Yên Bái thúc đẩy đào tạo và xuất khẩu lao động tại Nhật Bản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 8/12/2023 | 7:35:37 AM

YênBái - Đối với tỉnh Yên Bái, nguồn nhân lực lao động nhiều song số lao động đi xuất khẩu lao động, làm việc ở nước ngoài nói chung, ở thị trường Nhật Bản nói riêng còn rất ít.

Sinh viên lớp Cao đẳng Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Yên Bái trong giờ thực hành.
Sinh viên lớp Cao đẳng Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Yên Bái trong giờ thực hành.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ), thể hiện bằng việc ban hành nhiều nghị định, văn bản, chính sách… về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường lao động tại Nhật Bản là thị trường lớn đã được Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản hợp tác thông qua các hiệp định, được cụ thể hóa bằng các văn bản của Nhà nước, của các bộ, ngành.

Nắm bắt nhu cầu này, Trường Cao đẳng Yên Bái đã xác định, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu XKLĐ, đặc biệt cho thị trường lao động Nhật Bản là yêu cầu cấp thiết, phù hợp với xu thế và định hướng của giáo dục nghề nghiệp. 

Trong công tác đào tạo, nhà trường đã chú trọng đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định đào tạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhà trường đã tổ chức xây dựng và chỉnh sửa chương trình theo hướng tăng thời lượng thực hành đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đào tạo theo đúng chương trình đào tạo, kế hoạch năm học đã ban hành. Công tác phối hợp với nhiều đơn vị XKLĐ đã được nhà trường quan tâm thực hiện để tổ chức tư vấn, giới thiệu cơ hội học tập và việc làm cho học sinh, sinh viên. 

Trước đó, Trường Cao đẳng Y tế Yên Bái - nay sáp nhập vào Trường Cao đẳng Yên Bái đã hợp tác với đơn vị XKLĐ tư vấn, tổ chức đào tạo và đưa sinh viên sang Nhật Bản học tập và làm việc bắt đầu từ năm 2017. Tính đến thời điểm 13/11/2023, nhà trường đã phối hợp tổ chức học tiếng Nhật tại nhà trường và đưa sinh viên sang làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão của Nhật Bản. 

Kết quả đã có 8 sinh viên tốt nghiệp ngành điều dưỡng của nhà trường phối hợp đưa sang lao động tại Nhật Bản đều đáp ứng tốt yêu cầu công việc, được các cơ sở sử dụng lao động đánh giá cao. Hiện nay, nhà trường có 4 sinh viên ngành điều dưỡng đang học ngôn ngữ Nhật do Công ty cổ phần Thương mại Tam Quy tổ chức để sau khi tốt nghiệp có thể tham gia XKLĐ tại Nhật Bản. 

Hiện nay, có không ít khó khăn trong công tác đào tạo và XKLĐ của nhà trường bởi nhận thức của người dân nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng về XKLĐ còn nhiều hạn chế, chưa hiểu hết về lợi ích, các chính sách ưu đãi khi đi XKLĐ. Tâm lý của không ít lao động là không muốn đi làm việc xa nhà, nhất là đi nước ngoài cùng với một số thông tin không hay về người lao động Việt Nam đang làm việc ở một số nước hoặc một số công ty XKLĐ thực hiện không tốt nhiệm vụ đã ảnh hưởng phần nào đến tâm lý người dân. 


Đối với tỉnh Yên Bái, nguồn nhân lực lao động nhiều song số lao động đi XKLĐ, làm việc ở nước ngoài nói chung, ở thị trường Nhật Bản nói riêng còn rất ít. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác XKLĐ của nhà trường và lao động của tỉnh Yên Bái sang thị trường Nhật Bản, nhà trường đề nghị các cơ quan trong tỉnh xây dựng được cơ chế, chính sách ưu đãi cho người đi lao động, đặc biệt là hỗ trợ về kinh phí. Bên cạnh đó, cần tổ chức ngày hội tư vấn XKLĐ cho người lao động trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua các nghiệp đoàn hợp tác toàn diện với tỉnh Yên Bái, đặt văn phòng đại diện tại tỉnh Yên Bái để hỗ trợ cho các đơn vị trong tỉnh về công tác tư vấn, hỗ trợ đào tạo cho lao động theo nhu cầu của các đơn vị Nhật Bản. 

Tỉnh cần hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở đào tạo lao động chuyển giao chương trình đào tạo, xây dựng chương trình đào tạo đảm bảo người lao động sang Nhật Bản đáp ứng được yêu cầu và có thể đáp ứng được vị trí việc làm theo quy định khi về nước.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Yên Bái Đặng Đình Thắng cho biết: "Chương trình đào tạo chính khóa của nhà trường hiện nay chưa có nội dung về đào tạo tiếng Nhật, việc dạy tiếng Nhật do doanh nghiệp XKLĐ thực hiện cho các sinh viên học cao đẳng ngành Điều dưỡng và có nhu cầu XKLĐ sang Nhật Bản. Nhà trường đề nghị trong chương trình hợp tác với thành phố Mimasaka, nếu có 1 giáo viên thường xuyên lưu trú tại thành phố Yên Bái thì sẽ xem xét đưa nội dung dạy tiếng Nhật vào chương trình chính khóa của nhà trường”.

Nguyễn Thơm