Quốc hội nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/10/2013 | 3:20:50 PM

YBĐT - Tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 30/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe trình bày báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

Trước Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Dựa trên các tiêu chí xem xét, đánh giá, kết quả rà soát quy hoạch trong Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã: Loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình thủy điện (Nlm =24.334 MW); đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW).

Từ kết quả rà soát quy hoạch, nhiều ý kiến cho rằng: Trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án thủy điện nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện. Khoảng 34% tổng số dự án thủy điện vừa và nhỏ phải loại bỏ khỏi quy hoạch. Nếu tính thêm số các dự án tạm dừng, tiếp tục đánh giá thêm tác động môi trường, KT-XH và hiệu quả đầu tư thì quy hoạch thủy điện nhỏ sẽ bị điều chỉnh khá nhiều. Có trường hợp trên cùng lưu vực sông, nhiều dự án thủy điện lớn và nhỏ đều bị loại bỏ hoặc phải tiếp tục rà soát. Gần 90% số các dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm khoảng 26% và tỷ trọng này sẽ thấp hơn nữa nếu một số dự án tiếp tục bị loại bỏ khỏi quy hoạch. Các dự án, vị trí thủy điện tiềm năng bị đưa ra khỏi quy hoạch vì một số lý do như: Mức độ khả thi thấp; không bảo đảm hiệu quả đầu tư, ít nhà đầu tư quan tâm và có tác động xấu đến môi trường và KT-XH.

Việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước. Tại một số dự án, công trình thủy điện, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình thủy điện nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện là rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.

Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình thủy điện vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình. Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình thủy điện này.

Báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Mặc dù các chủ đầu tư dự án và chính quyền các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhưng công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án thủy điện vẫn còn một số vấn đề tồn tại cần quan tâm giải quyết và rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn cho các dự án khác.

Những bất cập nổi lên là công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ  theo đúng quy định hoặc chưa thực sự hợp lý. Công tác quản lý và sử dụng đất đai tại các tỉnh miền núi còn một số hạn chế, bất cập liên quan đến số lượng và năng lực cán bộ, chủ yếu ở cấp huyện, xã, gây khó khăn, phức tạp cho công tác bồi thường, hỗ trợ.

Việc tiếp nhận, quản lý, bảo vệ và vận hành khai thác kết cấu hạ tầng khu tái định cư ở một số địa bàn chưa được chính quyền địa phương và người dân thực sự quan tâm, có tâm lý trông chờ trách nhiệm của chủ đầu tư dự án, mặc dù các hạng mục này đã được nghiệm thu, bảo hành và bàn giao theo quy định. Vì vậy, không ít hạng mục đã nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng.

Một thực trạng nữa được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề cập trước Quốc hội là: “Trên cùng một tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau đã gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí, chậm tiến độ, giảm hiệu quả, phát sinh thắc mắc, khiếu nại của người dân”. Việc lồng ghép công tác di dân, tái định cư với các dự án khác theo chương trình phát triển KT-XH của địa phương cũng chưa được quan tâm đồng bộ, gặp khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn ngân sách chưa kịp thời bố trí theo tiến độ yêu cầu.

Tiếp đó, các đại biểu Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) và thảo luận ở Hội trường về một sô nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) như: Về phạm vi điều chỉnh, quy định trong Luật hạn mức vốn nhà nước cụ thể. Việc quy định mức vốn nhà nước cụ thể ngay trong Luật là cần thiết để bảo đảm việc áp dụng Luật thống nhất, tránh tùy tiện, để hạn chế việc ban hành văn bản hướng dẫn. Quản lý chặt chẽ việc chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan…

Đức Toàn

Các tin khác

Trong ngày làm việc hôm nay (30/10), Quốc hội nghe Báo cáo Quy hoạch tổng thể về thuỷ điện và thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Đại biểu Đặng Thị Kim Liên - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu thảo luận tại hội trường.

YBĐT – Ngày 29/10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường để nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.

YBĐT – Chiều ngày 29/10, Đoàn cán bộ Hội đồng tỉnh Val-de-marne (Cộng hòa Pháp) và nhóm chuyên gia nghiên cứu hỗ trợ ngành chè thương mại bình đẳng đã đến chào xã giao lãnh đạo tỉnh Yên Bái. Tiếp đoàn có đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Rosen Plevneliev tại lễ ký các văn kiện giữa hai nước.

Trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục