Bà Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: "Hiểu rõ vai trò của nguồn vốn trong phát triển kinh tế đối với chị em nên các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng nhằm tạo nguồn vốn vay cho hội viên, phụ nữ".
Theo đó, Hội đã duy trì có hiệu quả hoạt động vay vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội chiếm 28,8% tổng dư nợ ủy thác qua hội, đoàn thể với tổng dư nợ là 113,943 tỷ đồng, tăng 19 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. 100% tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, huy động 283 hộ tham gia gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện với số tiền trên 1 tỷ đồng để bổ sung nguồn vay.
Cùng đó, mô hình tiết kiệm thực hiện tại 90 chi hội, đạt tỷ lệ 100%. Các chi hội vận động hội viên gửi tiền tiết kiệm 5.000 - 10.000 đồng/tháng, tạo được nguồn vốn xoay vòng là 2,5 tỷ đồng, cho 2.680 lượt hội viên vay, giúp 315 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thoát nghèo, giúp 312 phụ nữ tại 21 xã, thị trấn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 2,11%.
Trong phong trào thi đua "Phụ nữ Trấn Yên chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội đã tích cực vận động chị em tham gia vào việc cơ cấu lại các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình trang trại do nữ làm chủ được khuyến khích phát triển.
Toàn huyện có 15 hợp tác xã, 104 tổ hợp tác, 37 doanh nghiệp, 615 hộ sản xuất, kinh doanh, hàng trăm trang trại quy mô nhỏ theo mô hình VAC, VRAC do nữ làm chủ hoạt động hiệu quả. Hết năm 2020, thu nhập bình quân của chị em phụ nữ khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt trên 37 triệu đồng.
Cùng đó, Hội Phụ nữ huyện chủ động phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ tỉnh, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 70 lớp đào tạo nghề cho 2.100 lao động nữ nông thôn, tư vấn cho 2.000 lượt hội viên phụ nữ có việc làm ổn định.
Thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội đã tham mưu cho huyện tổ chức 4 khóa đào tạo miễn phí tới các chủ hộ kinh doanh là nữ trên địa bàn, các doanh nhân nữ, chủ nhiệm hợp tác xã, tổ hợp tác; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ Nữ kinh doanh thị trấn Cổ Phúc, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc biệt trong đợt dịch Covid-19; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi sự và quản lý doanh nghiệp cho nhiều lượt hội viên; hỗ trợ doanh nhân và tiểu thương nữ trên địa bàn tiếp cận các nguồn tín dụng...
Trong nhiệm kỳ, đã có 630 mô hình điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm trở lên; xuất hiện điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi thu nhập từ 500 triệu - 1 tỷ đồng/năm, như mô hình gia đình chị Đoàn Thị Hiên, xã Hưng Thịnh trồng cây ăn quả và ươm cây giống; chị Nguyễn Thị Sinh sản xuất gỗ rừng trồng…
Theo bà Bồ Thị Hoa - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, định hướng một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp hội trong huyện chú trọng là tập trung nâng cao năng lực cho phụ nữ phát triển kinh tế với nhiều giải pháp, hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Theo đó, Hội tích cực khai thác các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, tạo nguồn vốn tại chỗ cho hội viên, phụ nữ; duy trì có hiệu quả hoạt động nhóm, tổ hợp tác phát triển kinh tế; phối hợp đào tạo, dạy nghề ngắn hạn; hướng nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ và lao động nông thôn, tăng cường liên kết, phối hợp, khai thác nguồn lực hỗ trợ hoạt động Hội.
Đồng thời tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”; tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nhân nữ tiếp cận thông tin về hội nhập, khởi sự doanh nghiệp, tiếp cận các nguồn vốn; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường…
Thu Hạnh