Đẩy lùi “ô nhiễm trắng” vì một Yên Bái xanh

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/12/2023 | 7:58:42 AM

YênBái - “Ô nhiễm trắng” là loại ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon gây ra. Phong trào chống rác thải nhựa đã và đang được các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Yên Bái thực hiện mạnh mẽ. Cùng với công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục thì các mô hình, hoạt động cụ thể ở các cấp Hội chính là minh chứng cho ý thức trách nhiệm cao của phụ nữ Yên Bái trong chung tay, góp sức đẩy lùi “ô nhiễm trắng”, vì một Yên Bái xanh.

Phụ nữ phường Minh Tân, thành phố Yên Bái hào hứng tham gia hoạt động “Đổi rác lấy cây xanh”.
Phụ nữ phường Minh Tân, thành phố Yên Bái hào hứng tham gia hoạt động “Đổi rác lấy cây xanh”.

Trách nhiệm từ cán bộ Hội

"Rác thải nhựa, nilon và sản phẩm nhựa dùng 1 lần đang gây áp lực lên môi trường ngày càng lớn. Giảm thiểu chất thải nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách.” - Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Quán (Trấn Yên) Mễ Thị Thân nhận thức rõ vấn đề về môi trường liên quan tới rác thải nhựa. 

Là cán bộ Hội LHPN xã, chị Thân luôn muốn cùng chị em góp sức cho công cuộc giảm thiểu rác thải nhựa. "Tôi đã cùng Ban Chấp hành Hội phối hợp cùng cấp ủy các thôn chỉ đạo chi hội phụ nữ các thôn tích cực vận động hội viên và nhân dân triển khai các mô hình: thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương, Ngôi nhà xanh, Tổ phụ nữ hạn chế rác thải nhựa” - chị Thân cho hay.

Ở Minh Quán bây giờ, "Ngôi nhà xanh" có mặt ở 7/9 chi hội phụ nữ. Chị Thân hồ hởi bảo rằng: "Thực tế cho thấy, "Ngôi nhà xanh” đã được đông đảo chị em ủng hộ. Chị em ở các chi hội đã thường xuyên đem rác thải có thể tái chế từ hộ gia đình bỏ vào thùng rác để gây qũy chi hội. Các chi hội cử 1 tổ chị em tham gia quản lý và thu tiền bán rác thải tái chế. Tiền bán được chi hội chi cho các hoạt động thăm hỏi và tặng quà cho gia đình hội viên khó khăn trong chi hội. Đó thực sự là "lợi ích kép” từ mô hình này. Còn mô hình Phụ nữ hạn chế rác thải nhựa được thành lập ở cả 9 chi hội phụ nữ. Chị em hội viên chủ động mua làn đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần”. 

Không chỉ nỗ lực để Phong trào "chống rác thải nhựa” lan tỏa trong tổ chức Hội, Chủ tịch Hội LHPN xã Minh Quán còn cùng với tập thể Ban Thường vụ xã chủ động tham mưu cho Chủ tịch UBND xã triển khai việc hạn chế và tiến tới không sử dụng nước uống đóng chai nhựa sử dụng một lần và ống hút nhựa trong tất cả các cuộc họp, hội thảo, sự kiện của cơ quan, đơn vị; thay vào đó sử dụng các vật dụng thay thế khác như ly sứ, thủy tinh, bình đựng nước dùng nhiều lần. 

Nỗ lực từ Hội cơ sở

Dụng cụ màu xanh để chứa rác thực phẩm và hữu cơ; dụng cụ màu vàng để chứa chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; dụng cụ màu đỏ để chứa chất thải rắn nguy hại và không có khả năng tái chế. Các dụng cụ chứa rác như thế để phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đến nay đã dần trở nên quen thuộc trong nhiều gia đình hội viên phụ nữ thị trấn Mậu A (Văn Yên). 

Chị Nguyễn Thị Thu - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mậu A cho biết: "Hưởng ứng Phong trào chống rác thải nhựa và phân loại rác thải tại nguồn, Hội LHPN thị trấn Mậu A đã thường xuyên chỉ đạo các chi hội tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình. Từ đó chị em đã gom những phế phẩm như chai nhựa, ly nhựa và sẽ xác định loại hình tái chế sản phẩm nhựa mà mình muốn thực hiện… 

Chị em được hướng dẫn lựa chọn các loại vật dụng như vỏ chai nhựa, vỏ lon bia nhiều màu sắc để trang trí làm các bồn hoa tại nhà văn hóa thôn, dùng lốp xe để trồng hoa; biến những sản phẩm tái chế sử dụng được làm các đồ chơi cho trẻ, mô hình học tập trong các trường mầm non của thị trấn. Những phế liệu nào không sử dụng trang trí, các chi hội vận động chị em vào mỗi sáng Chủ nhật hàng tuần đem ra "Ngôi nhà xanh” gom bán gây quỹ”. 


Mô hình "Ngôi nhà xanh” của Hội LHPN xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ. 

Cùng với đó, trong suốt thời gian qua, Hội LHPN thị trấn Mậu A còn hướng dẫn hội viên, phụ nữ, người dân cách thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong đời sống, sinh hoạt; tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng tham gia các hoạt động thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định; vận động hội viên, phụ nữ là chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, buôn bán tại các chợ Mậu A tăng cường tái sử dụng túi nilon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy trong các hoạt động hàng ngày; khuyến khích các hoạt động ký cam kết thực hiện với nhóm đối tượng này để tăng cường hiệu quả thực hiện. 

Hơn 6.000 lượt hội viên phụ nữ được tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; phát 2.350 tờ rơi tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa; xây dựng 8 Ngôi nhà xanh thu gom rác thải tái chế; thực hiện 3 mô hình tái chế rác thải nhựa là những hoạt động đa dạng đã được Hội LHPN thị trấn Mậu A thực hiện trong suốt 5 năm qua để giảm thiểu rác thải nhựa.

Kiên trì, sáng tạo trong các cấp Hội 

Chị Bùi Thị Phượng - Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Phú, thành phố Yên Bái bày tỏ: "Hướng đến để nhựa và các loại rác thải tái chế không chỉ là rác thải mà còn là nguồn quỹ hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN xã đã nỗ lực vận động hội viên hưởng ứng xây dựng mô hình Ngôi nhà xanh thu gom rác thải tái chế và gây quỹ tặng hội viên khó khăn. Cho đến nay, Hội LHPN xã đã xây dựng được 11 Ngôi nhà xanh phủ khắp các thôn”. 

Mô hình ngôi nhà xanh được các cấp Hội LHPN Yên Bái triển khai từ năm 2020, mỗi Ngôi nhà xanh được đặt tại nơi tập trung đông dân cư và giao cho chi hội phụ nữ thôn, tổ dân phố quản lý. Khi Ngôi nhà xanh đầy phế liệu, các chi, tổ phụ nữ tại mỗi thôn phân loại, mang đi bán gây qũy để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có gần 319 Ngôi nhà xanh, các Ngôi nhà xanh đều hoạt động rất tích cực và mang lại hiệu quả.

Cán bộ, hội viên thành phố Yên Bái, huyện Văn Yên lại sáng tạo trong phòng chống rác thải nhựa với mô hình Tái chế rác thải nhựa thành các đồ dùng tiện ích. Cán bộ, hội viên phụ nữ tại cơ sở phối hợp với các trường học tại địa phương tận dụng các sản phẩm từ nhựa, cao su để tái chế thành các chậu hoa, bình cây cảnh và đồ chơi cho các em học sinh tại các trường học. 

Thông qua các hoạt động thiết thực và có ý nghĩa đó còn góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, giáo dục các em học sinh ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường hướng tới việc nói không với rác thải nhựa. 

Đổi rác lấy cây xanh lại là mô hình mà Hội LHPN lựa chọn triển khai mới đây. Hội Phụ nữ phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức đổi rác thải nhựa lấy cây xanh trong các chương trình Ngày thứ Bảy cùng dân, các lễ phát động, ra quân bảo vệ môi trường, từ đó giúp hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn của mỗi cá nhân, mỗi gia đình. 

Không chỉ ở các khu vực đô thị, tổ chức Hội Phụ nữ ở nhiều địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa cũng chung tay, góp sức giảm thiểu rác thải nhựa bằng các hoạt động, mô hình rất phù hợp với địa phương. 

Thôn Bó Mi, xã Tân Phượng, huyện Lục Yên có Câu lạc bộ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon. Chi hội Phụ nữ thôn Pa Te, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu triển khai mô hình Sử dụng rổ đan bằng mây, tre thay thế rổ nhựa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của chị em, đang tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn xã…

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Hoàng Phương Thúy cho biết: "Trong năm 2022 - 2023, các cấp Hội LHPN đã xây dựng được 324 mô hình tái sử dụng rác thải nhựa và thu góm, xử lý rác thải tại khu dân cư. Trong năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã phát động Phong trào Phụ nữ Yên Bái chung tay thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và đợt thi đua đặc biệt Phụ nữ Yên Bái hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần. Các cấp Hội tích cực tổ chức nhiều hoạt động truyền thông và xây dựng các mô hình hiệu quả. Hệ lụy từ "ô nhiễm trắng” ngày càng được chị em ý thức cao, từ đó thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt liên quan tới sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần. Chính các chị em cũng trở thành các tuyên truyền viên trong gia đình, cộng đồng để cả cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi "ô nhiễm trắng”.

Thu Hạnh