Miền ký ức đẹp nhất
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/4/2015 | 9:59:02 AM
YênBái - YBĐT - Với mỗi người lính từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thì đó là dấu ấn oanh liệt của cả cuộc đời. Để rồi, mỗi lần nhắc nhớ lại rưng rưng xúc động tự hào. Tròn 40 mùa xuân kể từ sau chiến thắng lịch sử ấy, những người lính năm xưa, nay mái đầu đã bạc vẫn vẹn nguyên miền ký ức hào hùng - một miền ký ức đẹp nhất, chưa bao giờ xa.
Ông Nguyễn Văn Ngát nhớ về những đồng đội cũ từng một thời vào sinh, ra tử qua cuốn kỷ yếu “Những người lính trên chiến trường Tây Nguyên”.
|
Ông Nguyễn Văn Ngát - Trưởng ban Kinh tế Hội Cựu chiến binh tỉnh tự hào nhớ lại quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình. Điều đặc biệt bất ngờ, đó là trước khi vào chiến dịch, ông vinh dự được kết nạp Đảng. Ông bảo: “20 tuổi đời được đứng trong hàng ngũ của Đảng khi ấy thiêng liêng và ý nghĩa lắm, cháu ạ! Bác vẫn nhớ, đồng chí Chính trị viên Tiểu đoàn trao quyết định là tờ giấy pơ-luya viết tay. Địa điểm kết nạp là ở một rừng le ở sông Sa Thầy”. Sau khi kết nạp Đảng, anh lính trẻ Nguyễn Văn Ngát đã trưởng thành hơn, trách nhiệm hơn và cũng ý chí hơn bao giờ hết.
Trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, làm nhiệm vụ của người lính thông tin thuộc Quân đoàn 3 Tây Nguyên, cuộc chiến diễn ra vô cùng ác liệt nhưng luôn phải bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt. Những thiếu thốn, đói rét và cả những hy sinh của đồng đội chưa khi nào khiến các anh nao núng, nản lòng mà chỉ càng quyết tâm hơn để rồi đi đến thắng lợi cuối cùng. Khi nghe tin chiến thắng, tất cả như vỡ òa, không ai cầm được nước mắt. Giờ phút mừng chiến thắng của người lính khi ấy cũng thật đặc biệt: tất cả bộ đội đều được phát, mặc quần áo mới rồi đơn vị cho anh em lên xe thùng xe GMC chạy quanh đường phố Sài Gòn. Đường phố cờ hoa rực rỡ, tiếng hò reo vang dội. Đó đúng là những giờ phút lịch sử của cuộc đời. Và khi ấy, các anh cũng mới biết thế nào là đường phố Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất bởi bao năm đơn vị toàn đóng quân trên rừng.
Ông Ngát xúc động kể: “Thời điểm ấy, ý nghĩ chân thật nhất đó là thở phào vì chiến tranh đã kết thúc và chỉ mong ước được về nhà. Chiến tranh ác liệt, người lính được trở về sau chiến tranh là một may mắn”. Ôn lại những kỷ niệm chiến trường khiến ông lại rưng rưng nhớ về những người đồng đội đã hy sinh. Vì bom đạn, vì sốt rét, vì hoàn cảnh và điều kiện sống khắc nghiệt có những người lính đã mãi mãi nằm lại trên chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng và hòa bình, độc lập hôm nay.
Ông Đoàn Quang Vinh - Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh hào hứng kể về những năm tháng tham gia chiến dịch với giọng hào sảng, đầy tự hào. Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 320A của ông được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Đồng Dù - khu vực Củ Chi, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn. Thời điểm ấy, những người lính trẻ vừa tham gia chiến dịch Nam Tây Nguyên, giải phóng Buôn Mê Thuột, Plây-cu nên ai cũng hào hứng và đầy khí thế. Ngày 29/4/1975, đơn vị được lệnh đánh trận Đồng Dù. Đó là một căn cứ kiên cố của địch với 13 hàng rào dày đặc mang những cái tên đầy thách thức như: đơn, mái nhà, bùng nhùng, mũi lợn, tường đất… Ở đó, các ụ súng, lô cốt xen kẽ các bãi mìn kiên cố mà Mỹ từng tự hào gọi là Sư đoàn Tia chớp nhiệt đới. Đồng Dù cũng là căn cứ mà ta đã từng đánh nhưng chưa bao giờ đánh được.
Từ 4 giờ sáng, quân ta đã tập kết sát trận địa địch nhưng hoàn toàn bí mật. Trận chiến vô cùng ác liệt từ mờ sáng đến 10 giờ trưa, ta mới chiếm được căn cứ Đồng Dù, bắt sống tên sư đoàn trưởng của địch. Bộ đội ta cũng thương vong rất nhiều. Bản thân ông cũng bị thương vào đầu, tay, chân, phải nằm lại ở viện quân y. Ông bảo, khi ấy, khí thế như chẻ tre, ai cũng muốn lao tới, đánh ngay vào Sài Gòn.
Ngay cả những người bị thương đang phải nằm điều trị mà vết thương không quá nặng cũng muốn được trở lại đơn vị, tiếp tục chiến đấu. Rồi tin chiến thắng bay về, anh em thương binh ôm nhau mà khóc, khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Khóc bởi những hy sinh mất mát của đồng đội bởi cuộc chiến tranh gian khổ, ác liệt của cả dân tộc đã kết thúc bởi chiến thắng vẻ vang. Người lính già ấy bỗng ngừng lời sau dòng hồi ức thiêng liêng, rồi lại chuyện: “Hôm nay, có dịp trở lại thăm chiến trường xưa những dấu ấn của cuộc chiến tranh khốc liệt đã thay thế bởi sự phát triển mạnh mẽ của Củ Chi, của thành phố Hồ Chí Minh... Được chứng kiến sự đổi thay từ quá khứ tới hiện tại, đó là niềm hạnh phúc trọn vẹn của người lính”.
40 mùa xuân đã qua kể từ chiến thắng lịch sử hào hùng ấy, cả dân tộc đã bước sang những chặng đường mới của dựng xây và phát triển từ hành trình của ngày hôm qua. Để rồi, những chàng trai tuổi 20 ngày ấy như ông Vinh, ông Ngát và biết bao đồng chí, đồng đội khác nữa đều sáng lên niềm vinh dự, tự hào vì đã được cống hiến những năm tháng thanh xuân đầy ý nghĩa cho hòa bình, độc lập của nước nhà.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vừa qua, đoàn cán bộ Báo Yên Bái do các đồng chí Phí Văn Nam - Phó tổng biên tập Báo Yên Bái (thứ nhất, bên trái) và Bùi Minh Đức - Phó tổng biên tập Báo Yên Bái (thứ hai, bên trái) dẫn đầu đã đến thắp hương tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam ở Vũng Chùa, đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình).
“Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay/ Rộn ràng và mê say những bước chân dồn về đây/ Sài Gòn ơi, vững tin đã bao năm rồi/ Một ngày vui giải phóng…”.
YBĐT - "Hàng vạn người ngã xuống cho hai nước đứng lên; năm mươi năm trôi qua để triệu nhà mong nhớ…”.
Tiếng nhạc của Lưu Hữu Phước độc đáo và thần kỳ, làm rực sáng tâm hồn yêu quê hương, đất nước, hun đúc tâm hồn cho mọi người, đặc biệt cho thế hệ trẻ…