Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)
- Cập nhật: Thứ sáu, 21/11/2014 | 4:17:50 PM
YBĐT - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, ngày 21/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, biểu quyết thông qua Luật này và thảo luận về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
|
Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, với tỷ lệ tán thành 81,29% trên tổng số đại biểu Quốc hội. Sau khi biểu quyết thông qua Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều nhất trí và tán thành quan điểm của Chính phủ là phải sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS). Các đại biểu chủ yếu tập trung thảo luận về thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ tại Điều 21; về độ tuổi gọi nhập ngũ tại Điều 32 và về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 41) của dự án Luật NVQS (sửa đổi).
Các đại biểu cho rằng, thời hạn phục vụ tại ngũ đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời bình là 24 tháng là hợp lý. Theo các đại biểu, tại ngũ 24 tháng, các quân nhân mới đáp ứng được mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của quân đội, kết hợp việc xây dựng lực lượng thường trực có số lượng hợp lý với xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Ngoài ra, sẽ cụ thể hóa và thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, đặc biệt là bảo đảm công bằng xã hội trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Các đại biểu cho rằng, thời hạn phục vụ quân đội 24 tháng sẽ tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phù hợp với tình hình đất nước, kết hợp chặt chẽ giữa củng cố và nâng cao tiềm lực quốc phòng với phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội nhân dân trong tình hình mới.
Cũng có đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành hoặc quy định một thời hạn chung là 18 tháng đối với các quân nhân phục vụ tại ngũ để bảo đảm sự công bằng trong thực hiện NVQS hoặc đề nghị giảm đều thời hạn phục vụ tại ngũ xuống 12 tháng (đặc biệt là đối với công dân đã tốt nghiệp bậc đại học). Ý kiến khác đề nghị thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ bộ binh là 12 tháng, còn đối với các quân, binh chủng khác và chuyên môn, kỹ thuật thì quy định cao hơn.
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, nhiều đại biểu tán thành với dự thảo Luật quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 đến 27 tuổi để có thể tuyển chọn được nhiều công dân đã học xong chương trình đào tạo bậc đại học vào phục vụ tại ngũ, nâng cao chất lượng đầu vào, giảm chi phí đào tạo, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc về chất lượng tuyển quân như hiện nay, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc và quyền được học tập của công dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi như Luật NVQS hiện hành vì cơ bản đã thực hiện ổn định.
Về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, nhiều đại biểu nhất trí là cần giảm đối tượng này để tạo điều kiện cho công dân trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thực hiện NVQS và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Tuy nhiên, có đại biểu lại ý kiến đề nghị cân nhắc quy định việc miễn gọi nhập ngũ đối với thanh niên tình nguyện, cán bộ, công chức, viên chức được cử đến công tác, làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… để bảo đảm chính sách công bằng giữa người thường trú ở khu vực này với người ở nơi khác đến có liên quan đến thực hiện NVQS tại ngũ.
Cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Đức Toàn
Các tin khác
YBĐT – Ngày 21/11, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Yên Bình.
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự UBND 4 tỉnh Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định về nhân sự UBND 4 tỉnh: Quảng Trị, Yên Bái, Thừa Thiên Huế và Kiên Giang.
Các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với chủ trương tiếp tục thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...
YBĐT - Ngày 20/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) giáo dục phổ thông, biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).