Chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả
- Cập nhật: Thứ ba, 15/10/2013 | 8:42:47 AM
YBĐT - Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, ủy ban kiểm tra các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức Đảng có liên quan tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy giao, trong đó tham gia phục vụ nhiều cuộc vận động lớn, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng.
![]() |
Đồng chí Ngô Văn Dụ - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, thành phố Yên Bái thăm cơ sở trồng hoa công nghệ cao thành phố Yên Bái.
(Ảnh: Đức Toàn)
|
Công tác kiểm tra, giám sát có vị trí hết sức quan trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng và được Đảng ta luôn coi trọng. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã có Quyết nghị số 29-QN/TW thành lập Ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Tiến Luật - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái |
Ở tỉnh Yên Bái, đầu năm 1949 đã thành lập Ban tổ kiểm, cơ quan kiểm tra đầu tiên của Đảng bộ. Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa I (nhiệm kỳ 1949 - 1951) đã cử một đồng chí tỉnh ủy viên làm Trưởng ban. Trải qua các thời kỳ, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao, hoạt động của UBKT luôn gắn liền với sự phát triển của Đảng bộ đồng thời đã cùng với ngành kiểm tra trong toàn Đảng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
Từ ngày thành lập đến nay, qua mỗi nhiệm kỳ đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nhiệm vụ của UBKT được bổ sung, sửa đổi và quy định trong Điều lệ Đảng. Từ nhiệm vụ phục vụ cấp ủy kiểm tra việc thực hiện đường lối kháng chiến kiến quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; xem xét tư cách và cách làm việc của cán bộ, đảng viên; xem xét những việc bất thường xảy ra; kiểm tra những vụ đảng viên làm trái Điều lệ, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước, vi phạm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, vi phạm đạo đức cách mạng của người đảng viên; giải quyết thư tố cáo và khiếu nại kỷ luật; kiểm tra tài chính của Đảng đến kiểm tra việc thi hành kỷ luật của tổ chức Đảng ở cấp dưới, kiểm tra thực hiện chỉ thị, nghị quyết (thường gọi là kiểm tra chấp hành); kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm...
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng bổ sung UBKT các cấp có nhiệm vụ: "Giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ diện cấp ủy cùng cấp quản lý và tổ chức Đảng cấp dưới về việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, nghị quyết của cấp ủy và đạo đức, lối sống...".
Thẩm quyền kỷ luật của UBKT được quy định từ Điều lệ Đảng khóa III: UBKT từ cấp huyện ủy, quận ủy, thị ủy trở lên có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với đảng viên, kể cả cán bộ thuộc diện cấp trên quản lý nhưng không phải cấp ủy viên; thẩm quyền chuẩn y hoặc thay đổi hình thức kỷ luật trong việc giải quyết khiếu nại kỷ luật của đảng viên; phạm vi kiểm tra, giám sát từng bước được mở rộng. Điều lệ Đảng từ khóa VIII đến nay bổ sung quy định: UBKT có quyền yêu cầu tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra.
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định, UBKT các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức Đảng có liên quan tham mưu và tổ chức thực hiện nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy giao, trong đó tham gia phục vụ nhiều cuộc vận động lớn, làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của Đảng như: thực hiện “3 chống” (chống tham ô, lãng phí, quan liêu) ở ngành mậu dịch trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; thực hiện Nghị quyết số 228-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa III về chống và bài trừ tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ làm ăn phi pháp; thực hiện Chỉ thị số 192-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa III về việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; về kiểm tra thực hiện "chế độ lãnh đạo có kiểm tra" theo Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư khóa V; thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VII về ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng, buôn lậu; thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII...; thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gần đây là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
UBKT các cấp đã phục vụ đắc lực, giúp các cấp ủy Đảng trong đợt sinh hoạt tự phê bình và phê bình, giải quyết kịp thời các vụ việc bức xúc, nổi cộm; tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy Đảng trong công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng như: Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, Quy định về những điều đảng viên không được làm (Bộ Chính trị khóa VIII ban hành, sau đó được bổ sung sửa đổi trong các khóa IX, X, XI), Kết luận số 72-KL/TW của Bộ Chính trị khóa X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, Quy chế giám sát trong Đảng, Quy định xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm…
Suốt chặng đường lịch sử 65 năm qua, UBKT các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, tích cực, chủ động thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ do cấp ủy giao. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đã giúp các cấp ủy Đảng lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác, lề lối sinh hoạt của cán bộ, đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, UBKT các cấp trong Đảng bộ đã thực hiện toàn diện, có hiệu quả các nhiệm vụ do Điều lệ Đảng quy định. Đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 275 đảng viên, 105 tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; giải quyết đơn thư tố cáo 90 đảng viên và 9 tổ chức Đảng; thi hành kỷ luật và kiến nghị cấp ủy kỷ luật đối với 472 đảng viên và 15 tổ chức Đảng có vi phạm; tiến hành 1.325 cuộc kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, 117 tổ chức Đảng về thi hành kỷ luật trong Đảng; 26 cuộc kiểm tra tài chính đối với tổ chức Đảng cấp dưới và cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp.
Đồng thời làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy và thực hiện tốt nhiệm vụ cấp ủy giao: đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra của cấp ủy; giúp cấp ủy tiến hành 962 cuộc kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc của cấp ủy, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo Điều 30, Điều lệ Đảng.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ kiểm tra toàn ngành luôn nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc, trung thực, thẳng thắn, có quan điểm, chính kiến rõ ràng, luôn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất những vấn đề thuộc thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của UBKT.
Từ đó, công tác kiểm tra và hoạt động của UBKT các cấp trong toàn Đảng bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức Đảng và đảng viên đối với công tác kiểm tra, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với toàn hệ thống chính trị, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các thế hệ cán bộ kiểm tra đã xây đắp nên truyền thống "Tuyệt đối trung thành, đoàn kết, trung thực, liêm khiết, kỷ cương và tận tụy".
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ kiểm tra từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm cả về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị; đã mở 17 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, giám sát cho 1.352 đồng chí. Lực lượng cán bộ kiểm tra chuyên trách luôn được Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng chú trọng tăng cường cả về số lượng và chất lượng đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Nguyễn Tiến Luật - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác kiểm tra, giám sát năm 2012.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ trong 65 năm qua, ngành kiểm tra đã rút ra được bài học kinh nghiệm sâu sắc, đó là:
1- Phải nắm vững quan điểm kiểm tra, giám sát là một trong những chức năng lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng; không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Các tổ chức Đảng phải tiến hành công tác kiểm tra, giám sát; đảng viên và các tổ chức Đảng phải chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.
2- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy phải bằng các nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định để làm cơ sở có tính nguyên tắc trong hoạt động kiểm tra, giám sát. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát phải bằng chương trình, kế hoạch toàn khóa và hằng năm. Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức triển khai công tác kiểm tra, giám sát.
3- Hoạt động kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của địa phương, đơn vị với tinh thần "chủ động, chiến đấu, giáo dục, hiệu quả" để phòng ngừa vi phạm, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, củng cố lòng tin trong nhân dân.
4- Khi tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải giữ đúng các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, thận trọng và chặt chẽ; nắm vững và thực hiện tốt các phương pháp cơ bản và phương châm của công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng.
5- Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của UBKT các cấp thường xuyên bổ sung, hoàn thiện, tổ chức bộ máy phải được thường xuyên kiện toàn, bảo đảm ngang tầm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có đủ phẩm chất, năng lực và phương pháp công tác là một yêu cầu cấp bách, quan trọng để ngành kiểm tra của Đảng vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Để công tác kiểm tra, giám sát xứng đáng với vai trò, vị trí là một trong những chức năng lãnh đạo quan trọng của Đảng, cấp ủy, UBKT các cấp trong Đảng bộ cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, nhất là việc quán triệt, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cấp ủy Đảng đã ban hành.
Hai là, chủ động tham mưu, giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, trọng tâm là kiểm tra, giám sát việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", trọng tâm là thực hiện kế hoạch, biện pháp khắc phục những vấn đề đã kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình; kịp thời giải quyết các vụ việc bức xúc, nổi cộm qua đơn thư và phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ba là, triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng theo phương châm "giám sát phải mở rộng, kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm"; tăng cường kiểm tra đảng viên và tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tố cáo, khiếu nại; thực hiện đồng bộ giữa công tác kiểm tra và công tác giám sát để chủ động phòng ngừa vi phạm, phát hiện các nhân tố mới trong công tác xây dựng Đảng, chọn lọc những kinh nghiệm làm tốt về công tác kiểm tra, giám sát để phổ biến trong các tổ chức Đảng.
Bốn là, UBKT các cấp tự kiểm tra việc thực hiện khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã kết luận sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tổ chức mình.
Năm là, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ đề ra; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, có lối sống lành mạnh, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, có kiến thức toàn diện, chuyên môn sâu để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII.
Nguyễn Tiến Luật - Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Yên Bái
Các tin khác

YBĐT - với kinh nghiệm của những người đi trước, các cựu lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã chia sẻ kinh nghiệm với những đồng nghiệp đang công tác rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ thì điều trước tiên vẫn phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để tinh thông nghiệp vụ mới phát hiện được vi phạm và dấu hiệu vi phạm.

YBĐT - Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh nên những năm gần đây, Đảng bộ xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

YBĐT - Đây là nhu cầu mang tính khách quan đối với sự tồn tại và hoạt động của Đảng, là hoạt động của cấp uỷ, cơ quan Đảng cấp trên đối với cấp dưới và đối với từng đảng viên nhằm đánh giá việc thực hiện Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, các vấn đề sinh hoạt nội bộ, hoàn thiện quy trình lãnh đạo, giữ nghiêm kỷ luật nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, lệch lạc, xa rời Điều lệ Đảng, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Trong 3 ngày từ 11-13/10, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức lễ viếng và mở Sổ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp.