Bác Hồ coi trọng chống “giặc nội xâm”
- Cập nhật: Thứ ba, 15/10/2013 | 8:36:27 AM
YBĐT - Đây là nhu cầu mang tính khách quan đối với sự tồn tại và hoạt động của Đảng, là hoạt động của cấp uỷ, cơ quan Đảng cấp trên đối với cấp dưới và đối với từng đảng viên nhằm đánh giá việc thực hiện Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, các vấn đề sinh hoạt nội bộ, hoàn thiện quy trình lãnh đạo, giữ nghiêm kỷ luật nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc, xa rời Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
![]() |
Đồng chí Trịnh Huỳnh Yên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chỉ đạo bộ phận chuyên môn thực hiện tốt công tác lưu trữ hồ sơ. (Ảnh: H.N)
|
Kiểm tra là khâu cuối cùng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chính trị của mỗi Đảng cầm quyền có tác động đan xen và tác động tích cực lên tất cả các khâu trong quá trình lãnh đạo, qua đó bảo đảm quy trình lãnh đạo luôn đúng đắn và hoàn thiện không ngừng, giúp Đảng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng lãnh đạo chính trị trong từng giai đoạn cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác kiểm tra Đảng. Người cho rằng: kiểm tra là công cụ thiết yếu để làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, là biện pháp hữu hiệu trong việc đấu tranh thủ tiêu mọi thiếu sót, khuyết điểm trong cơ quan Đảng và Nhà nước. Người luôn quan niệm rằng: Đảng muốn lãnh đạo, Nhà nước muốn quản lý tốt thì bản thân mình trước hết phải trở thành tấm gương sáng trước giai cấp, dân tộc; cán bộ, đảng viên, viên chức Nhà nước phải tẩy bỏ mọi thói hư, tật xấu, chống sa sút về đạo đức và lối sống.
Người nói: “Kiểm tra, thanh tra chẳng những chống lãng phí, tham ô mà còn chống quan liêu, mệnh lệnh; giúp cơ quan Đảng, Nhà nước cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ” và “kiểm soát khéo bao nhiêu, khuyết điểm sẽ lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định sẽ bớt đi. Một là, có kiểm tra như thế mới biết rõ cán bộ, nhân viên tốt hay xấu. Hai là, mới biết rõ ưu, khuyết điểm của các mệnh lệnh, nghị quyết”.
Đồng thời với việc đưa ra những cách thức tiến hành công tác kiểm tra sao cho đúng đắn, hợp lý và mang tính thực tiễn như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phê phán nghiêm khắc thái độ coi nhẹ công tác kiểm tra, kiểm tra qua loa đại khái mà không nhận thức rõ ràng rằng “kiểm tra chính là chống giặc nội xâm”. Người chỉ rõ: “Nếu chiến sỹ và nhân dân ta ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên mất chống giặc nội xâm là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình”. Đây chính là cơ sở và tiền đề lý luận chặt chẽ, đúng đắn nhất để Đảng và Nhà nước ta thực hiện công tác kiểm tra hiệu quả, nâng cao chất lượng lãnh đạo, tính sáng tạo trong quá trình nghiên cứu, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Kiểm tra, thanh tra là chức năng lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước; là khâu quan trọng để định ra đường lối, chủ trương, chính sách đúng và tổ chức thực hiện thắng lợi trong thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: lãnh đạo, quản lý là phải có quyết định đúng. Quyết định đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thật sự còn phải tổ chức, còn phải đấu tranh. Và “khi đã có chính sách đúng thì sự thành công hay thất bại của chính sách đó là do nơi tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách dù đúng mấy cũng vô ích”.
Kiểm tra là “tai”, “mắt” của lãnh đạo và quản lý, vì vậy, có kiểm tra mới biết được mức độ và hiệu quả triển khai thực hiện công việc đến đâu, đường lối, chủ trương, chính sách đề ra đúng đắn hay không; qua đó tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa việc đề ra chính sách và thực hiện chính sách nhằm phát hiện những ưu, khuyết điểm nhất định và kịp thời khắc phục những sai lầm, thiếu sót, tránh sai mà vẫn làm, chính sách không phù hợp mà vẫn thực hiện. Làm tốt công tác kiểm tra, Đảng và Nhà nước sẽ bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển đất nước bền vững.
Chính vì lẽ đó, Người đặc biệt phê phán những cán bộ trong cơ quan Đảng và Nhà nước, những cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp không sát thực tế, không theo dõi, giáo dục cán bộ, gần gũi quần chúng; đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề, chỉ khai hội, viết chỉ thị mà không kiểm tra đến nơi đến chốn. Người chỉ rõ nguyên do đó là “Họ quên mất kiểm tra” vì thế mà “đầy túi quần thông báo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”.
Bác cho rằng, công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra không chỉ là nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng; lãnh đạo, quản lý phải tổ chức để khai thác sức mạnh của quần chúng trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Người căn dặn: “Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn khiêm tốn, mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra”. Bởi lẽ “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự lợi ích của nhân dân”.
Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những phương pháp căn bản để kiểm tra, giám sát có hiệu quả nhất là “làm từ dưới làm lên, tức là quần chúng và cán bộ kiểm soát sự sai lầm của người lãnh đạo và bày tỏ cách sửa chữa sai lầm đó. Cách này là cách tốt nhất để kiểm soát các nhân viên”. Đây là cách làm có hiệu quả bởi nó tạo nên mối quan hệ mật thiết và sự tác động qua lại tích cực giữa các chủ thể tham gia lãnh đạo, quản lý với người thực thi các quyết định lãnh đạo, quản lý vừa làm tốt công tác kiểm tra vừa “nâng cao dân trí” và “mở rộng dân quyền”, góp phần phát huy quyền làm chủ đúng đắn của quần chúng nhân dân trong xã hội.
Kiểm tra cần có mục đích và cách thực hiện phù hợp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: kiểm tra cốt để “làm rõ cán bộ, nhân viên tốt hay xấu; làm rõ ưu điểm hay khuyết điểm của các cơ quan; làm rõ ưu điểm hay khuyết điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết” để rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm để cùng nhau tiến bộ.
Muốn đạt được kết quả đó, trước hết “cán bộ làm công tác kiểm tra phải luôn học tập thấm nhuần đường lối của Đảng, phải luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng… đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, phải thật thà tự phê bình và phê bình để làm gương trong việc chấp hành kỷ luật Đảng, phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến như thế thì mới làm tốt được công tác kiểm tra”. Như vậy, để làm tốt công tác kiểm tra phải tiến hành kiểm tra có hệ thống, toàn diện, kịp thời, linh hoạt tỉ mỉ, thường xuyên và đặc biệt, người kiểm tra phải là người có uy tín.
Những quan điểm, lời dạy của Bác vẫn nguyên giá trị!
K.T
Các tin khác

Trong 3 ngày từ 11-13/10, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức lễ viếng và mở Sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

YBĐT - Xác định công tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng và phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng bộ thành phố Yên Bái giai đoạn 2011 - 2015”. Sau gần hai năm thực hiện, Đề án bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ nét.

Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức danh Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam và chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân.

Ngày 14-10, tay đua Lê Văn Duẩn (TPHCM) đã lên ngôi vua nước rút sau khi xuất sắc giành HCV nội dung 500m tốc độ nam tại Giải vô địch xe đạp toàn quốc 2013 diễn ra ở TP Vũng Tàu.