Quân đội nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/3/2015 | 9:53:16 AM

YBĐT - Để đáp ứng nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới mà Trung ương Đảng xác định là “trụ cột bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình”, Quân đội nhân dân Việt Nam nhanh chóng bước vào xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ nhất (1955 - 1960). Nhiệm vụ và phương châm lúc này là: tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước lên chính quy, hiện đại.

Bộ đội ta hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968.  (Ảnh tư liệu)
Bộ đội ta hành quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968. (Ảnh tư liệu)

Ở miền Nam, tháng 6/1954, Mỹ dựng chính phủ Ngô Đình Diệm và ráo riết thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng miền Nam. Trước tình hình đó, tháng 1/1959, Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) mở rộng đã xác định hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng.

Ngày 28/8/1959, nhân dân nhiều xã trong huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) nổi dậy giành chính quyền. Ngày 17/1/1960, nhân dân các huyện Mỏ Cày, Minh Tân, Thạnh Phú tỉnh Bến Tre nhất loạt nổi dậy, phá thế kìm kẹp, tạo nên phong trào “Đồng khởi” lan rộng ra nhiều tỉnh ở Nam Bộ, Khu 5. Từ phong trào “Đồng khởi”, lực lượng vũ trang và hệ thống chỉ huy quân sự các cấp của ta từng bước hình thành. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 15/2/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, bộ phận trực tiếp của Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ chiến đấu ở miền Nam.

Đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961 - 1965)

Trên hậu phương lớn miền Bắc, quân đội ta đã khẩn trương xây dựng theo kế hoạch quân sự 5 năm lần thứ hai (1961 - 1965), nâng cao một bước quan trọng trình độ chính quy, hiện đại. Nhiệm vụ và phương châm là: xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại.

Từ năm 1961, để đối phó với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và phong trào cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ thực hiện “Chiến tranh đặc biệt”. Với kinh nghiệm đấu tranh, quân và dân miền Nam đã sáng tạo nhiều hình thức tiến công, đánh 15.525 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 28.966 tên, vùng giải phóng được giữ vững và mở rộng; chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản.
Nhằm hạn chế những tổn thất và cứu nguy cho thất bại ở chiến trường miền Nam, sau khi dựng lên sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (8/1964), ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân lần thứ nhất hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam. Các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã nâng cao cảnh giác, hiệp đồng chặt chẽ, mưu trí dũng cảm, chiến đấu ngoan cường, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ.

Tháng 10/1964, các lực lượng vũ trang miền Nam mở đợt hoạt động Đông - Xuân 1964 - 1965, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Sau chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 - 3/1/1965), Ba Gia (5/1965), Đồng Xoài (10/5 - 22/7/1965), chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta bước sang một giai đoạn mới.

Cùng toàn dân đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” và chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965 - 1968)
Trước nguy cơ thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, từ giữa năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa lực lượng chiến đấu của Mỹ vào trực tiếp tham chiến trên chiến trường miền Nam. Hỗ trợ cho nỗ lực quân sự ở miền Nam, Mỹ dùng không quân, hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Vừa xây dựng vừa chiến đấu và phát triển lực lượng, bộ đội ta trên các chiến trường miền Nam đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ - quân đội Sài Gòn, mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà diệt”, “Nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, đánh bại kế hoạch hai gọng kìm “Tìm diệt” và “Bình định” của địch, tạo điều kiện đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phát triển lên một bước mới, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ.

Ở miền Bắc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đánh trả không quân, hải quân địch, giành những thắng lợi lớn. Trong 4 năm (1964 - 1968), quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 3.243 máy bay các loại, bắt sống nhiều giặc lái, bắn chìm và bắn cháy 143 tàu chiến.

Giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ đến đỉnh cao nhất, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) nhằm tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn chiến trường miền Nam cùng với việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, buộc Mỹ chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari.

Đánh bại chiến lược

“Việt Nam hóa chiến tranh” và cuộc tập kích bằng không quân, hải quân lần thứ hai vào miền Bắc của đế quốc Mỹ  (1969 - 1972)
Thất bại trên chiến trường miền Nam, từ năm 1969, Mỹ chuyển sang thi hành “Học thuyết Ních-xơn” và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đồng thời tăng cường chiến lược “Chiến tranh đặc biệt tăng cường” ở Lào và Campuchia. Quân và dân ta đã phối hợp chặt chẽ với nhân dân Lào và Campuchia chiến đấu, giành được những thắng lợi to lớn trên chiến trường ba nước Đông Dương trong xuân - hè 1971, tạo ra sự thay đổi quan trọng trong cục diện chiến tranh. Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ bị thất bại một bước nghiêm trọng.

Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, làm thay đổi so sánh lực lượng và thay đổi cục diện chiến tranh, dồn Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vào thế yếu trầm trọng hơn. Trước nguy cơ đổ vỡ của quân đội Sài Gòn, Ních-xơn buộc phải huy động trở lại lực lượng quân sự Mỹ vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Ngày 6/4/1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai với hai chiến dịch Linebacker I (6/4/1972) và Linebacker II (đêm ngày 18/12/1972).

Với tinh thần dũng cảm, bằng cách đánh mưu trí, linh hoạt, quân và dân miền Bắc đã đánh thắng cuộc tập kích chiến lược lần thứ hai bằng B52 của Mỹ, lập nên trận “Điện Biên Phủ trên không” tại bầu trời Hà Nội. Thắng lợi to lớn của quân và dân hai miền Bắc và Nam buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam (27/1/1973), cam kết tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, chấm dứt dính líu về quân sự, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam.

Cùng toàn dân tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975

Hiệp định Pari được ký kết nhưng với bản chất ngoan cố, Mỹ chưa chịu từ bỏ âm mưu duy trì chế độ thực dân mới, chia cắt lâu dài đất nước ta. Trong quá trình rút quân, Mỹ vẫn để lại nhiều sĩ quan mặc áo dân sự và giao lại cho quân đội Sài Gòn toàn bộ cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh. Dựa vào viện trợ của Mỹ, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu ra sức củng cố ngụy quân, ngụy quyền, liên tiếp mở các cuộc hành quân “tràn ngập lãnh thổ”, lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Nắm được âm mưu của địch, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã kịp thời đánh giá đúng so sánh lực lượng giữa ta và địch trong tình hình mới, chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược, giải phóng miền Nam, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh thực dân mới của Mỹ bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trên cơ sở những thắng lợi quyết định, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch.

5h sáng ngày 30/4/1975, quân ta mở đợt tiến công cuối cùng. Vào lúc 10h45, phân đội xe tăng thọc sâu của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập. Quân ta bắt toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Cờ Tổ quốc tung bay trước tòa nhà chính của Dinh Độc Lập lúc 11h30. Trong 2 ngày 30/4 và ngày 1/5, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Quân khu 8 và 9 nắm thời cơ, phát động quần chúng nổi dậy, tiêu diệt và làm tan rã hàng ngũ địch, giải phóng hoàn toàn các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, vùng biển và các đảo ở Tây Nam của Tổ quốc.

Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

(Theo VOV)

Các tin khác

YBĐT - Thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy Yên Bái về đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đến nay, các chi bộ trực thuộc Đảng bộ trong toàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội. Phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hoàng Văn Vui - Bí thư Huyện ủy Lục Yên về những kết quả và kinh nghiệm rút ra từ đại hội chi bộ trực thuộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thường xuyên thanh tra đột xuất với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Thanh tra Chính phủ đẩy mạnh việc phát hiện tham nhũng, đặc biệt thường xuyên thanh tra đột xuất liên quan đến lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng.

Quân đội ngụy quyền Sài Gòn rút chạy khỏi Pleiku.

“Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những chiến công chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đã đi vào lịch sử của thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời đại sâu sắc”. (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV).

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại buổi khai mạc Khóa họp thường kỳ lần thứ 28.

Ngày 16/3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc tuần làm việc thứ ba của Khóa họp thường kỳ lần thứ 28 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) với việc tổ chức các cuộc đối thoại về tình hình nhân quyền tại một số nước cụ thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục