Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/12/2014 | 8:42:52 AM

YBĐT - Bắt đầu từ số báo này, Báo Yên Bái sẽ lần lượt đăng tải việc trả lời ý kiến cử tri tỉnh Yên Bái của các bộ, ngành Trung ương tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Báo Yên Bái xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải trong giờ học chính khóa.
(Ảnh: Sùng A Hồng)
Thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Mù Cang Chải trong giờ học chính khóa. (Ảnh: Sùng A Hồng)

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời

1. Về việc thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc nội trú, Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tại Công văn số 4279/BGDĐT-VP ngày 12/8/2014:

Để giải quyết sự trùng lặp về đối tượng trong thực hiện một số chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo hướng tích hợp các chính sách thành một văn bản mang tính hệ thống dựa trên nhu cầu thiết yếu mà các đối tượng phải có để tiếp cận được dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Cụ thể, Bộ sẽ thực hiện việc rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định tích hợp các chính sách theo Quyết định số 85/2010/TTg về hỗ trợ học sinh bán trú, Quyết định số 12/2013/TTg về hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 36/2013/TTg về cấp gạo cho học sinh bán trú thành một chính sách.

2. Hiện nay, ở tỉnh Yên Bái, có khoảng 600 học sinh có hộ khẩu cư trú tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn được Ủy ban Dân tộc  - Miền núi công nhận tại các quyết định (Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II; Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19/10/2009 về việc phê duyệt bổ sung thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực II vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II) đang học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc các xã vùng II do nhà ở xa trường không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày (phải ở nội trú tại trường) nhưng không được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc - Miền núi xem xét bổ sung nhóm đối tượng này được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg.

Tại Công văn số 4057/BGDĐT-VP ngày 01/8/2014:

Ngày 21/12/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm:

a) Học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được xét duyệt theo quy định tại Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02/8/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong điều kiện hiện nay, do ngân sách còn khó khăn, Nhà nước tập trung đầu tư hỗ trợ cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở học tại các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (vùng III). Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các chính sách theo quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quyết định cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

3. Tỉnh Yên Bái có 38 trường phổ thông dân tộc bán trú với trên 12.000 học sinh bán trú, song điều kiện ăn, ở của học sinh bán trú còn rất nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan đầu tư kinh phí xây dựng công trình phụ trợ (nhà ở, phòng ở, bếp ăn...) cho các trường phổ thông dân tộc bán trú và đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại Công văn số 4275/BGDĐT-VP ngày 12/8/2014:

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc học tập, từ năm 2010 đến năm 2014, Chính phủ hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú cả nước là 2.096 tỷ đồng, tiền ở là 126 tỷ đồng. Ngoài ra, năm học 2013 - 2014, Chính phủ cấp hơn 38 nghìn tấn gạo cho học sinh bán trú; kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc bán trú trên toàn quốc được bố trí trên 132 tỷ đồng.

Để triển khai thực hiện các chính sách của Chính phủ hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường phổ thông dân tộc bán trú, hỗ trợ cho học sinh học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện như:

- Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT ngày 22/12/2011 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trường phổ thông dân tộc bán trú được hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị, bao gồm: nhà ở, giường nằm, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, công trình nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.

Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách Nhà nước bảo đảm được cân đối trong nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo được giao trong kế hoạch hằng năm theo nguyên tắc ngân sách Trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ nói trên cho các địa phương nhận bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương và các địa phương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương từ 5% trở xuống. Các địa phương còn lại chủ động tự cân đối ngân sách địa phương để thực hiện.

- Thông tư liên tịch số 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10/4/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1210/2012/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo giai đoạn 2012 - 2015. Trong đó, có dự án hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn để tạo nguồn ngân sách hỗ trợ việc tăng cường cơ sở vật chất cho các trường dân tộc bán trú.
Trên cơ sở kinh phí được giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt nguồn vốn hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất cho các trường phổ thông dân tộc bán trú.

Hàng năm, tỉnh Yên Bái đều được hỗ trợ kinh phí cho mục tiêu này. Tuy nhiên, khả năng ngân sách của Trung ương hạn hẹp, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương. Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ mang tính hỗ trợ. Vì vậy rất cần sự chủ động của các địa phương trong việc bố trí các nguồn vốn huy động khác để tăng cường cơ sở vật chất của các trường bán trú nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời

1. Đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, điện, nước sạch, giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế... cho nhân dân vùng miền núi, biên giới nhằm đáp ứng yêu cầu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Tại Công văn số 6884/BNN-VPĐP ngày 26/8/2014:

Nhà nước luôn luôn quan tâm tới người dân vùng miền núi, biên giới. Tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định đối với các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách Nhà nước cho: xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm; giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng; xây dựng trường học đạt chuẩn; xây dựng trạm y tế xã; xây dựng nhà văn hóa xã, thôn, bản; công trình thể thao thôn, bản; xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư; phát triển sản xuất và dịch vụ; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản (các xã khác chỉ hỗ trợ một phần).

Trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, Đảng và Nhà nước vẫn hết sức quan tâm hỗ trợ nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2014 - 2016, Chương trình được bổ sung và phân bổ 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn (bình quân 5.000 tỷ đồng mỗi năm, gấp hơn 3 lần so với bình quân giai đoạn 2011 - 2013). Cơ chế phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ có ưu tiên cho các xã miền núi, biên giới.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng nhiều chính sách nhằm huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới như tăng cường vận động nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế (WB, ADB...); cơ chế lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã; hướng dẫn phân cấp nguồn thu để lại 100% cho xã đầu tư xây dựng các công trình tại xã, trong đó có công trình giao thông, gồm các nguồn thu từ đất đai, phí bảo trì đường bộ; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực đầu tư xây dựng giao thông nông thôn theo hướng "Nhà nước hỗ trợ xi măng, sắt thép, một số vật liệu chủ yếu và dân tự tổ chức thực hiện"...

Cùng với sự hỗ trợ trực tiếp từ Trung ương, các địa phương cần chủ động bố trí ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn, có cơ chế phù hợp để huy động các tổ chức, cộng đồng dân cư tham gia đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng trực tiếp phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

2. Đề nghị xem xét một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới tại các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn chưa phù hợp, khó đạt như: tiêu chí về thu nhập, việc làm, cơ sở hạ tầng.

Tại Công văn số 6873/BNN-VPĐP ngày 26/8/2014:

Ngày 20/2/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 342/QĐ-TTg về sửa đổi một số tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, trong đó đã sửa đổi tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 12 về việc làm, tiêu chí số 7 về chợ. Các tiêu chí được sửa đổi đã phù hợp hơn với thực tế của các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.

Ngày 30/5/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 05/2014/TT-BVHTTDL về sửa đổi, bổ sung tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa theo hướng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, các Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương đang dự thảo điều chỉnh hướng dẫn các tiêu chí số 2 về giao thông, tiêu chí số 7 về chợ nông thôn.
3. Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách về trợ cước, trợ giá đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp và thức ăn gia súc cho nhân dân thuộc các địa phương vùng sâu, vùng xa. Vì hiện nay, trên thị trường, giá cả các mặt hàng này rất cao, gây khó khăn cho nhân dân trong việc phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Tại Công văn số 5910/BNN-KH ngày 28/7/2014:

Vật tư nông nghiệp là mặt hàng nhạy cảm để phục vụ sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ. Trong khi phần lớn vật tư phải nhập khẩu từ nước ngoài, thị trường giá cả không ổn định, gây nhiều khó khăn cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cộng với giá cước vận chuyển quá lớn, đẩy giá bán vật tư lên cao. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta lâu nay đã có chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển vật tư nông nghiệp cho nông dân các vùng, miền này.

Tuy nhiên, mặt hàng thức ăn chăn nuôi hiện nay chưa được Nhà nước đưa vào nhóm mặt hàng được hỗ trợ giá cước vận chuyển như vật tư nông nghiệp và muối. Vì vậy, vấn đề này cần được Ủy ban Dân tộc nghiên cứu, đề xuất chính sách và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để tạo điều kiện cho nông dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện phát triển chăn nuôi, ổn định đời sống.

(Còn nữa)

Các tin khác
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, ngày 2/12, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái gồm các đồng chí: Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái; Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; Nguyễn Thị Bích Nhiệm- Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp xúc cử tri tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn.

YBĐT - Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 2/12, đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái do đồng chí Phùng Quốc Hiển - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội; đồng chí Nguyễn Công Bình – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc với cử tri các xã gồm: Phúc Lộc, Văn Tiến, Văn Phú và Giới Phiên, thành phố Yên Bái.

Các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy gặp gỡ, trao đổi với các điển hình dân tộc thiểu số tại Lễ tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến học tập và làm theo lời Bác năm 2013.

YBĐT - Trong 5 năm qua, đời sống của đồng bào vùng dân tộc, miền núi tiếp tục được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, mỗi năm giảm trung bình từ 3% - 4%; hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân trên 6%/năm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2014.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục