Thống nhất các vấn đề quan trọng
- Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2013 | 2:38:28 PM
YBĐT - Quốc hội (QH) nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP ) năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại tổ.
![]() |
|
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tập trung về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau nổi lên; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ở tổ do ông Phan Trung Lý trình bày cho thấy, các ĐBQH đều cơ bản tán thành với dự thảo và cho rằng, dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng đã góp thêm nhiều ý kiến để hoàn thiện một số nội dung cụ thể của dự thảo và được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Về đề nghị Lời nói đầu cần được thể hiện rõ, thuyết phục hơn và mang tính hiệu triệu, kêu gọi, có sức mạnh lan tỏa hơn, ủy ban này đề nghị QH cho tiếp thu, chỉnh lý Lời nói đầu, bảo đảm súc tích và chính xác hơn. Về tên gọi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng, lần sửa đổi Hiến pháp này có phạm vi và nội dung sửa đổi tương đối toàn diện với 12 điều mới, 101 điều sửa đổi, bổ sung và chỉ có 7 điều giữ nguyên. Sau khi cân nhắc các mặt, ủy ban đề nghị QH cho lấy tên gọi là Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuyệt đại đa số ý kiến tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của dự thảo.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), các ý kiến đều cơ bản tán thành với quy định tại Chương II và cho rằng chương này có nhiều nội dung mới, các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được thể hiện chặt chẽ, đầy đủ, khái quát hơn và bảo đảm tính khả thi. Về nguyên tắc suy đoán vô tội (khoản 1 Điều 31), Ủy ban tiếp thu ý kiến ĐBQH và thể hiện lại khoản 1 Điều 31 là: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Về các thành phần kinh tế (khoản 1 Điều 51), đa số ý kiến tán thành với quy định về thành phần kinh tế trong dự thảo nhưng đề nghị phân biệt rõ giữa “kinh tế nhà nước” và “doanh nghiệp nhà nước”. Ý kiến khác băn khoăn về quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” vì mâu thuẫn với quy định tại khoản 2 “các thành phần kinh tế bình đẳng”. Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Hiến pháp quy định về các thành phần kinh tế cụ thể. Ủy ban dự thảo sửa đổi cho rằng, việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của Nhà nước ta, thể hiển rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Hơn nữa, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng, chứ không đồng nhất kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế.
Về sở hữu đất đai (Điều 53), đa số ý kiến tán thành quy định về sở hữu đất đai như dự thảo. Về thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), đa số ý kiến tán thành với quy định về thu hồi đất như dự thảo. Một số ý kiến băn khoăn về quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội vì cho rằng, thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã bao hàm các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Ủy ban cho rằng, để phục vụ cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì Nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế- xã hội. Vấn đề ở chỗ là Luật Đất đai phải quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất và việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng và phải được bồi thường. Vì vậy, đề nghị QH cho giữ quy định về thu hồi đất như đã thể hiện tại Điều 54 của dự thảo.
Về trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung và quy định cụ thể việc trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt vì mục đích quốc phòng, an ninh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai. Ủy ban tiếp thu và đề nghị QH cho bổ sung vấn đề này vào khoản 4 Điều 54 như sau: “Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai do luật định”.
Trong phiên thảo luận tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội cũng đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ một số vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau có liên quan được ghi trong dự thảo Hiến pháp như: Vấn đề quy hoạch, thu hồi đất cần phải được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp và việc thu hồi đất phải đảm bảo quyền, lợi ích của người dân. Vấn đề liên quan đến bộ máy chính quyền địa phương, quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, quyền con người, quyền lực của các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, các vấn đề liên quan đến y tế - giáo dục, quốc phòng, an ninh… cần có sự thống nhất cao, trước khi Quốc hội có quyết định thông qua và dự kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng sẽ được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 này.
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT - Ngày 4-11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bước vào tuần làm việc thứ 3. Quốc hội nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự luật này.
![Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn.](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/11_2013/103747_4-11 thu tuong.jpg)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi.
YBĐT - Sau kỳ sinh hoạt trước, kỳ này, tinh thần tự phê bình của các đồng chí tổ trưởng tổ Đảng, các đảng viên của chi bộ khu Đông có phần tốt hơn. Kiểm việc rõ ràng, báo cáo rõ chất lượng, tiến độ thực hiện, nêu rõ hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và hướng khắc phục.
![Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ 12/11](https://ims.baoyenbai.com.vn/Resize_Image.aspx?ImgWd=375&IptFl=/NewsImg/11_2013/103724_4-11putin.jpg)
Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 2/11 đã ký ban hành thỏa thuận giữa Chính phủ Liên bang Nga và Chính phủ Việt Nam về lao động tạm thời của người dân hai nước.