Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Một tinh thần kiên quyết đổi mới

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2015 | 7:33:47 AM

Ở cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân học được lối sống hòa đồng, bao dung và tinh thần kiên quyết đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên khởi xướng công cuộc đổi mới tại Đại hội VI năm 1986 (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên khởi xướng công cuộc đổi mới tại Đại hội VI năm 1986 (Ảnh tư liệu)

Trong suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng và cống hiến cho sự nghiệp cải cách, đổi mới đất nước, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân. Ông đã khắc họa sâu sắc tố chất của một nhà lãnh đạo “lấy dân làm gốc”, “nói đi đôi với làm”, có tâm có tầm.

Tư duy sắc bén, tinh thần không ngừng đổi mới cùng phong cách sống cao đẹp của Nguyễn Văn Linh cũng đã trở thành tấm gương sáng cho bao thế hệ lãnh đạo tại Việt Nam.

Sinh trưởng ở miền Bắc nhưng gần trọn cuộc đời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sống và hoạt động cách mạng ở Nam bộ. Ông được đồng bào, đồng chí miền Nam gọi với những cái tên rất đỗi thân thương như “anh Mười”, “chú Mười” hay “chú Út”.

Theo cách mạng từ năm 14 tuổi, nhiều lần vào tù ra khám, bị đàn áp dưới ách quân thù, ông hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân. Cho nên, từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến khi hòa bình lập lại, xây dựng đất nước, ông luôn gần dân, tin dân, lấy dân làm gốc.

Từ việc luôn bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của đồng bào, ông đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách sáng suốt, thúc đẩy sự phát triển và nhất là hợp lòng dân.

Bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước kể lại, năm 1986, khi bà từ thành phố Hồ Chí MInh (TP HCM) ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, bà rất lo lắng. Nhưng rồi mọi thứ được giải tỏa chỉ sau một cuộc trò chuyện giữa bà với đồng chí Nguyễn Văn Linh.


Đồng chí nói với bà: “Đất nước mình dài lắm cho nên lãnh đạo của Đảng phải thấu hiểu đặc điểm, tình hình của các vùng, miền. Cháu ở trong thành phố, miền Nam thì cháu biết rồi, cháu phải ra Bắc để hiểu bà con cũng như tập tục, tình hình của miền Bắc, miền Trung. Và ngược lại cháu cũng làm cho các đồng chí khác hiểu được miền Nam là như thế nào. Vì vậy phải có nhiều tiếng nói để làm cho Đảng mình ngày càng cặn kẽ, sâu sắc”.

Ở cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân đã học được lối sống hòa đồng, bao dung và tinh thần kiên quyết đổi mới. Khẳng định đổi mới là cơ may ngàn vàng, là cơ hội lớn để phát triển, sau ngày miền Nam giải phóng, khi giữ chức vụ cao nhất của Thành ủy TP HCM, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã mạnh dạn đề xướng và tổ chức thực hiện những thử nghiệm trong cải cách cơ chế, chính sách quản lý kinh tế…

Những chính sách đổi mới ấy càng mạnh mẽ hơn khi ông được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 6 vào tháng 12/1986. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, ông đã đưa ra những ý tưởng, quan niệm, cách làm mới, góp phần xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Đổi mới trong suy nghĩ của cố Tổng Bí thư là đổi mới từng bước nhưng triệt để, tới cùng.

Ông Tô Bửu Giám, nguyên Trợ lý của đồng chí Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Ông thường nói, đổi mới là phải mở cửa. Khi mở cửa ta sẽ được “luồng gió mới” nhưng đồng thời cũng có “bụi bặm”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đóng cửa. Bụi bặm thì ta phải giải quyết. Do đó, làm gì cũng phải tính đến 2 mặt”.

Với tư duy tiến bộ là lãnh đạo làm sao để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong thời gian đảm nhiệm vị trí cao nhất của Đảng, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên đi khảo sát, nghiên cứu tình hình ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ những chuyến đi này, qua tiếp xúc và lắng nghe người dân, ông biết được nhiều hiện tượng thoái hóa, biến chất của một bộ phận lãnh đạo nên đã mạnh mẽ lên tiếng chống tiêu cực, tham nhũng.

Kiên định trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc, sáng tạo trong đổi mới- đó là những gì đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đáng quý hơn cả, chúng ta còn học được từ ông- người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức tính giản dị, chân thật.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo kể, mặc dù có anh em phụ việc xung quanh nhưng bao giờ Tổng Bí thư cũng tự mình làm hết mọi việc, kể cả chuyện giặt quần áo.

Có lần Giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Quân đi nước ngoài về và mang đôi tất tới biếu Tổng Bí thư. Song, Tổng Bí thư nói: “Không. Mình đang còn”. Nhìn đôi tất Tổng Bí thư đang mang, ông Quân thấy nó đã rụng hết tuyết rồi, nhìn thấy cả da. Ông Quân hỏi: “Cụ dùng đôi tất này từ hồi nào?”. Tổng Bí thư nói dùng từ thời kỳ Trung ương Cục ở trong rừng ở Campuchia tới bây giờ. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng hiểu Tổng Bí thư là người hết sức giản dị, bình dân.

Tư duy ấy, nhân cách ấy đã tạo nên một tên tuổi lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển của đất nước Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

                                                                                      (Theo VOV)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 24/6, đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Bùi Văn Thành – Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Công an tỉnh Yên Bái về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), xây dựng lực lượng và hậu cần – kỹ thuật 6 tháng đầu năm 2015.

YBĐT - Ngày 25/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường biểu quyết thông qua 4 dự án luật gồm: Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật An toàn vệ sinh lao động; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thảo luận về Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Ký họa quang cảnh mít tinh chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công tại vườn hoa tỉnh lỵ Yên Bái vào buổi sáng ngày 22 tháng 8 năm 1945.

YBĐT - Ngay sau khi được thành lập ngày 3/2/1930, Đảng ta đã chú trọng phát động phong trào cách mạng trong cả nước. Ở Yên Bái, vào tháng 3/1930 tại thị xã Yên Bái đã xuất hiện nhóm đọc sách báo yêu nước, tiến bộ (Học sinh đoàn) gồm 17 học sinh của Trường Tiểu học Pháp - Việt và một số lính khố xanh.

Nhà báo lão thành Hữu Thọ (ngoài cùng, bên phải) giao lưu, trao đổi với các nhà báo trẻ về việc học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh.

Trong lịch sử thế giới hiện đại, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng và nhà tư tưởng quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức. Suốt đời mình, Người kiên trì giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Người là tấm gương trọn vẹn của đạo đức mới: Suốt đời phấn đấu hy sinh vì lợi ích của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục