Vẹn nguyên niềm tự hào
- Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2015 | 2:52:20 PM
YênBái - YBĐT - “18 tuổi lên đường chiến đấu, 20 tuổi là sỹ quan, được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam… Sung sướng nhất là được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà chẳng hề hay biết… rồi tin vui toàn thắng, vỡ òa niềm hạnh phúc Bắc - Nam thống nhất một nhà. Lớp thanh niên trai tráng chúng tôi thuở ấy ra đi là nguyện thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh vẫn không thể tin, chiến thắng của đại quân ta lại thần tốc đến thế…” - người Đại đội trưởng Đại đội 6 bộ binh của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95, Sư 325 năm xưa - Nguyễn Quốc Tuấn bồi hồi nhớ lại.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn (người bên phải) chia sẻ kỷ niệm một thời chiến đấu cùng cán bộ Hội Cựu chiến binh thành phố Yên Bái.
|
Ông tiiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng khách ấm cúng, treo trang trọng bằng khen, giấy khen và rất nhiều phần thưởng cao quý của gần 23 năm cống hiến trong cuộc đời binh nghiệp, hơn chục năm đóng góp cho công tác xã hội ở địa phương ông Tuấn đã vinh dự có được, nâng niu chiếc hộp kính cất giữ rất nhiều phần thưởng, nào Huân chương Chiến công hạng Ba trong Chiến dịch Cam-pu-chia, Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba...,
Rồi ông chỉ cho tôi xem tấm Huân chương Chiến công hạng Ba được tặng thưởng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giọng hào hứng: “Lứa chúng tôi ngày đó lên đường ra trận chỉ có một suy nghĩ đi và đánh, chứ không biết đến ngày trở về. Tôi được hưởng chế độ "B dài", nghĩa là các chế độ của mình, vợ, con, người thân ở nhà đều được hưởng. Năm 1970, xin đơn vị tranh thủ về lấy vợ rồi đi miết đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam mới trở ra Bắc gặp gia đình... Mệnh lệnh thời chiến đi là chỉ biết đi, đánh là chỉ biết đánh nên đơn vị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh mà cấp dưới như chúng tôi chẳng ai hay biết cho tới tận tháng 4/1975, khi được tăng cường cho Quân đoàn 4 chặn đánh địch ở đường 19, Plây-cu, đánh Trảng Bom, Hố Nai, giải phóng Xuân Lộc… ai nấy mới ngỡ ngàng...”.
Tôi khâm phục trí nhớ tuyệt vời của người lính già ấy. Huyền thoại của dân tộc một thời hoa lửa tái hiện trong tiềm thức ông như thể mới ngày hôm qua. Ông Tuấn trầm ngâm: “Nhớ năm 1971, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân vào Quảng Trị. Suốt từ năm 1971 - 1974, Sư 325 thực hiện nhiệm vụ chốt giữ tại Quảng Trị, khu vực Sân bay Ái Tử và tuyến phòng ngự khu vực đồi chè Tích Tường, Như Lệ, Phương Thúy, Đá Đứng... (phía Nam sông Thạch Hãn) - thời ăn cơm Bắc đánh giặc Nam. Đây là chiến trường đẫm máu của cuộc chiến năm 1972. Sau khi ta rút khỏi Thành cổ Quảng Trị, tháng 9/1972, chiến sự ở đây đã trở thành một chảo lửa. Địch tìm mọi cách hất chúng ta sang bờ tả ngạn, suốt một dải từ Phương Thúy, Đá Đứng về Tích Tường, Như Lệ đã diễn ra những trận đánh đẫm máu, giành đi giật lại giữa ta và địch...
Cuộc chiến trước và sau ngày ngừng bắn cũng ác liệt và đẫm máu của cả hai phía nhằm giành lấy vị trí chiến lược này... Có những khoảng thời gian ngừng chiến ngắn ngủi nhưng vô cùng quý giá với những người lính ở cả hai đầu chiến tuyến. Chẳng ai có thể tin, một buổi chiếu phim màn ảnh rộng, bên này ta xem, bên kia địch xem - đấu tranh tâm lý, hòa hoãn bằng thỏa hiệp…
Càng gần đến ngày giải phóng, khí thế trên các chiến trường hừng hực như vũ bão. Khoảng gần cuối tháng 4/1975, Trung đoàn 95, Sư 325 được lệnh đánh thành Tuy Hòa, chiếm phà Cát Lái (phía Bắc sông Sài Gòn) và chốt giữ tại vị trí hiểm yếu này cho khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhớ lại giây phút đón nhận tin vui chiến thắng, ông Tuấn rưng rưng xúc động: “Nghe tin Sài Gòn giải phóng, quân ta toàn thắng mà chúng tôi không tin ở tai mình, cảm xúc khi ấy khó có thể diễn tả bằng lời, nước mắt chen lẫn nụ cười… Chiến tranh đã lùi xa nhưng ngẫm lại việc ta quyết định giải phóng miền Nam bằng vũ lực là quyết định vô cùng sáng suốt và tài tình của Đảng... ”.
22 năm 6 tháng - trọn tuổi thanh xuân cống hiến cho nền độc lập, tự do của dân tộc, 68 tuổi đời, 48 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Quốc Tuấn luôn một lòng kiên trung theo Đảng. Khí phách và bản lĩnh của “bộ đội Cụ Hồ” luôn tỏa sáng trong ông, để rồi, trên mỗi cương vị được Đảng tín, dân tin, ông đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhiều năm được bà con dân phố tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ Khu phố Tân Trung 1, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái, ông luôn tận tụy với công việc của xóm, phố. Năm 2014, tham gia Hội thi Bí thư chi bộ giỏi, ông Tuấn giành liền lúc giải nhất của phường, của cụm và giải nhất toàn thành phố.
Từng kinh qua cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, cận kề sự sống và cái chết, hơn ai hết, ông hiểu giá trị của độc lập, hòa bình. Ông Tuấn luôn cho mình là người may mắn bởi máu xương của đồng đội ông và bao con dân đất Việt đã đổ xuống để có độc lập, hòa bình hôm nay. Điều khiến ông đau đáu ấy là làm thế nào để tinh thần yêu nước và ý chí quật cường chống xâm lăng của dân tộc thấm đến từng nghĩ suy, chuyển biến thành hành động cách mạng của lớp trẻ hôm nay. Và còn để mỗi người dân đất Việt hiểu được trọng trách: không được phép lãng quên lịch sử nước nhà.
Minh Thúy
Các tin khác
Trưng bày chuyên đề “Hậu cần cho đại thắng mùa Xuân năm 1975” thể hiện khái quát 3 chủ đề: Quyết tâm chiến lược của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; bảo đảm hậu cần cho đại thắng mùa Xuân năm 1975; chiến thắng.
Các nước phải cùng hợp tác để ứng phó hiệu quả với các thách thức ở các khu vực, trong đó có biển Đông.
Chiều 21/4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thủ đô Jakarta, Indonesia, dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi và các hoạt động liên quan theo lời mời của Tổng thống Indonesia, Joko Widodo.
Chiều 21/4, Tiểu ban tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước tiếp tục hợp duyệt diễu binh chuẩn bị cho đại lễ chính thức diễn ra vào ngày 30/4.