Dưới thời Nguyễn, khu vực biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam được xác lập từ Bắc chí Nam, tương đương với khu vực biển, đảo của chúng ta hiện nay, đó là vùng biển từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với các đảo ven bờ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa, Trường Sa. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên) ghi lại sự kiện vào tháng 4 năm 1711 chúa Nguyễn Phúc Chu sai Tống binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu đi đo bãi cát Trường Sa, xác nhận chủ quyền trên thực tế của Việt Nam ở Quần đảo Trường Sa đã được khẳng định từ trước đó.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Quân Chủng Hải Quân tháng 3 năm 1961, Người đã dạy "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong diễn văn tại Lễ mít tinh kỷ niệm 33 năm thành lập Quân chủng Hải Quân (7/5/1955 – 7/5/1988) tại đảo Trường Sa lớn (nay là thị trấn Trường Sa), tỉnh Khánh Hòa đã đọc "… Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau. Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc chúng ta..”
Cột mốc chủ quyền trên Đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa
Sắt son một lời thề giữ biển, với ý chí quyết tâm "Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân đã dũng cảm vượt mọi khó khăn, gian khổ; chạy đua cùng thời gian; củng cố, tăng cường thế đứng của ta trên khu vực quần đảo. Sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), là một trang sử không thể nào quên trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc, nơi ghi dấu sự anh dũng chiến đấu hi sinh cao cả của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng cả Tổ quốc trên biển.
Chúng ta cảm phục tấm gương anh dũng hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bộ đội bảo vệ tàu, giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo. Trước lúc hy sinh Trần Văn Phương đã hiên ngang cuốn là cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm...
Kế thừa và phát triển ý thức chủ quyền biển, đảo của ông cha trong lịch sử dựng nước và giữ nước, cũng như nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về biển, đảo. Quản lý, khai thác đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển, làm cho đất nước giàu mạnh là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Những năm qua, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quân và dân ta triển khai tích cực các hoạt động bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo từng bước được xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh hơn, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại, có sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bộ đội Hải quân cùng các lực lượng thực thi pháp luật khác trên biển (cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư…) không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy; kiên cường bám trụ nơi "đầu sóng, ngọn gió”; đêm ngày tuần tra, kiểm soát, khẳng định, bảo vệ chủ quyền, giữ bình yên biển, đảo, thực sự là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi bám biển và "Ngư dân cũng là cột mốc sống để bảo vệ chủ quyền biển đảo”. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển bền vững kinh tế biển.
Trên cơ sở của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển (1993 - 2023) và "Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, thời gian qua, kinh tế biển và vùng ven biển nước ta đạt tốc độ tăng trưởng khá và đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới đất nước, tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình tiến ra biển bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo của Tổ quốc, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
Đến với các vùng biển nói chung Việt Nam, trong đó có quần đảo Trường Sa - nơi có những người lính Hải quân kiên trung ngày đêm kiên cường bám biển, bám đảo, bảo vệ các đảo tiền tiêu của Tổ quốc, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn tinh thần quyết tâm, ý chí giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các vùng biển đảo. Với họ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm, vừa góp sức giúp quê hương mạnh, giàu từ biển.
Dưới chân cột mốc chủ quyền tại Đảo Song Tử Tây, chúng tôi xúc động khi được nghe các bạn nhỏ sinh sống tại đảo đọc những câu thơ thể hiện theo phong cách đồng dao với chất giọng truyền cảm, ngọt ngào và rất đỗi tự nhiên "Nu na nu nống/ Đánh trống phất cờ/ Biển đảo xa bờ/ Có hai quần đảo/ Hoàng Sa, Trường Sa/ Tên gọi thiết tha/ Trong lòng dân Việt/ Bao nhiêu đời qua/ Tàu ai đi qua/ Thuyền ai đi lại/ Nước Việt mãi gọi/ Hoàng Sa, Trường Sa...”. Vùng biển đảo thiêng liêng sẽ mãi mãi trong trái tim đất liền – là một phần máu thịt, lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam.
Mạnh Cường