Cùng đi thăm cánh đồng dâu rộng hơn 200 ha với chúng tôi là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND xã Việt Thành Nguyễn Thị Tuyết Nga - một cán bộ trẻ năng động, đầy nhiệt huyết. Là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trên chính mảnh đất này, chị Nga hiểu rõ hơn ai hết sự đổi thay của quê mình.
Trong số rất nhiều điều chị kể, tôi tâm đắc nhất là nghề trồng dâu nuôi tằm đã không chỉ mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây mà hơn thế đã giúp cho họ có một môi trường sống trong lành đúng nghĩa - điều mà mọi người dân đều ao ước, nhất là trước thực trạng ô nhiễm môi trường nông thôn như hiện nay.
Chia sẻ về nghề trồng dâu nuôi tằm, ông Nguyễn Văn Hà ở thôn Lan Đình, xã Việt Thành - người đã có kinh nghiệm gần 20 năm trong nghề cho biết: "Lá dâu là thức ăn duy nhất của tằm và tằm là loại côn trùng rất mẫn cảm với các điều kiện sống quanh nó, vì thế thức ăn phải thực sự sạch thì mới giúp tằm sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, bà con nhân dân trong xã chăm sóc dâu chỉ bằng việc thường xuyên làm cỏ và bón phân hữu cơ”.
Nhờ có điều kiện tự nhiên thuận lợi, kết hợp với chăm sóc tốt nên các ruộng dâu ở đây phát triển rất tốt, cho nhiều đạm, dinh dưỡng nên chất lượng kén tằm cũng cao hơn nhiều so với các địa phương khác. Năm 2021, nhân dân xã Việt Thành đã xuất bán 379,6 tấn kén, thu về 37,9 tỷ đồng. Nguồn thu này đã giúp đời sống nhân dân trong xã đổi thay rõ nét. Nhiều ngôi nhà cao tầng, nhà vườn, nhà mái thái trị giá hàng tỷ đồng đã xuất hiện nhiều, tạo nên nét chấm phá cho bức tranh quê trù phú.
Hiện nay, làm nông nghiệp sạch đang là đích đến của nhiều địa phương và Việt Thành đang từng bước làm được điều đó.
"Không chỉ đối với trồng dâu nuôi tằm mà ngay cả trồng lúa, trồng quế và các loại cây hoa màu khác, các hộ dân nơi đây đều rất có ý thức trong việc lựa chọn sử dụng các loại phân chuồng, tro rơm rạ, bèo hoa dâu và các nguồn phân xanh để bón cho cây trồng. Đồng thời, sử dụng các loại chế phẩm diệt cỏ sinh học an toàn với con người, môi trường và vật nuôi. Do đó, nguồn nước, đất đai, chất lượng nông sản cũng được đảm bảo” - đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nga khẳng định.
Năm 2021, cả xã Việt Thành chỉ thu gom được chưa đầy 2 kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đây thực sự là con số "ấn tượng” trên địa bàn một xã làm nông nghiệp. Cùng với đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, 100% các hộ dân trong xã đều thực hiện phân loại rác tại nguồn; 90% số hộ chăn nuôi có hố ủ phân, bể biogas; tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo đúng quy định đạt 100%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được phân loại, áp dụng biện pháp xử lý phù hợp đạt từ 75% trở lên; hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 95%.
Chỉ nói về điều kiện môi trường, khí hậu thì Việt Thành đã thực sự xứng đáng là vùng quê đáng sống. Song không chỉ có vậy, người dân nơi đây còn đang ngày càng hạnh phúc hơn khi đời sống vật chất, tinh thần từng bước được nâng lên.
Sau một ngày làm việc, lao động vất vả, vào mỗi buổi chiều hay buổi tối, bà con nhân dân lại tụ họp cùng nhau giao lưu thi đấu bóng chuyền, văn hóa, văn nghệ. Cả xã đã thành lập được cả chục đội văn nghệ và bóng chuyền hơi. Phong trào văn nghệ, thể thao diễn ra sôi nổi ở tất các thôn, xóm và trở thành sân chơi bổ ích, góp phần tăng tình đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng - người dân xã Việt Thành bày tỏ: "Sinh sống ở nông thôn, cuộc sống còn nhiều vất vả nên chúng tôi chưa bao giờ nghĩ có điều kiện để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao như thế này. Song, được sự quan tâm, động viên, khích lệ của cấp ủy, chính quyền địa phương, chúng tôi đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, trong lao động sản xuất thì mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong cuộc sống hàng ngày thì cho phép mình được nghỉ ngơi, vui chơi”.
Hiện tại, Việt Thành không chỉ là "điểm sáng” của tỉnh, của huyện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) với 7/8 thôn đạt NTM kiểu mẫu mà còn là xã có tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn "Gia đình văn hóa” gần như tuyệt đối (98,5%). Đây cũng là con số minh chứng cho thấy, người dân nơi đây đã có ý thức cao trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế toàn diện.
Qua kiểm nghiệm, các sản phẩm chủ lực của xã đều đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, không sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất. Cùng với hình thành các vùng sản xuất tập trung, để tạo điều kiện cho các hộ dân nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, xã đã thành lập 4 doanh nghiệp, 5 hợp tác xã (HTX), 48 tổ hợp tác và hình thành được sự liên kết trong sản xuất giữa người dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Việt Thành chia sẻ: "Nhờ thành lập được HTX nên sản phẩm, thương hiệu "Quà quê chuối tiêu sấy dẻo” - sản phẩm OCOP 3 sao của HTX chúng tôi đã có điều kiện "bay xa” tới nhiều thị trường trong nước và được người tiêu dùng ưa chuộng. Qua đó, không chỉ tạo thu nhập, việc làm cho các thành viên trong HTX và nhiều lao động địa phương mà còn tạo đầu ra ổn định cho nhiều hộ trồng chuối trên địa bàn xã và một số xã lân cận”.
Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã Việt Thành đạt 54 triệu đồng, cả xã chỉ còn 1 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội.
Với những thành quả đã đạt được, tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân cùng với các giải pháp đồng bộ trong xây dựng NTM, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân sẽ là động lực quan trọng đưa Việt Thành sớm hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu, xứng đáng là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh và huyện.
Đến nay, xã Việt Thành đã quy hoạch, phát triển và phát huy hiệu quả 3 vùng phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa tập trung là: vùng Đồng Phúc (gồm 2 thôn Đồng Phúc, Đồng Phú) có thế mạnh trồng rừng kinh tế và cây quế là chủ lực với 700 ha, trong đó 477 ha được công nhận quế hữu cơ; vùng Phú Thọ (gồm 3 thôn Phú Thọ, Phú Mỹ, Phú Lan) phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, trồng nấm linh chi, làm chuối sấy dẻo, chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả có múi; vùng Lan Đình (gồm 3 thôn Trúc Đình, Lan Đình, Phúc Đình) phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm với 207 ha dâu.
|
Hồng Oanh