Dự án đầu tư xây dựng đường nối quốc lộ 37 với cao tốc Nội Bài-Lào Cai gồm 6 gói thầu xây lắp, tổng mức đầu tư gần 360 tỷ đồng. Khối lượng công việc lớn, thi công trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng bằng sự nỗ lực của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thi công của các nhà thầu, đến nay, Dự án đã giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2021 và đã bàn giao đưa vào sử dụng các gói thầu số 8 - cầu Khe Dài, gói thầu số 15 (tuyến chính từ cầu Bách Lẫm đến cầu Tuần Quán), gói thầu số 9 (thi công các khu tái định cư 1,2,3) và gói thầu số 16,17.
Hiện, Dự án đang thực hiện giai đoạn II thi công xây dựng hạng mục mặt đường, rãnh dọc, hệ thống phòng hộ thuộc đoạn từ cầu Tuần Quán đến cầu Văn Phú với chiều dài gần 3 km, phấn đấu đến cuối tháng 1/2022 sẽ hoàn thành tuyến.
Công nhân Công ty TNHH Hiệp Phú thi công xây dựng hạng mục rãnh dọc, hệ thống phòng hộ thuộc đoạn từ cầu Tuần Quán đến cầu Văn Phú.
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú cho biết: "Quá trình thi công mặc dù gặp nhiều bất lợi do thời tiết mưa nhiều và ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng Công ty đã tích cực, chủ động các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, các hạng mục của Dự án cơ bản đã hoàn thành, chất lượng công trình được đảm bảo”.
Dự án Chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái là công trình dân dụng cấp III, được thiết kế theo tiêu chuẩn chợ hạng II với tổng diện tích trên 2 ha.
Ông Nguyễn Công Thức - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Đại An chia sẻ: "Đây là một trong những công trình trọng điểm của tỉnh nhằm mục tiêu phát triển thành phố Yên Bái sang bên hữu ngạn sông Hồng mở rộng không gian đô thị. Vì vậy, trong quá trình thi công, Công ty luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng cơ bản tỉnh nên đến nay các hạng mục như: nhà làm việc ban quản lý chợ; đình chợ; khu ki ốt bán hàng khô, hàng đông lạnh, hàng tươi sống, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy đã hoàn thành. Đến cuối tháng 12, Dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao năm 2021”.
Theo kế hoạch năm 2021, tổng vốn ngân sách Nhà nước được cấp cho Yên Bái 5.305 tỷ đồng, tăng 235 tỷ đồng so với năm 2020; trong đó, vốn ngân sách trung ương 1.261 tỷ đồng; vốn nước ngoài 311 tỷ đồng; vốn dự phòng ngân sách trung ương 120 tỷ đồng; vốn đầu tư phát triển ngân sách địa phương 1.981 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 1.134 tỷ đồng và 274 tỷ đồng từ năm 2020 chuyển sang.
Theo đó, tỉnh đã phân bổ cho 86 dự án hoàn thành với mức vốn bố trí 288 tỷ đồng; 227 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang, với mức vốn 2.518 tỷ đồng; 404 dự án khởi công mới, với mức vốn 2.499 tỷ đồng; 14 dự án trọng điểm của tỉnh 1.757 tỷ đồng.
Để khơi thông "dòng chảy” VĐTC đúng tiến độ, trong năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn năm 2021 bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự và thời gian quy định. Đồng thời, xác định mục tiêu đẩy mạnh đầu tư, trong đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện hoàn thành "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Thanh Chương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Để làm tốt công tác giải ngân VĐTC, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với tỉnh rà soát, điều chỉnh linh hoạt kế hoạch vốn theo nguyên tắc điều chỉnh giảm vốn của các dự án hoàn thành, hết nhiệm vụ chi; dự án có tiến độ triển khai thực hiện chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, dự án trọng điểm cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, dự án thiếu vốn giải phóng mặt bằng; rà soát các nguồn tăng thu, tiết kiệm chi kịp thời đưa vào đầu tư để phân bổ cho các dự án có khả năng hấp thụ vốn bảo đảm hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Cùng đó, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án phát triển quỹ đất, vận động, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án. Chỉ đạo, các đơn vị chủ đầu tư tăng cường kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với các nhà thầu vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; có biện pháp chấn chỉnh, thay thế nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu phụ đối với các nhà thầu không đáp ứng đủ năng lực làm ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; không tiếp tục giao thầu cho các nhà thầu chậm tiến độ…
Với các giải pháp trên, hết 9 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân của tỉnh đạt gần 70% kế hoạch và xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố giải ngân cao nhất trong cả nước. Dự kiến đến 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân của Yên Bái sẽ đạt 96,5% kế hoạch. Nhờ làm tốt công tác khơi thông "dòng chảy” VĐTC, ngày 15/11, Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung vốn thêm 250 tỷ đồng để bố trí cho các dự án trọng điểm, cấp bách, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của tỉnh; tạo tiền đề quan trọng để Yên Bái bứt phá trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Văn Tuấn