Về phát triển kinh tế, bản Trống Là có hơn 23 ha lúa nước, hàng năm nhân dân đều đưa các loại giống lai và một số giống thuần cho năng suất cao, chất lượng tốt như Séng cù, Thiên hương... vào gieo cấy 2 vụ/năm kết hợp trồng ngô, rau màu, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ và phụ phẩm cho chăn nuôi. Đặc thù là bản vùng cao, kinh tế chủ lực của nhân dân dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi là chính, bởi vậy, cùng với nông nghiệp, nhân dân trong bản đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.
Hiện nay, bản Trống Là có 14 hộ phát triển mô hình chăn nuôi theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh; nhiều hộ trong bản phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò từ 5 con trở lên; chăn nuôi lợn, dê từ 10 con trở lên.
Điển hình là các hộ ông Cứ A Tủa, Cứ A Lâu, Mùa A Sùng đều có mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên/mô hình, góp phần duy trì tổng đàn gia súc chính trong bản hiện nay 1.129 con gồm 130 con trâu, 146 con bò, 807 con lợn, 46 con dê và đàn gia cầm các loại trên 3.500 con. Nhờ đó, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, hết năm 2023, hộ nghèo ở bản Trống Là giảm còn 62 hộ và 5 hộ cận nghèo; số hộ khá giả cũng tăng lên 77 hộ.
Ban Công tác Mặt trận của bản đã chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể lồng ghép tổ chức được nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào về xây dựng nếp sống văn hoá mới như Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; các cuộc vận động như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Ngày vì người nghèo”; thực hiện tốt các nội quy, quy chế, quy ước, hương ước của bản, khu dân cư...
Nhận thức được nâng lên, nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng mọi hoạt động. Riêng năm 2023, nhân dân trong thôn đã đóng góp trên 750 ngày công lao động và hơn 68 triệu đồng tiền mặt, kết hợp 40 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ để bê tông hoá 4 km đường giao thông nông thôn trong bản và sửa chữa nhiều công trình khác bị hư hại do thiên tai; đóng góp gần 500 ngày công lao động để giúp các hộ nghèo, hộ bị thiên tai vận chuyển vật liệu, nhu yếu phẩm, làm mới, sửa chữa nhà cửa sớm ổn định cuộc sống.
Ông Giàng A Hồng - Trưởng bản Trống Là cho biết: "Hiện nay, cơ bản đường làng, ngõ xóm ở bản Trống Là đều được bê tông hóa đảm bảo xe máy đi lại thuận tiện 4 mùa. Nhân dân cũng tích cực làm chuồng trại gia súc xa nhà, xây dựng công trình bể chứa nước, nhà tiêu đảm bảo hợp vệ sinh; 100% số đầu lợn được nuôi nhốt; vệ sinh đường làng, ngõ xóm theo định kỳ. Đặc biệt, bản đã xoá bỏ các tập tục lạc hậu, không còn phù hợp: 100% người chết được đưa vào quan tài và làm đám tang không quá 24 tiếng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống. Nhân dân trong bản tích cực phát huy, gìn giữ các giá trị văn hoá, truyền thống tốt đẹp như: bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề dệt vải, thêu thổ cẩm, nghề rèn đúc...”.
Hiện nay, bản Trống Là đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo mang lại hiệu quả thiết thực như các mô hình: "Tổ tự quản”, "Tổ hợp tác sản xuất”, "Bản hạnh phúc”... đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Hết năm 2023, Trống Là có 127/144 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá; 10/127 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hoá tiêu biểu và được xã Hồ Bốn khen thưởng.
A Mua