Làm nên những kỳ tích
- Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2014 | 2:30:55 PM
YBĐT - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Yên Bái đã huy động trên 124.000 lượt dân công mở đường, tải thương, tải đạn và vận chuyển hàng trăm ngàn tấn hàng hóa ra chiến trường. Đóng góp lớn lao của dân công Yên Bái đã góp phần làm nên những kỳ tích trong chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Dân công phá đá mở đường đèo Lũng Lô.
(Ảnh tư liệu)
|
Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi về xã Đại Lịch (Văn Chấn) anh hùng thăm các dân công đã từng tham gia phục vụ chiến dịch. Con đường đất thôn 4 dẫn vào nhà ông Hoàng Văn Thiệm - một trong hai dân công xe đạp thồ còn lại ở Văn Chấn dày đặc vết xe qua lại. Trong căn nhà sàn khang trang rộn rã tiếng cười, ông Thiệm 84 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi gù nhưng đôi mắt vẫn tinh nhanh và nụ cười hồn hậu ôn lại những kỷ niệm thời quân ngũ.
Sau khi tuyến đường 37 từ bến Âu Lâu đi Ba Khe và đường 13A từ Ba Khe đi Mường Cơi, Sơn La được mở thông ra mặt trận, ông được giao trọng trách là Xã đội phó phụ trách Đội xe đạp thồ gần 30 đồng chí vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn về các tổng kho. Số lần vận chuyển lương thực, thực phẩm từ bến Âu Lâu đến các tổng kho Ba Khe - Cát Thịnh, Mường Cơi - Sơn La rồi ra mặt trận ông không còn nhớ rõ nhưng khí thế hừng hực của quân dân tham gia chiến dịch thì ông không thể nào quên.
Ông kể: “Để đảm bảo an toàn, cuối năm 1953, trên các cung đường, giặc bắn phá ác liệt, dân công, bộ đội chủ yếu di chuyển vào ban đêm. Mỗi chiếc xe đạp thồ thường vận chuyển từ 150 - 200kg, đi đêm đường dốc gập ghềnh trong ánh sáng yếu ớt của cây đèn dầu vậy mà mỗi đêm, đội xe thồ cũng vượt được chặng đường 40 - 50km. Những người dân công không đơn độc mà trên mỗi cung đường luôn rầm rập bước chân của dân công sửa đường, những chuyến xe kéo pháo ra mặt trận và cả những đoàn quân, đoàn dân công”.
Với vai trò là hậu phương lớn và là điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng ra mặt trận, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, những dân công Yên Bái đã tham gia nhiều mặt trận, không chỉ tiếp lương tải đạn mà còn mở đường, phá đá, đưa đò, xây dựng kho quân lương. Mỗi người không kể già trẻ, gái trai tùy sức lực, điều kiện đều nhất tề tham gia phục vụ chiến trường. Người khỏe thì mở đường, gánh gạo, tải thương; người yếu hơn thì xay thóc, giã gạo, thổi cơm, chăm sóc thương binh…
Những cô gái Mông, Dao sẵn sàng rời núi đi tải thương, tải đạn; những cô gái Tày, Thái, Mường cũng rời khung cửi đi mở đường, gùi gạo nuôi quân. Trong hồi ức của những ngày sục sôi mở đường, ông Hà Hữu Phúc, 82 tuổi cư trú tại thôn 4, xã Đại Lịch - một trong những dân công tham gia mở đường thời bấy giờ nhớ lại: “Các cung đường ngày đó vui như trảy hội. Trai, gái, già, trẻ nô nức thi đua mở đường, sửa đường. Mở đường rất khó khăn, vất vả vì núi cao, rừng rậm, khó định hướng. Khó nhất là đoạn đèo Lũng Lô, núi đá cao, nhiều đoạn phải đục lỗ, nổ mìn, phá đá”.
Ông Hà Hữu Phúc (bên ngoài) - người tham gia mở đường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ôn lại kỷ niệm một thời oanh liệt.
Với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã huy động 124.458 lượt dân công với trên 273.000 ngày công mở mới và tu sửa 188km đường giao thông; vận chuyển ra mặt trận trên 300.000 tấn lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược.
Trong đội hình dân công đã xuất hiện nhiều tấm gương xuất sắc, tiêu biểu là anh Hà Văn Lô, dân tộc Tày ở xã Đồng Khê (Văn Chấn) đã dũng cảm chở hàng an toàn vượt qua những trọng điểm ác liệt, được Bác Hồ tặng quà, huy hiệu cùng hàng trăm dân công được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng giấy khen chiến sĩ dân công vẻ vang.
Tổng kết phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Yên Bái đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Chiến công; được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng cờ thưởng luân lưu cho ngành giao thông - vận tải mang tên “Mở đường thắng lợi”; được Liên khu 10 tặng 15 bằng khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc. Trong thời gian phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh Yên Bái đã có 52 dân công hy sinh và 46 dân công bị thương, hiện tại còn 45 hài cốt liệt sỹ ở lại Nghĩa trang Điện Biên Phủ.
Có thể nói, người Pháp đã không sai khi tính toán: một dân công Việt Nam vận chuyển 1kg thực phẩm đến chiến trường Điện Biên Phủ thì ăn hết 8 lạng, do đó Việt Nam không thể có đủ lương thực, vũ khí để chiến đấu lâu dài.
Nhưng họ đã không thể tính được tinh thần chiến đấu và lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Chiến trường Điện Biên Phủ luôn có những hậu phương rộng lớn, vững vàng sẵn sàng đóng góp sức người, sức của với quyết tâm tất cả cho tiền tuyến mà Yên Bái là một trong những hậu phương đó. 60 năm đã trôi qua, những dân công ngày ấy hiện không còn nhiều nhưng họ và những cung đường đã mở, những chiến công hiển hách sẽ mãi bất tử.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Tin dân, yêu dân, vì dân là bài học lớn mãi còn nguyên giá trị từ thành công trong cuộc tiễu phỉ mà Tỉnh ủy Yên Bái đã chủ trương lấy xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân để đảm bảo cho thắng lợi đó.
YBĐT - Hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chiều ngày 5/5, đồng chí Tạ Văn Long – Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái làm Trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà các gia đình cựu chiến binh, cựu TNXP tiêu biểu trên địa bàn huyện Yên Bình.
Hội nghị xem xét tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 vừa qua, phương hướng, nhiệm vụ công tác thời gian tới.
Ngày 5/5, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ: sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại.