Trả lời của các bộ, ngành Trung ương về những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái
- Cập nhật: Thứ năm, 20/2/2014 | 9:17:16 AM
Tiếp theo kỳ trước, YBĐT xin gửi tới độc giả nhứng nội dung trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về những ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Yên Bái.
Nhiều hộ gia đình người cao tuổi ở huyện Trấn Yên đầu tư nuôi ong mật cho thu nhập cao.
(Ảnh: Q.N)
|
3. Hiện nay, người cao tuổi đủ 80 tuổi trở lên được hưởng mức trợ cấp xã hội hàng tháng, đề nghị giảm độ tuổi quy định xuống 75 tuổi đối với người cao tuổi sống tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn (vì thực tế, người cao tuổi sống ở các vùng này do điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên số người cao tuổi theo quy định 80 tuổi là rất ít).
Tại Công văn số 3359/LĐTBXH-VP, ngày 5/9/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người cao tuổi đã được thể hiện cụ thể thông qua Luật Người cao tuổi. Theo đó, tại Điều 17 của Luật Người cao tuổi thì đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội gồm:
(1) Người cao tuổi thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng.
(2) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng.
Như vậy, những đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ tiền nhằm đáp ứng một phần để cải thiện đời sống. Còn đối tượng là người về hưu, nghỉ mất sức lao động từ 80 tuổi trở lên chưa thuộc đối tượng quy định được hưởng chính sách bảo trợ xã hội một phần là do điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước chưa bố trí được. Do đó, trước mắt, Luật Người cao tuổi không quy định chế độ trợ cấp cho các đối tượng này nữa theo kiến nghị mà cử tri quan tâm.
4. Đề nghị xem xét quy định tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức cấp xã, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… thấp hơn quy định tuổi nghỉ hưu chung khoảng 5 năm (nam là 55 tuổi, nữ là 50 tuổi) nhưng không bị trừ % đối với số năm nghỉ theo quy định.
Tại Công văn số 3463/LĐTBXH-VP, ngày 12/9/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Theo quy định tại tiết b khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Như vậy, đối với người lao động (bao gồm cả cán bộ, công chức cấp xã) có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu được giảm tối đa 5 tuổi so với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường mà không phải trừ % tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi.
5. Trong công tác đào tạo nghề: đối với vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đề nghị cần phải gắn liền công tác đào tạo dạy nghề gắn với thực tế lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của từng vùng, từng đối tượng; đào tạo nghề phải gắn liền với việc chuyển giao lao động cho các doanh nghiệp đóng tại địa bàn để vừa bố trí việc làm cho người lao động vừa đáp ứng được nhu cầu cung ứng lao động của các doanh nghiệp.
Tại Công văn số 3471/LĐTBXH-VP, ngày 12/9/2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực tế lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của từng vùng, từng đối tượng, gắn với việc chuyển giao lao động cho các doanh nghiệp đóng tại địa bàn các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện đồng thời các quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm:
- Dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ: Ban Chỉ đạo Trung ương đã có các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tập trung dạy nghề cho lao động nông thôn theo các mô hình thí điểm có hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, xã xây dựng nông thôn mới. Không tổ chức dạy và học khi người lao động không dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học.
Trên cơ sở sơ kết 3 năm thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao trách nhiệm cho ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trách nhiệm tổ chức “quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với yêu cầu phát triển sản xuất của địa phương, chú trọng yếu tố thực hành, hướng đến có việc làm và tiêu thụ sản phẩm” (Thông báo số 300/TB-VPCP ngày 12/8/2013 của Văn phòng Chính phủ).
- Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn đặc biệt khó khăn thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho người lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn để chuyển đổi nghề hoặc làm việc tại các doanh nghiệp.
- Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015 thực hiện hỗ trợ dạy nghề theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg.
- Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020, trong đó quy định chính sách hỗ trợ đào tạo và tín dụng ưu đãi cho lao động thuộc 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện nghèo - BT) để tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững.
- Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 8/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện hỗ trợ chi phí học nghề đối với lao động phổ thông là người dân tộc thiểu số để đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc theo yêu cầu phải đào tạo trong kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của đơn vị sử dụng lao động.
6.1. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 54/2006/QĐ-TTg ngày 5/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cho phù hợp. Tại Nghị định này quy định điều kiện hưởng chế độ về chất độc da cam là “đã công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ đã sử dụng chất độc hóa học” nhưng trong thực tế, chất độc hóa học không chỉ ảnh hưởng tại các vùng sử dụng mà còn khuếch tán trong không khí, thẩm thấu trong đất và nguồn nước của các vùng lân cận, hậu quả để lại không chỉ đến năm 1975 mà đến nay vẫn còn.
Tại Công văn số 828/LĐTBXH-VP, ngày 15 tháng 3 năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Hiện nay, chưa có cơ sở thực tiễn để khẳng định chính xác những địa điểm nào bị rải chất độc hóa học trong chiến tranh và chưa có cơ sở khoa học để khẳng định vùng nào tồn dư chất độc hóa học quá tiêu chuẩn cho phép (kể cả trước và sau 30/4/1975). Vì vậy, khi giải quyết chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã xác định theo mốc thời gian và địa điểm rất rộng. Cụ thể về thời gian được tính từ tháng 8 năm 1961 (thời điểm quân đội Mỹ bắt đầu tiến hành rải chất độc hóa học) đến 30 tháng 4 năm 1975; về địa điểm bao gồm cả chiến trường B, C, K và 10 xã thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị tiếp giáp với bờ bắc sông Bến Hải mặc dù không phải tất cả các địa điểm thuộc các chiến trường nêu trên đều bị rải hoặc bị ảnh hưởng của chất độc hóa học.
6.2. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản hướng dẫn các thủ tục, quy trình đối với các trường hợp cựu chiến binh tham gia kháng chiến bị mất một trong nhiều giấy tờ gốc để sớm được hưởng chế độ.
Tại Công văn số 828/LĐTBXH-VP, ngày 15 tháng 3 năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Về việc giải quyết chế độ thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đối với những trường hợp bị thương không lưu giữ được giấy tờ, trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục khảo sát, phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan đề ra giải pháp cụ thể theo hướng giải quyết từng trường hợp, từng địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trực tiếp làm việc với những địa phương còn một số ít người có công chưa được xác nhận để phối hợp và phân cấp giải quyết cụ thể theo nguyên tắc công khai, dân chủ. Cấp ủy, chính quyền và hội đồng xác nhận người có công ở địa phương phải xác định được số người có công tồn đọng, khẳng định được đó là những trường hợp thực sự bị chết, bị thương và thực sự xứng đáng để nhân dân tôn vinh.
6.3. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chuẩn hộ nghèo mới phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền và điều kiện kinh tế - hội hiện nay, có chính sách hỗ trợ thoát nghèo bền vững.
Tại Công văn số 849/LĐTBXH-VP, ngày 19 tháng 3 năm 2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời:
Theo chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2011 - 2015 tại Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/1/2011 của Thủ tướng Chính phủ là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế - xã hội khác giai đoạn 2011 -2015.
Tuy nhiên, do tình hình lạm phát những năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao, dẫn đến giá trị thực tế của chuẩn nghèo không bảo đảm, một bộ phận được coi là thoát nghèo nhưng đời sống còn hết sức khó khăn. Vì vậy, năm 2013, Bộ đã có kế hoạch xây dựng chuẩn nghèo phù hợp hơn để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, một số chính sách mới sẽ được bổ sung, cụ thể:
+ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, lãi suất bằng 130% so với lãi suất cho vay hộ nghèo;
+ Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ nâng mức hỗ trợ hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế bằng 70% mệnh giá; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ 100% mua bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo;
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, chính sách hỗ trợ sản xuất.
(Còn nữa)
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Đảng, Nhà nước không bao giờ quên công lao của đồng bào chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống xâm lược ngày 17/2/1979”.
YBĐT - Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm và làm việc với Ban chỉ đạo Tây Bắc; Yên Bái thành lập 5 chốt kiểm dịch cúm gia cầm; Bạo động rung chuyển Bangkok; Dịch cúm gia cầm và cúm lợn hoành hành nhiều nơi trên thế giới... là những tin tức đáng chú ý
YBĐT - Ngày 19/2, Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng đoàn công tác Chính phủ đến thăm và làm việc với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc.
YBĐT - Trước tình hình dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp ở các địa phương trong cả nước, ngày 18/2/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã có Công điện hỏa tốc số 04/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ngành: