Những vấn đề đặt ra sau một giám sát chuyên đề
- Cập nhật: Thứ ba, 30/12/2014 | 2:57:54 PM
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh Yên Bái về Chương trình giám sát năm 2014, trong năm, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề về Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh từ năm 2011 đến 2013.
Ban Dân tộc HĐND tỉnh và Thường trực HĐND huyện Yên Bình giám sát công trình thủy lợi được đầu tư bằng nguồn vốn 135 trên địa bàn xã Xuân Lai.
|
Ban đã giám sát trực tiếp tại 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Yên Bình và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực của Ban Điều hành Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh giai đoạn 2012 - 2015; các huyện, thị còn lại và các sở, ngành có liên quan thực hiện giám sát qua văn bản. Kết quả sau giám sát chuyên đề của Ban đã đặt ra nhiều vấn đề rất đáng quan tâm về quá trình tổ chức thực hiện và kết quả của Chương trình. Nội dung bài viết này chỉ xin đề cập vấn đề nước sinh hoạt ở nông thôn và trường học.
Triển khai Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 (viết tắt là QĐ 366), UBND tỉnh đã thành lập Ban Điều hành Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Theo QĐ 366, mục tiêu cho giai đoạn 2011 - 2015: đến năm 2015, có 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (HVS), trong đó 45% sử dụng nước hợp quy chuẩn QCVN 02-BYT với số lượng ít nhất 60 lít/người/ngày; 100% trường học mầm non, trường phổ thông (điểm trường chính) đủ nước sạch và nhà tiêu HVS, được quản lý tốt.
Đến hết năm 2013, theo báo cáo của Ban Điều hành và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - chủ đầu tư Tiểu dự án nước sinh hoạt nông thôn thì số dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt HVS là 498.271 người, đạt 79,2% mục tiêu của Chính phủ. Trong đó, số người được hưởng từ các nguồn nhỏ lẻ và các nguồn nước khác là 379.352 người, từ các nguồn nước máy HVS là 102.219 người (tỷ lệ người được sử dụng nước máy HVS đạt 25,7% so với tổng số người được sử dụng nước HVS).
Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Ban Dân tộc HĐND tỉnh nhận định tỷ lệ người dân nông thôn được hưởng nước HVS thấp hơn nhiều so với báo cáo của Ban Điều hành và khó có thể đạt được mục tiêu của Chính phủ vào năm 2015. Cơ sở để Ban khẳng định điều này hết sức cụ thể và sát thực. Đó là năng lực phục vụ của các công trình cấp nước tập trung không đạt công suất thiết kế; tỷ lệ hư hỏng, xuống cấp quá lớn.
Ngay trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Báo cáo số 46/BC-SNN ngày 13/4/2014) cũng đã nêu rõ: đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 360 công trình cấp nước tập trung (số này bao gồm các công trình đã đầu tư từ năm 2000 đến nay). Trong đó, số công trình hoạt động bền vững là 62 công trình (bằng 17%), số công trình hoạt động trung bình là 159 công trình (bằng 43,8%), hoạt động kém 53 công trình (14,3%), không hoạt động 90 công trình (bằng 24,8%).
Như vậy, chỉ tính riêng số công trình không hoạt động và hoạt động kém (từ 50% công suất trở xuống) đã chiếm xấp xỉ 50%. Trong khi đó, kết quả Ban giám sát thực tế tại 8 công trình của 3 huyện còn đáng quan ngại hơn khi có tới 6/8 công trình không hoạt động (chiếm 75% tỷ lệ hư hỏng nặng và xuống cấp).
Điều đáng nói là các công trình này đều mới xây dựng từ các năm 2011 - 2013. Tổng mức đầu tư đạt thấp bởi trong 3 năm 2011 - 2013, tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản công trình cấp nước tập trung đạt 11%. Số lượng công trình cấp nước tập trung được đầu tư là 13/209, bằng 6% so với quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 1007/QĐ-UBND ngày 27/8/2012 của UBND tỉnh Yên Bái (từ năm 2011 - 2013 sửa chữa và xây dựng mới là 23 công trình, trong đó xây mới 13 công trình, sửa chữa 10 công trình). Chất lượng nguồn nước không bảo đảm, nhiều địa phương người dân không dùng nước từ các công trình.
Thực tế tại 8 công trình mà Ban giám sát ở 3 địa phương, có tới 4 công trình không được người dân sử dụng nước như: công trình cấp nước tập trung thôn Ba Chãng, xã Phúc An (Yên Bình) xây dựng năm 2010, tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng, quy mô phục vụ cho 90 hộ, 410 người. Nhưng thực tế, người dân không dùng mà tự dẫn nước từ các khe suối về dùng. Trong khi đó, thực trạng công trình: hệ thống lọc áp lực bị hỏng, bể thu hồi không có nước, nhiều trụ vòi, đoạn ống dẫn chính bị hư hỏng.
Hay công trình cấp nước Búng Tầu, xã Hát Lừu (Trạm Tấu) xây dựng năm 2013, phục vụ cho 56 hộ và 02 cơ sở công cộng nhưng không được người dân sử dụng vì cho rằng, nguồn nước của công trình này chảy qua nhà dân và ruộng của xã Bản Công không bảo đảm vệ sinh. Nhiều hộ đã tự mua đường ống dẫn nước về dùng, có hộ lại mua nước từ các hộ làm dịch vụ hoặc từ công trình nước sạch khác. Công trình cấp nước bản Dào Chua Chải, xã Lao Chải (Mù Cang Chải) trong tình trạng toàn bộ bể lọc, bể chứa bị vùi lấp. Người dân đã cắt các đoạn ống dẫn chính ở đầu nguồn để nối lấy nước trực tiếp phục vụ sản xuất và sinh hoạt…
Đối với các công trình cấp nước sạch và nhà tiêu HVS trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo làm chủ đầu tư, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2013, tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu HVS là 94,6%. Song qua giám sát từ thực tế, kết quả lại không phải như vậy. Kết quả giám sát tại 6 trường, có 04 trường phải tự túc vòi, ống để dẫn nước từ nguồn nước của người dân về trường sử dụng và chưa có trường học nào ở nông thôn có nước sạch theo đúng quy chuẩn. Đơn cử, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trạm Tấu báo cáo Đoàn giám sát, hiện nay, trên địa bàn huyện, 25/28 trường và điểm trường phải tự túc nguồn nước, chỉ 03 trường được sử dụng nước của Chương trình.
Như vậy, có thể thấy hiệu quả các công trình cấp nước tập trung rất thấp. Mặc dù số tiền đầu tư cho mỗi công trình là không nhỏ song các công trình lại bị hư hỏng, xuống cấp rất nhanh và năng lực cấp nước thấp, hầu hết không đạt công suất thiết kế; tỷ lệ người được sử dụng nước HVS không tương xứng với kết quả đã đầu tư; chất lượng nước tại các công trình cấp nước tập trung và một số công trình cấp nước phân tán, chưa bảo đảm chất lượng. Nhận thức của cấp huyện, xã và người dân về Chương trình chưa cao; việc quản lý, sử dụng công trình lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm.
Công tác quản lý, dịch vụ, xã hội hóa tạo vốn để duy tu, bảo dưỡng, nuôi dưỡng công trình không được thực hiện (phổ biến là chỉ có một nhóm người ở thôn quản lý công trình cấp nước nhưng chỉ mang nặng hình thức và không có nguồn lực tài chính). Ban cũng nhận định, trong quá trình triển khai đầu tư các công trình nước sạch chưa thực hiện đúng QĐ 366 trong việc lấy ý kiến tham gia của cộng đồng về dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật cũng như lấy cam kết sử dụng và trả tiền sử dụng nước của các hộ gia đình; không có sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND các huyện với chủ đầu tư trong tổ chức triển khai.
Trong khi đó, các công trình phần lớn lại đầu tư vào những nơi chưa thực sự khan hiếm nguồn nước nên người dân không nhận thấy được sự cần thiết của công trình. Nếu có thì dùng, hỏng không sử dụng được hoặc phải nộp tiền thì chuyển dùng nguồn nước khác vì ngoài nguồn nước của công trình, người dân vẫn có thể đào giếng hoặc sử dụng nguồn nước từ tự nhiên.
Từ thực tế đó, Ban kiến nghị UBND tỉnh khẩn trương tổ chức đánh giá lại thực chất kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình theo QĐ 366 của Thủ tướng Chính phủ; xác định đúng nguyên nhân, yếu kém, bài học kinh nghiệm, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Bên cạnh đó, cần đưa công tác điều hành, quản lý, đầu tư theo đúng quan điểm, giải pháp đã nêu trong QĐ 366 là đẩy mạnh phân cấp cho huyện làm chủ đầu tư đồng thời là người vận hành quản lý công trình sau đầu tư; phải có các biện pháp gắn trách nhiệm người hưởng lợi với việc quản lý, bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng công trình; nên chú trọng xây dựng cơ chế đầu tư hệ thống cấp nước có quy mô vừa, quy mô nhóm hộ, quy mô thôn bản phù hợp với khả năng kinh tế, tập quán, năng lực từng vùng; thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, nhất là khâu xây dựng kế hoạch phải có sự tham gia của nhân dân.
Nơi nào người dân vẫn tự lo được nước hay không chấp nhận cam kết đầu tư, không chấp nhận tham gia đóng góp và cam kết nghĩa vụ tài chính khi sử dụng nước thì có thể chưa đầu tư để tập trung vốn đầu tư vào những nơi nhân dân thực sự có nhu cầu và có sự đồng thuận cao, nhất là đồng thuận trong công tác quản lý sau đầu tư và nộp tiền sử dụng nước theo đúng QĐ 366. Việc đầu tư xây dựng mới hoặc sửa chữa phải lựa chọn công nghệ kỹ thuật phù hợp với từng vùng và có khả năng bền vững trước sự biến đổi khí hậu...
Đó là những vấn đề cơ bản, mấu chốt nhất cần sự vào cuộc và tháo gỡ kịp thời của UBND tỉnh, các ngành liên quan, các địa phương và cả người dân để việc thực hiện QĐ 366 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 thực sự đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra đồng thời không để lãng phí nguồn lực đầu tư.
Ngọc Tú
Các tin khác
Phiên họp thảo luận về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật.
Ngày 29-12, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hội thảo về một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).
YBĐT - Ngày 29/12, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ họp Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá kiểm điểm công tác, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/ NQ- CP ngày 2/1/2014 của Chính phủ và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, triển khai công tác năm 2015.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn kết quả bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2011 - 2016.