Bổ sung quy định, thẩm quyền điều tra các tội phạm khác về chức vụ cho cơ quan điều tra của VKSND
- Cập nhật: Thứ hai, 27/10/2014 | 8:13:19 PM
YBĐT – Chiều 27/10, trong phiên thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) đã tham gia ý kiến thảo luận xung quanh về vấn đề này.
|
Về thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra VKSND (Điều 20), đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm bày tỏ nhất trí với dự thảo Luật về việc giao cho cơ quan điều tra của VKSND thẩm quyền điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, đại biểu Nhiệm cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, bởi các lý do:
Thứ nhất: Nếu chỉ giao cho cơ quan điều tra của VKSND thẩm quyền điều tra 2 nhóm tội phạm như trong dự thảo luật, chưa khắc phục triệt để những khó khăn khi điều tra làm rõ hành vi phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp, do có những hành vi tội phạm khác về chức vụ có liên quan, đó cũng là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh hành vi tội phạm hoạt động tư pháp. Tội phạm về tham nhũng trong hoạt động tư pháp mà cơ quan điều tra của VKSND không có thẩm quyền điều tra (như: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm lộ bí mật công tác; Vô ý làm lộ bí mật công tác; Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi,…).
Vì vậy để tăng cường hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, ngoài 2 nhóm tội phạm Dự thảo Luật đã quy định, tôi đề nghị bổ sung quy định giao cho cơ quan điều tra của VKSND thẩm quyền điều tra các tội phạm khác về chức vụ (được quy định từ Điều 285 đến Điều 291 của Bộ luật hình sự).
Thứ hai: Ngoài các tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp, cần nghiên cứu giao cho cơ quan điều tra của VKSND thẩm quyền điều tra các vụ án tham nhũng do cơ quan điều tra khác tiến hành điều tra, nhưng phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu làm oan sai người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng trong tình hình hiện nay.
Thứ ba: Không nên trích dẫn đến Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, bởi vì Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự được thông qua sau Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã có hiệu lực thi hành, nhưng không thể thực hiện được do Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự chưa được thông qua. Vì vậy, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 20 thành 2 Khoản như sau: “Điều 20: Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của VKSNDTC, Cơ quan điều tra của VKS quân sự Trung ương (mới) 1. Điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của Luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, Tòa án, VKS, Cơ quan Thi hành án hoặc người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp. 2. Điều tra vụ án tham nhũng thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra khác nếu phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm trong quá trình điều tra.
Về thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự của VKSND (Khoản 3 Điều 27) Đối với những vụ việc vi phạm pháp luật gây thiệt hại đến tài sản và lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của người chưa thành niên, người già yếu, người có nhược điểm về thể chất, người tâm thần,… rất cần có cơ quan đại diện theo pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước cũng như của những cá nhân nói trên.
Do đó tôi đề nghị giao cho VKSND có thẩm quyền khởi tố vụ án dân sự để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền lợi của những người yếu . Bởi vì không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có lợi thế hơn VKS khi tham gia vào các hoạt động tố tụng bởi VKS có vị thế của một cơ quan tư pháp, có trách nhiệm thực thi pháp luật, và bảo vệ pháp luật, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này gắn liền với các hoạt động tổ tụng. VKS khởi tố vụ án dân sự còn giảm bớt gánh nặng chi phí cho đương sự do không phải nộp án phí, lệ phí tố tụng, chi phí thuê luật sư và một số chi phí khác, đồng thời phù hợp với xu hướng mở rộng thẩm quyền của cơ quan công tố được thể hiện tại phương án 2, khoản 3 điều 27 của dự thảo Luật.
Về hệ thống VKSND (Điều 40): Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm thể hiện sự tán thành cao với BST về hệ thống VKSND theo 4 cấp đó là: VKSNDTC, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, TP trực thuộc trung ương và VKSND cấp huyện, TX, TP thuộc tỉnh và tương đương. Về cơ chế thi tuyển chọn nguồn Kiểm sát viên: Đối với KSV VKSNDTC, việc tổ chức Hội đồng tuyển chọn, thành phần gồm đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan quy định tại Điều 86 của dự thảo Luật theo tôi là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 87 quy định: “Hội đồng thi chọn nguồn KSV gồm có Viện trưởng VKSNDTC làm chủ tịch, một Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKSQSTW, đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ nội vụ, UBTUMTTQVN, BCH trung ương Hội Luật gia VN là ủy viên.
Về danh sách Hội đồng thi tuyển do Viện trưởng VKSNDTC quyết định: Với thành phần Hội đồng thi tuyển chọn nguồn KSV như trong dự thảo Luật, nếu thực hiện tuyển chọn nguồn KSV 4 cấp (KSV tối cao, cấp cao, trung cấp và sơ cấp) là khó khả thi, bởi vì việc thi tuyển chọn nguồn KSV sơ cấp trên 63 tỉnh, thành thì lực lượng này là rất lớn, phải tổ chức nhiều Hội đồng thi tuyển. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm đề nghị: Luật quy định rõ thành phần Hội đồng thi tuyển chọn KSV tại khoản 1, Điều 87 áp dụng đối với thi tuyển chọn nguồn KSV cấp nào?, giao cho Ủy ban kiểm sát tuyển chọn và đề nghị Viện trưởng VKSNDTC bổ nhiệm KSV cấp nào. Đồng thời tăng cường giám sát trong việc tuyển chọn nhằm xây dựng đội ngũ KSV “có tâm, có tầm” đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ trong hoạt động tư pháp.
(Đức Toàn ghi)
Các tin khác
YBĐT - Chiều ngày 27/10, Đảng bộ Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 124-KH/TU của Tỉnh ủy Yên Bái về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; xây dựng kế hoạch tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc và tiến tới Đại hội Đảng bộ Báo Yên Bái lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
YBĐT - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, ngày 27/10, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và thảo luận tại Hội trường về nội dung này.
Trưa 27/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới TP. Bodhgaya, bang Bihar, bắt đầu các hoạt động thăm chính thức Ấn Độ. Đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn tại sân bay có Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Preeti Saran; Quận trưởng Gaya Sanjay Kumar Agrawal; Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Tôn Sinh Thành; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, hôm nay 27-10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn cấp cao Chính phủ nước ta sẽ bắt đầu chuyến thăm chính thức Ấn Độ.