống văn hóa tinh thần vùng nông thôn. 

Ông Đỗ Thanh Sơn ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên chia sẻ: "Trước đây, đường làng ngõ xóm lầy lội, kinh tế rất khó khăn. Nay, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn thiện, những tuyến đường bê tông trải dài đến từng ngõ xóm, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, kinh tế phát triển nhanh, đời sống bà con khấm khá hẳn lên, hộ nghèo giảm bền vững. Đây chính là sự kết tinh từ ý Đảng, lòng dân”. 

Đến nay, xây dựng NTM trở thành phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp nhất là phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò chủ thể của người dân. Quá trình kiến tạo NTM Yên Bái đã ghi nhiều dấu ấn nổi bật với tinh thần "quyết liệt, bài bản, sáng tạo” với những phong trào hiến đất mở đường, "Ngày cuối tuần cùng dân” về xây dựng NTM đã tạo nên nhiều vùng nông thôn "về làng ngỡ phố”. 

Hết năm 2022, tỉnh Yên Bái có 99 xã đạt chuẩn NTM; trong đó, có 27 xã NTM nâng cao và 6 xã NTM kiểu mẫu; có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó Trấn Yên là huyện NTM đầu tiên của khu vực Tây Bắc. 

Không chỉ phát triển hạ tầng, vấn đề cốt lõi của NTM là phát triển đời sống người dân được cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm. 

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Đến nay, Yên Bái phát triển được các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn gắn với việc thu hút, liên kết với doanh nghiệp có tiềm lực để tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tỉnh tích cực triển khai đến từng địa phương với 191 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP. Đến hết năm 2022, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13,02%; đời sống vật chất văn hóa, tinh thần cư dân nông thôn không ngừng được nâng cao.

Với quan điểm xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, năm 2023, tỉnh phấn đấu thêm 6 xã đạt chuẩn NTM; 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng NTM” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội; tiếp tục phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững. 

Đồng thời, tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. 

Văn Thông