Không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân, rét đậm, rét hại đã tác động trực tiếp đến hoạt động dạy và học cũng như hoạt động của học sinh bán trú của các nhà trường trên địa bàn tỉnh.
Trường TH và THCS Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên hiện có 795 học sinh, trong đó có 66 học sinh bán trú. Trước dự báo về đợt rét đậm, rét hại kéo dài, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, nhà trường đã rà soát, kiểm tra, đảm bảo các phòng học đủ ấm, đủ ánh sáng, kín gió.
Thầy giáo Trần Quốc Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Chủ động theo dõi sức khỏe học sinh trong những ngày rét đậm, rét hại, nhà trường đã phối hợp với phụ huynh thường xuyên nhắc nhở các em mặc ấm, uống nước nóng; bổ sung thêm các thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao trong các bữa ăn hàng ngày. Đối với học sinh bán trú, nhà trường đã trang bị đủ chăn ấm cho học sinh, bảo đảm bữa ăn nóng sốt, phân công giáo viên trực bán trú để nhắc nhở các em học bài, đi ngủ đúng giờ. Đối với học sinh tự mang cơm ăn trưa tại trường, nhà trường bố trí nấu thêm canh nóng cho các em”.
Là một trong những huyện chịu tác động lớn, trực tiếp của đợt rét đậm, rét hại lần này, huyện vùng cao Trạm Tấu đã nhanh chóng triển khai bắt tay vào công tác phòng, chống. Bên cạnh đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại, huyện đã thành lập các đoàn xuống cơ sở, phối hợp cùng UBND các xã, thị trấn trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống rét đậm, rét hại, dịch bệnh cho người, cây trồng và vật nuôi.
Chủ động bảo vệ đàn trâu của gia đình, ngay khi có thông tin sắp có đợt rét đậm, gia đình ông Sùng A Tòng, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu đã dùng bạt quây xung quanh chuồng nuôi nhằm tránh gió lùa và tăng cường bổ sung nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò của gia đình. Ông Tòng chia sẻ: "Khi nhận được thông tin về đợt rét đậm, rét hại kèm mưa, gia đình tôi đã chủ động sửa chữa, che chắn chuồng trại chăn nuôi, tích trữ thức ăn cho đàn vật nuôi. Thời tiết lạnh quá thì tôi sẽ sưởi ấm bằng cách đốt củi và bổ sung muối để giữ ấm cơ thể cho đàn vật nuôi. Nhờ vậy mà đàn vật nuôi của gia đình tôi luôn khỏe mạnh, có sức chống chọi với cái rét".
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu cho biết: Để chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh hiệu qủa với diễn biến bất lợi của thời tiết, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân khẩn trương che đậy cây cối, hoa màu. Đối với diện tích mạ phải đảm bảo 100% được che nilon khi nhiệt độ xuống thấp và có mưa dông, chỉ đạo người dân tạm ngừng ngâm mạ. Cùng với đó, huyện vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đưa gia súc về chuồng để chăm sóc, đảm bảo đầy đủ, cân đối nguồn thức ăn cho vật nuôi chống chọi với rét, hạn chế tối đa thiệt hại do băng giá, sương muối gây ra.
Nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã chủ động tích trữ thức ăn, chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Giá rét kéo dài rất dễ gây các bệnh về hô hấp, tim mạch, nhất là với những người có sức đề kháng kém, trẻ nhỏ, người già, người có bệnh nền. Do đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng phương án phòng, chống rét cho người bệnh.
Bác sỹ Trịnh Thị Thu Hoài - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho hay: "Số ca mắc đột quỵ, các trường hợp viêm phổi phải nhập viện đã gia tăng khi thời tiết lạnh sâu. Để thực hiện tốt công tác chống rét cho bệnh nhân, Bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng phải đảm bảo việc phòng chống rét cho bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh; đảm bảo cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các bệnh dễ xảy ra như: tim mạch, huyết áp, đột qụy, viêm đường hô hấp cấp, viêm đường hô hấp do virus. Đồng thời, sử dụng điều hòa hai chiều tại các khoa, phòng: cấp cứu, sản, nhi, phẫu thuật; cấp đủ chăn, đệm, bảo đảm phòng kín gió để giữ ấm cho người bệnh”.
Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân khi thời tiết giá rét cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho bản thân và các thành viên trong gia đình bằng cách thực hiện tốt các biện pháp giữ ấm và phòng bệnh như: tắm nước ấm, nhà cửa phải được che chắn kỹ, chăn đệm bảo đảm đủ ấm. Ðối với trẻ em, các bậc cha mẹ cần chú ý mặc quần, áo ấm, giữ vệ sinh cho trẻ, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Ðối với người cao tuổi, ngoài giữ ấm cơ thể, cần quan tâm chế độ ăn đủ dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch, ăn đồ dễ tiêu và luôn phải ăn, uống đồ ấm, nóng. Ăn uống đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp người cao tuổi, trẻ em tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến cơ sở y tế khám ngay để kịp thời điều trị.
Trước diễn biến khắc nghiệt của thời tiết, để chủ động đối phó với tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và an toàn cho đàn vật nuôi, bảo vệ cây trồng, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã sớm có
Công điện về việc chủ động, tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống rét đậm, rét hại kéo dài.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tỉnh và yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chống rét, bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân (không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín tránh xảy ra sự cố đáng tiếc, gây thiệt hại về người); phòng, chống cháy nổ khi sưởi ấm; đặc biệt chú ý chống rét và các diễn biến thời tiết khắc nghiệt khác cho người cao tuổi, trẻ em và người yếu thế... Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học theo quy định của ngành giáo dục và đào tạo. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Dự báo thời gian tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những đợt rét đậm, rét hại và có thể kéo dài đến gần Tết Giáp Thìn, nhiệt độ xuống rất thấp vào ban đêm và sáng sớm. Do vậy, bên cạnh sự chủ động của các cấp, các ngành, địa phương thì việc quan tâm triển khai, sẵn sàng các biện pháp ứng phó khẩn trương theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn của người dân sẽ là điều kiện tiên quyết để hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng con người, tài sản cây trồng, vật nuôi do thời tiết cực đoan gây ra.
Thanh Chi