Hiến pháp dân chủ, pháp quyền và phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/1/2014 | 2:31:38 PM

YBĐT - Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi). Đây là bản Hiến pháp được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc với sự tham gia của hơn 26 triệu lượt cử tri và hơn 28.000 lượt hội nghị, hội thảo; có sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị khóa XI và được Quốc hội khóa XIII xem xét, cho ý kiến ở 3 kỳ họp quan trọng.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.
Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

 Vì vậy, Hiến pháp đã kết tinh được tinh hoa trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của tuyệt đại đa số nhân dân, của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như thể hiện được ý Đảng, lòng dân và sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị. Có thể nói, đây là Hiến pháp của thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước về kinh tế và chính trị, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.

So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp này có nhiều điểm mới cả về nội dung và kỹ thuật lập hiến. Về bố cục, Hiến pháp chỉ còn 11 chương, 120 điều, giảm 1 chương, 27 điều so với Hiến pháp năm 1992; có 12 điều mới (Điều 19, 34, 41, 42, 43, 55, 63, 78, 111, 112, 117, 118), giữ nguyên 7 điều (Điều 1, 23, 49, 86, 87, 91, 97); sửa đổi, bổ sung 101 điều.

Nội dung “Lời nói đầu” cũng như nội dung ở các chương, điều đã thể hiện rõ và đầy đủ hơn bản chất dân chủ, tiến bộ của Nhà nước và chế độ ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; quy định rõ ràng, đúng đắn và đầy đủ chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, bảo vệ Tổ quốc, tổ chức bộ máy Nhà nước, về hiệu lực và quy trình sửa đổi Hiến pháp. Điều này có thể thấy rõ ở một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Thứ nhất: Hiến pháp đã đề cao quyền làm chủ của người dân, thể hiện rõ hơn bản chất dân chủ của Nhà nước ta, Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (Điều 2). Ngay từ “Lời nói đầu” đã nêu: “... Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Các quy định trong Hiến pháp đã thể hiện rõ đường lối, chủ trương của Đảng ta là lấy con người làm trung tâm, đề cao quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để mọi người dân cùng phát triển. Đồng thời, Hiến pháp đã quy định cụ thể hơn các phương thức để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước (Điều 6).

Thứ hai: Hiến pháp tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, trách nhiệm của Đảng trước nhân dân; khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật (Điều 4).

Thứ ba: Hiến pháp tiếp tục khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp thể hiện rõ hơn tư tưởng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là động lực, nguồn sức mạnh to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng này thể hiện trong việc giữ quy định về Mặt trận Tổ quốc và Công đoàn trong Hiến pháp 1992 nhưng bổ sung, làm rõ vai trò của Mặt trận, Công đoàn và các tổ chức chính trị - xã hội khác được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Mặt trận, phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Điều 9, Điều 10).

Thứ tư: Hiến pháp thừa nhận, tôn trọng và bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân. Điều này không chỉ thể hiện ở việc chuyển quy định này từ Chương V (Hiến pháp năm 1992) lên Chương II (Hiến pháp năm 2013), Hiến pháp còn làm rõ nội dung quy định về quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bổ sung một số điều mới.

Đó là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Hiến pháp cũng có các quy định giới hạn về quyền con người, quyền của công dân nhằm bảo vệ một cách vững chắc chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, lợi ích kinh tế của đất nước và sức khỏe của con người (Chương II, từ Điều 14 đến Điều 49).

Thứ năm: Hiến pháp tiếp tục khẳng định “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, bình đẳng, cạnh tranh, cùng phát triển” (Điều 51) đồng thời thể chế hóa các quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh về các lĩnh vực này theo nguyên tắc phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Hiến pháp cũng tiếp tục khẳng định: Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước đồng thời khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai, tôn trọng và bảo vệ quyền sử dụng đất của người dân (Điều 53 và Điều 54).

Các vấn đề văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường về cơ bản kế thừa và hoàn thiện các quy định của từng lĩnh vực trong Hiến pháp năm 1992, đảm bảo quán triệt các quan điểm và những định hướng lớn trong Cương lĩnh chính trị của Đảng.

Thứ sáu: Hiến pháp tiếp tục có các quy định để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm sâu sắc hơn vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự gắn kết giữa nhiệm vụ đối ngoại với quốc phòng, an ninh trong xây dựng đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Hiến pháp cũng đã thể chế hóa quan điểm của Đảng ta, khẳng định bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và là quyền cao quý của công dân: “Bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân” (Điều 64); các quy định cụ thể về quốc phòng, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các Điều 65, 66, 67, 68.

Thứ bảy: Hiến pháp tiếp tục khẳng định yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hiến pháp cũng làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp đồng thời bổ sung 2 thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Riêng “Chính quyền địa phương” (Chương IX), Hiến pháp bổ sung thêm quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; có quy định khái quát về tổ chức chính quyền theo hướng được tổ chức ở các đơn vị hành chính, gồm có Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; việc quy định cụ thể sẽ do luật định.

Thứ tám: Hiến pháp tiếp tục khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới (Điều 12).

Thứ chín: Hiến pháp khẳng định giá trị pháp lý cao nhất của đạo luật cơ bản của Nhà nước; quy định rõ hơn về quy trình sửa đổi Hiến pháp, trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan Nhà nước và toàn dân trong việc bảo vệ Hiến pháp.

Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Lê Bá Hùng

Các tin khác
Các đồng chí trong Thường trực và các ban HĐND tỉnh học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới tại tỉnh bạn.

YBĐT - Năm 2013, Thường trực và các ban Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái đã tiến hành trên 230 cuộc giám sát, khảo sát tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó đã hoàn thành 6/6 chuyên đề giám sát.

YBĐT - Hội nghị giao ban báo chí quý IV và năm 2013; Hiến pháp 1992 sửa đổi chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2014; Hàng triệu người dân ở nhiều nước tận hưởng không khí chuyển giao năm mới... là những thông tin có trong mục điểm tin tức sự kiện nổi bật những ngày qua.

Đại biểu HĐND tỉnh bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 8.

YBĐT - Vậy là những tờ lịch cuối cùng của năm 2013 cũng đã được lật giở. Năm Quý Tỵ đã qua cùng bao sự kiện, dấu mốc đáng chú ý. Trong đó, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu là một trong những nhiệm vụ chính trị đặc biệt của năm qua.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm qua lên án mạnh mẽ các hành động khủng bố trong hai ngày liên tiếp tại thành phố Volgograd, miền nam nước Nga.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục