Mù Cang Chải: “Học Bác, lòng ta trong sáng hơn”

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/12/2022 | 8:11:41 AM

YênBái - Đi qua những đám mây, vượt đèo Khau Phạ lên đến Mù Cang Chải, mỗi lần đến đây, tôi lại được nghe, được biết những câu chuyện mới, câu chuyện hay, những điển hình tiên tiến đã và đang đoàn kết, nỗ lực, chung tay xây dựng nông thôn mới, noi gương, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi câu chuyện như làm ấm lòng người giữa cái lạnh tê tái của mùa đông vùng cao và để thấy “Học Bác, lòng ta trong sáng hơn”.

Bí thư Chi bộ Háng Bla Ha B, xã Khao Mang - Vàng A Hồng (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với bà con nhân dân về xây dựng nông thôn mới.
Bí thư Chi bộ Háng Bla Ha B, xã Khao Mang - Vàng A Hồng (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với bà con nhân dân về xây dựng nông thôn mới.

Không nằm ngoài những khó khăn chung của một huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trình độ dân trí, nhận thức còn nhiều hạn chế, vài năm gần đây, xã Hồ Bốn nổi bật lên như một "bông hoa” đang đến thì nở rộ. 

Đi đến bản Háng Đề Chu đâu đâu cũng nghe bà con nhắc đến nông thôn mới, nhắc đến bản hạnh phúc, đến tổ hợp tác (THT) nông nghiệp… Không biết từ bao giờ những công việc, khái niệm tưởng chừng xa xôi ấy lại trở nên quen thuộc, gần gũi với người dân đến vậy!. Bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn đường xá đi lại chưa thuận tiện, hơi vất vả một chút để lên tới vườn trồng su su của THT nông nghiệp nhưng "phần thưởng” quả thực quá xứng đáng. 

Đi dưới giàn su su đang lúc lỉu, nặng trĩu quả, xanh mướt khắp các triền núi, Bí thư Chi bộ bản Háng Đề Chu phấn khởi: "Bản chúng tôi có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống và có 21 đảng viên. Sau khi bàn thảo, Chi bộ đã xây dựng nghị quyết phát triển cây su su, một loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương; sản phẩm ngọn và quả su su có đầu ra ổn định. Nhằm xây dựng mô hình và nòng cốt cho phong trào trồng su su tại thôn, 1 THT với 3 thành viên đã ra đời. Đó là những thành viên tích cực nhất, hăng hái nhất, càng "giá trị” hơn khi các thành viên của THT là hội viên Hội Cựu chiến binh xã”. 

Được biết, vườn su su 1,5 ha sinh trưởng tốt, cho thu hoạch tới 9 tháng trong năm với sản lượng cao, trung bình từ 3 - 4 tạ quả/ngày; giá bán 10.000 - 12.000 đồng/kg cho thu về 150 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ THT trồng su su đã phát triển mạnh khắp thôn Háng Đề Chu và nhiều thôn khác. 

Không chỉ su su, Hồ Bốn giờ đã có nhiều THT khác được thành lập như: THT trồng lúa Séng cù do Hội Nông dân thực hiện; THT trồng cây ăn quả do Hội Phụ nữ thực hiện; THT trồng xả do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thực hiện; rồi THT trồng lạc đỏ, trồng ngô tí hon, trồng dưa trái vụ…

Chặng đường xây dựng nông thôn mới đối với các huyện vùng cao vốn khá nhiều khó khăn. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ tiếp tục xây dựng bản Háng Đề Chu trở thành bản nông thôn mới trong năm 2022, cấp ủy, chính quyền xã Hồ Bốn đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị. 

Trong đó, có 4 tiêu chí được ưu tiên thực hiện là: thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, xóa nhà dột nát, đảm bảo "ba cứng” cho các hộ dân. Đến thời điểm này, Háng Đề Chu đã hoàn thành 15/15 tiêu chí nông thôn mới; huy động nguồn lực, xóa được 13 nhà dột nát; huy động xã hội hóa được 260 tấn xi măng, cấp trực tiếp cho các hộ dân để đảm bảo tiêu chí nền nhà 3 cứng; rà soát, bình xét, đánh giá 58/67 hộ đã thoát nghèo… 

Từ một bản có xuất phát điểm thấp, qua quá trình triển khai thực hiện, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các cấp, người dân bản Háng Đề Chu đã rất tích cực tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, thi đua tăng gia sản xuất, di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nhà ở… 

Cấp ủy, chính quyền xã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt là chú trọng sinh hoạt chuyên đề, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng chính đáng của bà con để từ đó có sự tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Với cách làm sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ huyện tới cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Hồ Bốn nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh, là một trong những tập thể điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị được Huyện ủy Mù Cang Chải khen thưởng.

Rời bản Háng Đề Chu, chúng tôi đến xã Khao Mang để gặp gỡ và trò chuyện với đồng chí Bí thư Chi bộ Háng Bla Ha B Vàng A Hồng. Cũng là địa phương có xuất phát điểm thấp trong phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng nông thôn mới nhưng Bí thư Chi bộ Vàng A Hồng và các cán bộ đảng viên đã không ngừng nỗ lực cùng bà con trong bản đóng góp hơn 500 ngày công, gần 2 tấn xi măng để có thể bê tông hóa tuyến đường từ quốc lộ 32 lên bản dài 4 km. 


Tổ hợp tác trồng su su bản Háng Đề Chu, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. 

"Từ ngày có những con đường bê tông liên thôn, liên bản, bà con ai nấy đều phấn khởi. Trẻ nhỏ đi học không còn lo đường lầy lội, trơn trượt, xe cộ đi lại, giao thương buôn bán thuận tiện hơn. Từ nay đến hết năm 2023, chúng tôi sẽ nỗ lực, tận dụng mọi nguồn lực cùng sự đồng lòng của bà con làm thêm nhiều những con đường bê tông nữa” - Bí thư Chi bộ Vàng A Hồng chia sẻ. 

Cùng với việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, Bí thư Chi bộ bản Háng Bla Ha B còn tích cực trong phát triển kinh tế gia đình. Anh đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt, duy trì ổn định đàn lợn từ 15 - 20 con; trồng và chăm sóc 2ha thảo quả; mở cửa hàng tạp hóa tại nhà, tổng thu nhập bình quân đạt 90-120 triệu đồng/năm. 

Đặc biệt, dưới sự quan tâm sát sao của Bí thư Chi bộ trẻ Vàng A Hồng, Chi bộ Háng Bla Ha B đã luôn làm tốt công tác phát triển Đảng. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Chi bộ đã kết nạp được 6 đảng viên, đưa tổng số đảng viên lên 20 đồng chí. Liên tục trong 5 năm (2017 - 2021) đồng chí Bí thư Chi bộ được Đảng ủy xã Khao Mang đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Gần đây nhất, đồng chí vinh dự là một trong những cá nhân được Huyện ủy Mù Cang Chải biểu dương, khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016 - 2021. 

5 năm qua, toàn huyện có 11 đợt thi đua khen thưởng về thực hiện Chỉ thị số 05 ở các cấp với tổng số 119 lượt tập thể và 262 lượt cá nhân điển hình tiên tiến (huyện khen thưởng 111 tập thể, 251 cá nhân; tỉnh khen thưởng 7 tập thể, 11 cá nhân; Trung ương khen thưởng 1 tập thể). 

Đồng chí Đào Thị Thu Thủy - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định: Việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị gắn với phát động các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động trên địa bàn huyện đã lan tỏa, đi vào cuộc sống, góp phần động viên, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị địa phương. Trên địa bàn, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, nhân tố mới ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. 

Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở huyện Mù Cang Chải về tinh thần trách nhiệm, phong cách làm việc gần dân, trọng dân, vì dân của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên, thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp đã đề ra.

Mai Linh

Tags Mù Cang Chải nông thôn mới tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh Chỉ thị số 05

Các tin khác
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vi phạm

Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Ninh vừa bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về vi phạm ở đơn vị này.

ĐVTN huyện Trấn Yên tham gia lao động tình nguyện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới

Với phương châm “Mỗi cơ sở Đoàn một công trình, phần việc; mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) một hoạt động thiết thực tham gia xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn Trấn Yên đã chỉ đạo các cơ sở Đoàn vận động ĐVTN tích cực đưa ra ý tưởng sáng tạo tham mưu trong sản xuất, xây dựng hạ tầng, cảnh quan nông thôn mới.

Ông Hoàng Xuân Long - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh, Phó Trưởng ban Ban quản lý Chương trình FFF II trao kinh phí hỗ trợ “Quỹ tín dụng xanh” cho Hội Nông dân xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.

Mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được triển khai và nhân rộng thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ đang tạo nên những luồng sinh khí mới trong sản xuất, góp sức không nhỏ trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo cho người dân tại nhiều vùng quê của tỉnh Yên Bái.

Công nhân Công ty cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại 909 thi công công trình đường Nguyễn Tất Thành, đoạn qua huyện Yên Bình.

Nhờ làm tốt công tác khơi thông “dòng chảy” vốn đầu tư công (VĐTC), ngày 15/11, Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn thêm 250 tỷ đồng để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp bách.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục