Nền tảng mọi thành công

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/9/2013 | 2:46:05 PM

YBĐT - Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành luôn là nhiệm vụ được Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái) xác định đưa lên hàng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh chính là tạo nguồn nhân lực đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Giờ học môn Bản đồ học của lớp trung cấp quản lý đất đai.
(Ảnh: Phan Tuấn)
Giờ học môn Bản đồ học của lớp trung cấp quản lý đất đai. (Ảnh: Phan Tuấn)

Sinh năm 1981, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm Nguyễn Cao Cường hiện là chủ tịch trẻ nhất của huyện. Trước đó, anh đã được giao nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Đoàn xã (2004 - 2008), Phó chủ tịch UBND xã phụ trách Văn hóa - Xã hội (2008 - 2010), Phó chủ tịch UBND xã phụ trách Kinh tế - Nông nghiệp và đến tháng 4/2012 được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND xã.

Anh Cường tâm sự: “Mình rất may mắn khi được cử theo học lớp đại học nông nghiệp đầu tiên tổ chức ngay tại huyện. Những kiến thức trong suốt 8 kỳ học chính đã bổ sung cho mình nhiều tư duy, cách làm mới để vận dụng vào thực tiễn tại địa phương”.

Trên cơ sở điều kiện đặc thù của Nghĩa Tâm chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, trong đó cây chè, cây lúa là những cây trồng mũi nhọn, anh đã linh hoạt đưa vào kế hoạch điều hành của UBND xã; chỉ đạo cán bộ nông - lâm nghiệp nghiên cứu, khảo sát tình hình thực tế, hoạch định, xây dựng chiến lược vực dậy kinh tế địa phương để triển khai trên địa bàn. Tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, vận động nhân dân học tập kinh nghiệm sản xuất ở các vùng, chỉ tính riêng vụ lúa đông - xuân vừa qua, năng suất lúa ở Nghĩa Tâm đã đạt 64 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với trước.

Vui mừng trước sự đổi thay gần đây của địa phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Cao Cường cho biết: “Nghĩa Tâm gần đây đã có sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu kinh tế, nhân dân đã đưa các giống lúa chất lượng cao vào gieo cấy, các diện tích chè được chăm sóc và cải tạo. Mừng nhất là bà con đã nhận thức được rằng cần phải khôi phục lại diện tích cam - một trong những đặc sản nổi tiếng nhiều năm trước của xã. Năm nay, địa phương đã cải tạo được 7ha cam, vượt 2ha so với kế hoạch huyện giao”.

Chia tay Nghĩa Tâm trong niềm hy vọng sẽ có thêm nhiều sáng kiến hiệu quả từ người cán bộ chủ chốt trẻ tuổi này, chúng tôi được chứng kiến không khí học tập sôi nổi trong giờ học môn Bản đồ học của lớp Trung cấp quản lý đất đai, niên khóa 2012 - 2014. Các học viên đang nhiệt tình thảo luận trong tình huống xác định từng khu vực theo yêu cầu của giảng viên.

Anh Hảng A Sùng ở xã Suối Bu phấn khởi nói: “Trước đây, mình chỉ biết Suối Bu giáp ranh với Đồng Khê thôi, chưa hề hình dung đến các chi tiết cụ thể. Bây giờ, qua môn học này, mình có thể chỉ cho bà con người Mông xã mình biết chính xác nơi đang sống”.

Sau thành công của lớp đại học nông nghiệp niên khóa 2006 - 2011, Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nhằm hoàn thiện trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến các ngành phù hợp với yêu cầu thực tế và chất lượng sau đào tạo.

Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Hoàng Đức Hạnh khẳng định: “Nhiều học viên sau khi hoàn thành chương trình học tập đã có sự phát triển vượt bậc và đóng góp tích cực, hiệu quả cho cơ sở”.

 Trong danh sách lưu giữ tại Trung tâm, có không ít học viên đã khẳng định được khả năng và được điều động, luân chuyển qua nhiều chức vụ chủ chốt như: đồng chí Phùng Văn Đồng - trước là Phó chủ tịch UBND xã Phù Nham, nay là Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn; đồng chí Hà Thị Hoàn sau gần 5 năm làm Chủ nhiệm đã giúp Hợp tác xã Phù Nham củng cố và mở rộng mô hình kinh doanh; đồng chí Bùi Đình Vượng - trước là Phó chủ tịch UBND xã nay là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Thanh Lương… Đây chính là minh chứng thiết thực nhất, thuyết phục nhất thể hiện sự lựa chọn đúng đắn của Đảng bộ huyện trong công tác đào tạo cán bộ nguồn cho cơ sở.

Đồng chí Phan Nguyên Hà - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: “Ngoài việc tập trung đào tạo cán bộ đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, cán bộ trong diện quy hoạch chưa đạt chuẩn về trình độ, Huyện ủy rất chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn cho các cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong danh sách dự nguồn nhằm tạo nguồn cán bộ đảm bảo các tiêu chuẩn, yêu cầu thực tiễn của mỗi cơ sở”.

Nét đột phá trong công tác đào tạo cán bộ là từ năm 2006, Văn Chấn đã mạnh dạn tổ chức các lớp đào tạo hệ vừa làm vừa học ngay tại huyện, tạo điều kiện cho hàng trăm lượt cán bộ được tham gia học tập. Chị Sùng Thị Xía - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Suối Bu, học viên lớp Trung cấp quản lý đất đai chia sẻ: “Nếu không có mô hình học tập này, phụ nữ người Mông như mình quanh năm hết bận việc xã hội đến việc gia đình, lấy đâu ra thời gian để theo học tận ngoài tỉnh. Năm ngoái, mình đã phải bỏ lớp đại học nông nghiệp ở đó vì không có người trông nhà, trông con hộ đấy”.

Theo mô hình này, ngoài 175 cán bộ đã được đào tạo chuyên ngành nông nghiệp và chính trị - hành chính, năm nay, Văn Chấn tiếp tục duy trì 2 lớp trung cấp lý luận chính trị cho 134 học viên; 3 lớp trung cấp, đại học chuyên ngành phát triển nông thôn, quản lý đất đai, luật kinh tế ngay tại huyện cho 242 cán bộ.

Một điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đào tạo cán bộ là ngày 5/12/2012, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 08 “Đào tạo cán bộ trẻ có trình độ sau đại học giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020” và Đề án số 11 “Đào tạo cán bộ chủ chốt và dự nguồn xã, phường, thị trấn giai đoạn 2012 - 2020”, huyện đã cử 4 đồng chí tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị, 1 đồng chí tham gia đào tạo thạc sỹ chuyên ngành xây dựng Đảng - chính quyền Nhà nước, cử 8 đồng chí là cấp trưởng, phó và cán bộ quy hoạch cấp trưởng, phó tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ các chuyên ngành; cử 19 cán bộ theo học các lớp đại học chuyên ngành trồng trọt và phát triển nông thôn tại tỉnh Yên Bái đồng thời xây dựng kế hoạch, lập danh sách đăng ký đào tạo 120 cán bộ, công chức xã, trị trấn theo 7 chuyên ngành phù hợp với yêu cầu thực tế ở cơ sở.

Đây chính là tiền đề, là điều kiện quan trọng để Văn Chấn xây dựng và tạo nguồn cán bộ có đủ các điều kiện về năng lực, trình độ, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đồng chí Phan Nguyên Hà - Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy:

Ưu tiên hàng đầu của huyện là tổ chức đào tạo các chuyên ngành về nông - lâm nghiệp, quản lý hành chính nhằm cung cấp kiến thức cần thiết cho đội ngũ cán bộ nguồn, mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho mỗi cơ sở.

 

 

 

Đồng chí Hoàng Đức Hạnh - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện:

Ngoài việc thực hiện nghiêm túc quy chế trong học tập, tạo môi trường kết hợp chính trị với sư phạm, Trung tâm đã mạnh dạn đưa công nghệ thông tin, giáo án điện tử vào giảng dạy, giúp các học viên hiểu nhanh, hiểu sâu hơn nội dung bài giảng.

 

 

 

Thạc sỹ Lương Việt Anh - Giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ:

Đối với các lớp học tại Văn Chấn, chúng tôi chuẩn bị giáo án kỹ hơn, có nhiều ví dụ minh họa sát thực với địa phương. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, trao đổi nội dung bài tập ngay tại lớp học để kịp thời bổ sung kiến thức, khắc phục phần yếu cho học viên.

 

 

 

Chị Hà Thị Thành - học viên lớp Trung cấp quản lý đất đai:

Là cán bộ dự nguồn của xã Hạnh Sơn, tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình và nghiêm túc học tập các môn học. Cố gắng tiếp thu các nội dung đạt kết quả cao nhất chính là sau này, tôi sẽ góp công sức hiệu quả và thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Huyền

Các tin khác
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới đây có rất nhiều nội dung quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Lãnh đạo MTTQ thành phố tham gia Chương trình

Sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), diện mạo đô thị thành phố Yên Bái ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng cao. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) thành phố trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân tích cực tham gia cùng chính quyền xây nên nhiều miền quê đáng sống.

Cán bộ cùng với người dân thôn Trung Tâm, xã Đại Phác thực hiện phong trào “2 chung, 5 cùng, 1 đích đến” gắn với phong trào

Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Văn Yên đã phát động phong trào "2 chung, 5 cùng, 1 đích đến", nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên tham gia chương trình

Huyện Trấn Yên vừa tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước nhân dịp kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/9/1969 - 2/9/2024).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục