Quảng Trị tháng Tư

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/4/2015 | 2:25:22 PM

YênBái - YBĐT - Tháng Tư về, hơi thở mùa xuân vẫn còn vương vấn trên những cành lá, trong cảm xúc của mỗi người. Và tháng Tư về cũng nhắc nhớ cho mỗi người con dân đất Việt về ngày đại thắng thống nhất đất nước, mở ra một chiều cao bất tận, chiều cao một lý tưởng sống đẹp của dân tộc. Cho đến bây giờ đã là một cuộc thay da đổi thịt, đất nước được độc lập, bình an mà mỗi khi nhớ về những ngày tháng Tư lịch sử có biết bao người lại “thương trào nước mắt”…

Những nén tâm hương tri ân với các liệt sĩ của cán bộ Báo Yên Bái tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Những nén tâm hương tri ân với các liệt sĩ của cán bộ Báo Yên Bái tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Niềm vui vô bờ bến ấy phải đánh đổi bằng sự hy sinh không kể xiết. Về với Quảng Trị giữa những ngày tháng Tư lịch sử không khỏi bồi hồi xúc động khi đi giữa mênh mông bạt ngàn một màu trắng xóa ở Nghĩa trang Trường Sơn hay chìm đắm bên những lá thư Thành cổ.

Nghĩa trang Trường Sơn vào tháng Tư, hàng vạn người dân cả nước về đây thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc, như một lời tri ân sâu sắc cho nền độc lập tự do đang được hưởng.

Hòa với dòng người, tôi thắp nén nhang cho người dưới mộ, không thể nói lên lời cảm ơn với các anh bởi đã rưng rưng trong hương trầm khói tỏa. Được sinh ra trong hòa bình, chỉ biết tới đại thắng mùa xuân của 40 năm trước qua những thước phim, những bài học lịch sử. Sự khốc liệt được hiện bằng hình ảnh, tả bằng ngôn ngữ. Nhưng giờ phút này, đứng trước hàng vạn anh linh của những người ngã xuống, tôi thấm thía cái sự khốc liệt ấy bằng cả trái tim đang quặn thắt. Đúng như người ta thường bảo: “Muốn biết chiến tranh khốc liệt đến nhường nào hãy tới Nghĩa trang Trường Sơn”.

Bước chân khẽ đi kéo dài trong không gian tĩnh mịch ấy, không một tiếng nói lớn, không một bước chân mạnh, cứ đi và cảm nhận sự bất tử nơi đây. Trong bảng lảng trời chiều ở mảnh đất thiêng, hồn người như phiêu diêu về câu chuyện cây bồ đề thiêng, mạch nước ngầm, bước chân của những người lính trong đêm vắng... Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại tưởng chừng thời gian đã xóa nhòa cùng những nguôi ngoai. Nhưng ở mảnh đất miền Trung cát trắng Quảng Trị này, thời gian không thể làm phai mờ hình ảnh bạt ngàn những ngôi mộ liệt sỹ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Điều ấy càng khiến cho mỗi người chúng tôi được hưởng nền hòa bình cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc, thống nhất cho giang sơn.

Trong sự xúc động ấy, tôi chợt nhận ra ở đây chỉ có hai màu là xanh của trời và trắng của bạt ngàn những ngôi mộ liệt sĩ. Các anh, các chị đã đánh đổi tuổi thanh xuân của mình cho đất nước một màu xanh hòa bình. Tôi ngửa mặt lên trời xanh như muốn nói thật lớn rằng: Mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh, các chị nhưng rồi lại sợ ảnh hưởng đến giấc ngủ nghìn thu dưới những nấm mồ trắng ấy. Bao nhiêu điều hiện hữu trước mắt khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, mặc nhiên, càng thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay.

Khẽ len qua những hàng mộ dài xa tít, chúng tôi tìm tới với những người con quê hương Yên Bái đã mãi mãi nằm xuống cho nền hòa bình dân tộc. 57 nấm mồ 56 cái tên và một mang tên hình của đất nước. Tất cả các anh ra đi khi tuổi mới đôi mươi, khát vọng của các anh đấu tranh giành một nền độc lập cho dân tộc và phát triển nay đã thành hiện thực. Các anh nằm yên nghỉ giữa bầu trời xanh thẳm bình yên, giữa những rừng thông bát ngát như trong vòng tay mẹ chở che, ấp ôm. Tôi đi dọc hàng mộ, đọc tên từng người và quê nhà các anh, Mậu Đông (Văn Yên), Vĩnh Lạc (Lục Yên), Hưng Khánh (Trấn Yên), Cẩm Nhân (Yên Bình), thị xã Yên Bái... khắc ghi những người con của quê hương mình đã hy sinh cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Dừng bước trước cái tên Phạm Văn Viễn ở Mậu Đông (Văn Yên) - người con của quê hương ra đi khi mới 18 tuổi, thắp cho anh một nén hương, người đồng nghiệp gửi anh một điếu thuốc lá: "Anh ơi! Quê mình giờ nhiều đổi thay lắm rồi! Chẳng còn tiếng bom, tiếng đạn, chẳng còn cái đói, cái khổ nữa. Trẻ em được đến trường, người già được chăm lo chu đáo. Anh hãy bình an yên nghỉ".

Không chỉ có Nghĩa trang Trường Sơn, đất Quảng Trị thấm đẫm máu của bao người với khát vọng hòa bình, độc lập. 81 ngày đêm kiên cường bảo vệ Thành cổ, góp phần vào thắng lợi trên bàn đàm phán ở Pari để đi đến Hiệp định Pari là đỉnh cao của sự hy sinh quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của bao chiến sĩ.  Soi bóng xuống dòng Thạch Hãn trong xanh hiền hòa hôm nay, Thành cổ Quảng Trị giờ được ví như nghĩa trang không một nấm mồ. “Khi vào thành cổ, hãy gạt bỏ những ham muốn bên ngoài”. Đúng vậy! Với khát vọng hòa bình độc lập cho dân tộc thì những ham muốn tầm thường ấy thật xấu hổ.

Giọng cô gái Quảng Trị trầm ấm và ngọt ngào: “Trên một diện tích chưa đầy 4 km2 đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom, 1.230.328 viên đạn pháo các loại và hơn 2.000 lượt máy bay oanh kích với sức công phá gấp 7 lần quả bom nguyên tử mà người Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Người ta đã tính toán rằng, mỗi mét vuông Thành cổ phải chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Cả một thị xã sầm uất đã thành đống tro tàn "không còn một một viên gạch nào dính được vào nhau"”.

Cô hướng dẫn viên nghẹn ngào, còn tôi bước chân như khụy xuống, không thể vững được nữa. Dựa vào thành tường của tượng đài ngay chính giữa Thành cổ, tôi dường như đang nghe được nhịp đập trái tim yêu nước của những người lính đã hy sinh. Cô hướng dẫn viên không biết bao nhiêu lần giới thiệu về Thành cổ với hàng vạn, hàng triệu đoàn khách đến thăm nhưng sao sự xúc động ấy vẫn còn rưng rưng trong giọng kể về những lá thư Thành cổ. Những trích thư không khỏi khiến mọi người xúc động. Âm thanh rưng rức của sự xót xa dần dần vang lên rồi vỡ òa giữa Thành cổ. Tôi cũng thấy mình cay cay nơi sống mũi rồi hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi. Và tôi thầm nghĩ, giờ đây, bên dưới lớp cỏ non xanh tươi hay trong dòng nước ngọt có ai dám chắc rằng sẽ không còn máu xương của đồng bào, những chiến sĩ đã hy sinh cho nền độc lập dân tộc. Tôi đang bước chân trong không gian linh thiêng và tĩnh mịch ấy thì vẳng lại từ phía sau một giọng thơ run run xúc động.

"Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào"

Tôi chợt nhìn xuống phía dưới chân mình, đứng yên không dám bước đi nữa. Người nữ cựu chiến binh vừa đọc bài thơ ấy đã tiến gần rồi nắm lấy tay tôi mỉm cười: “Đi nào!”. Cuộc trò chuyện với người nữ cựu binh ấy tôi được biết, bà không được tham gia chiến đấu ở đây nhưng hôm nay đến thăm nơi này bà không khỏi xúc động về những hy sinh của đồng chí mình. Câu chuyện giữa nữ cựu binh Mai Thị Định ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội và tôi – một người trẻ, đã cho tôi rất nhiều những bài học về sự hy sinh, về lòng quả cảm và cả về tình yêu nước không nói thành lời của những chiến sĩ. Khi biết chúng tôi ở Yên Bái, bà Định càng xúc động hơn, nắm chặt tay, bà nhìn tôi đôi mắt đỏ hoe: “Bà đã từng tham gia thanh niên xung phong, làm đường, mở tuyến ở Văn Chấn, Yên Bái”.

 

Cuộc gặp gỡ của phóng viên Báo Yên Bái với người cựu binh năm xưa giữa Thành cổ Quảng Trị. (Ảnh: Ngọc Đồng)

Ôi, ở giữa đất trời Quảng Trị, cuộc gặp gỡ này như thể người thân gặp lại sau bao năm xa cách. Bà hỏi tôi về những đổi thay ở quê mình. Chắc bà sẽ không thể tượng tượng được một Yên Bái thanh bình và phát triển như bây giờ. Tôi và bà - một người cựu binh và một thanh niên đi giữa Thành cổ ôn chuyện lịch sử và nói chuyện đổi mới hôm nay. Bà bảo: “Đổi mới, phát triển hôm nay là sự đền đáp xứng đáng cho quá khứ hào hùng”.

Đúng vậy! Ký ức là điểm tựa để hướng về tương lai. Đất nước và dân tộc đã tựa những ký ức của Thành cổ Quảng Trị, của những người đã ngã xuống cho nền độc lập... và đặc biệt vào dấu son lịch sử Đại thắng mùa xuân thống nhất đất nước để đi lên suốt 40 năm qua.

Thanh Ba

Các tin khác
Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ phường Tân An (thị xã Nghĩa Lộ) lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 bỏ phiếu bầu Ban chấp hành.

YBĐT - Thực hiện Hướng dẫn số 10 - HD/UBKTTW của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát phục vụ đại hội Đảng các cấp, thời gian qua, Thị ủy Nghĩa Lộ đã chỉ đạo các cấp, ngành làm tốt công tác kiểm tra Đảng. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Văn Nam - Phó bí thư Thường trực Thị ủy về công tác kiểm tra phục vụ đại hội Đảng các cấp.

YBĐT - Chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho đại hội các chi, đảng bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy (BTVHU) Văn Yên đã lựa chọn Đảng bộ xã An Thịnh, xã Yên Hưng, Chi bộ Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên để tổ chức đại hội điểm và rút kinh nghiệm triển khai trong toàn huyện.

YBĐT - Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2015), 129 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2015), sáng ngày 27/4, đoàn đại biểu đại diện cho Đảng bộ, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Yên Bái do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã viếng Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh và dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình.

Ngày 26/4/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình người Việt Nam tại Nê-pan (Nepal) sau vụ động đất ngày 25/4/2015 và công tác bảo hộ công dân của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục