Chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020

Đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/8/2015 | 3:40:59 PM

YênBái - YBĐT - Phát triển vùng tre măng Bát Độ, vùng dâu tằm, vùng cây ăn quả có múi gắn với thị trường là những thành công nổi trội trong sản xuất nông nghiệp ở Trấn Yên. Nghị quyết của Đảng đã vào lòng dân, trở thành những việc làm cụ thể và đem lại những giá trị mới cả về tư duy, nhận thức và hiệu quả kinh tế. Sự hăng hái và sáng tạo của nhân dân cũng góp phần làm sinh động thêm những giá trị có tính thực tiễn trong chủ trương, chỉ đạo phát triển kinh tế của Đảng.

Anh Lê Minh Hiến (thứ hai phải sang) ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh nhờ trồng cây ăn quả đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Anh Lê Minh Hiến (thứ hai phải sang) ở thôn Yên Bình, xã Hưng Thịnh nhờ trồng cây ăn quả đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Tre măng "vào" nghị quyết

Nông dân người Tày, người Dao, người Mông, người Kinh ở xã Kiên Thành khá lên rất nhiều nhờ cây tre măng Bát Độ. Những người hoài nghi về Chương trình phát triển tre măng Bát Độ khi xưa thì nay đang “làm” tre măng hăng hái nhất. Chị Hà Thị Hán - một nông dân ở Kiên Thành nói: “Chúng em sao nghĩ ra cái cây này được. Tỉnh, huyện nghĩ cho dân đấy. Ban đầu, nghe trồng tre măng bà con cười ghê lắm. Làm ruộng, làm nương mãi chẳng ăn thua nữa là trồng cây tre ăn măng!”.

Kiên Thành là xã vùng sâu, vùng xa, vốn rất khó khăn. Đưa cây tre măng Bát Độ vào Kiên Thành là một táo bạo trong chủ trương và một thử thách trong chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Đảng bộ huyện Trấn Yên. Sự táo bạo này, hôm nay, đã đem lại cơm no và ngon, áo ấm và đẹp, nhà xây, xe tốt và tinh thần phấn chấn cho hàng trăm hộ dân. Gia đình chị Hà Thị Hán nghèo khó, nhờ 16ha tre măng Bát Độ đã khá lên với thu nhập trên dưới 200 triệu đồng/năm. Kiên Thành có trên 750 hộ thì có 2/3 số hộ trồng tre măng. Nhiều điển hình “ăn nên, làm ra” nhờ tre măng đã được xa gần biết đến, trong đó có ông Hoàng Văn Lũy trồng 16ha, thu nhập 250 triệu đồng/năm.

Giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm, Trấn Yên chủ động liên kết, hợp đồng hợp tác phát triển với Công ty TNHH Vạn Đạt. Toàn bộ sản phẩm măng tre tươi được Công ty bao tiêu, thị trường ổn định theo hướng có lợi cho nông dân. Kết quả là không chỉ ở Kiên Thành, người dân ở các xã Tân Đồng, Hồng Ca, Hưng Khánh, Hưng Thịnh cũng đã trồng tre măng và có thu nhập khá. Sản lượng măng tươi thu hoạch tăng từng năm: Năm 2011 gần 13.000 tấn, năm 2014 trên 18.000 tấn.

Phó ban quản lý Dự án tre măng Bát Độ - chị Trần Thị Hoàn Liên cho biết: “Từ năm 2011 - 2013, nông dân đã được hỗ trợ trên 2,8 tỷ đồng với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha, tổng diện tích hỗ trợ gần 950ha từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh; diện tích trồng mới 3 năm là trên 1.000ha, về trước kế hoạch 2 năm”.

Tre măng Bát Độ là cây trồng đem lại thu nhập khá giúp nông dân thoát nghèo.

Tập trung chỉ đạo xây dựng, củng cố mô hình; đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường các dịch vụ hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, Trấn Yên đã thành công. Vùng tre măng Bát Độ nay đã có tổng diện tích trên 2.000ha, trong đó, gần 1.800ha trong giai đoạn kinh doanh.

Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã đi vào cuộc sống và đem lại khá, giàu, no ấm cho người dân. Phương thức sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường được hình thành và củng cố ở những xã vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số vốn rất khó khăn của huyện.
 
Dâu xanh "kéo" kén ra tiền

Chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm đã cụ thể hóa trong nghị quyết của Đảng bộ Trấn Yên và đi vào cuộc sống. Việt Thành là xã đầu tiên được Đảng bộ chỉ đạo đưa cây dâu tằm vào trồng và tới nay diện tích dâu tằm đã lên trên 60ha. Ông Trần Mạnh Tiến - một trong những nông dân đầu tiên trồng dâu nay đã trở thành một trong những hộ khá giàu hồ hởi nói: “Khá lên là nhờ dâu tằm chứ trông vào mấy đám màu cấy chung chiêng đất bãi thì khó khăn lắm. Vụ này cả xã thu khoảng 100 tấn kén, thu khoảng từ 12 - 13 tỷ đồng”.

Vùng dâu tằm của Trấn Yên không chỉ có Việt Thành, hiện giờ phát triển ra 7 xã. Tân Đồng là một trong những xã trong vùng dâu của huyện. Toàn xã hiện có gần 200 hộ trồng dâu nuôi tằm.

Ông Phí Văn Chí - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tân Đồng đã chuyển 16ha ruộng kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Tổng diện tích dâu hiện nay đã tăng lên 95ha. Tính ra, 1 sào dâu nuôi tằm cho thu về gần 12 triệu đồng, gấp từ 3 - 4 lần trồng lúa; quy héc-ta, 1ha cho thu về trên 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí)”.

Trồng dâu, nuôi tằm không nhàn như làm lúa nhưng cho thu nhập cao nên nông dân rất tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế biến. Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã Việt Thành đánh giá: “Liên kết giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm, giữa hộ nuôi tằm với cơ sở chế biến đã hình thành, củng cố, ngày càng chặt chẽ; sản phẩm kén tằm được tiêu thụ ổn định, hình hành các nhóm hộ, tổ hợp tác trong nuôi tằm và chế biến kén”.

Vùng dâu Trấn Yên hôm nay ngày càng có nhiều nông dân trồng dâu nuôi tằm thu về cả trăm triệu đồng/năm, mức thu mà dân trồng lúa, ngô, khoai sành sỏi khi xưa nằm mơ cũng chẳng nghĩ tới: Hộ bà Nguyễn Thị Giảng ở thôn 4, xã Tân Đồng trồng 1 ha dâu, thu về 314 triệu đồng, lãi 170 triệu đồng; hộ ông Bùi Đức Toàn ở thôn 10, xã Việt Thành trồng 0,54ha dâu, thu 120 triệu đồng, lãi 60 triệu đồng; hộ bà Nguyễn Thị Thịnh ở thôn 8 xã Việt Thành trồng 0,36ha dâu, thu 161 triệu đồng, trừ chi phí lãi 94 triệu đồng.

Thông tin thêm: Năm 2014, Trấn Yên có 202ha dâu tằm, sản lượng kén tằm 184 tấn, giá trị thu nhập từ nuôi tằm, bán kén của nông dân đạt gần 20 tỷ đồng. 

Cam, chanh - dân thu tiền tỷ

Trấn Yên chưa phải là vùng cây ăn quả trọng điểm của Yên Bái nhưng những kết quả bước đầu về phát triển vùng cây ăn quả có múi, giá trị kinh tế cao có thể coi là một điểm nhấn tích cực. Từ chỗ trồng rải rác, Trấn Yên đã phát triển diện tích cây ăn quả lên 400ha, trong đó có 100ha cây ăn quả có múi, tập trung ở xã Hưng Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca, Việt Cường.

Hưng Thịnh là xã điển hình, toàn xã có trên 90 hộ trồng cam sành, cam Đường canh, quýt sen, bưởi Diễn, chanh tứ thời. Gia đình anh Lê Minh Hiến ở thôn Yên Bình đã chuyển đổi diện tích trồng chè giống cũ, năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Sự say mê, tìm tòi của nông dân với ý chí thoát nghèo thôi thúc những người tiên phong nhất đưa cây trồng mới về Hưng Thịnh. Anh cho biết: “Đất đồi nhà có 3,5ha, trước đây trồng chè, thu nhập rất thấp, lại bấp bênh. Qua đọc báo Đảng, nghe nghị quyết, tôi đã lấy giống cam sành ở Văn Chấn về trồng chục gốc. Cam phát triển rất tốt, mấy năm nay, tôi mở rộng diện tích lên 2ha, trồng cam sành, cam Đường canh, bưởi Diễn. Năm 2014, tổng thu nhập của gia đình là 500 triệu đồng, riêng thu từ cam, bưởi gần 300 triệu đồng”.

Thôn Yên Bình còn có hộ ông Phan Văn Toàn trồng trên 4ha cam Đường canh, chanh “tứ thời”, bưởi Diễn. Năm ngoái, thu nhập từ cây ăn quả của gia đình gần 500 triệu đồng. Hiện nay, tổng diện tích cam, chanh, bưởi cho thu hoạch của xã Hưng Thịnh là 50ha. Năm 2014, sản lượng quả thu hoạch gần 1.000 tấn, bà con thu về trên 14 tỷ đồng.

Ở xã Hồng Ca, một xã đông đồng bào dân tộc, nhiều khó khăn của Trấn Yên, những năm gần đây cũng đưa cây ăn quả có múi như cam, chanh vào trồng. Ông Lương Đình Khương ở thôn Nam Hồng là một điển hình. Ông đã trồng 9,4ha cây ăn quả các loại, chủ yếu là cam sành; trong đó, 0,4ha đã cho thu hoạch, 9ha đang giai đoạn kiến thiết cơ bản. Năm 2014, thu nhập từ cam đã đạt 100 triệu đồng.

Phát triển cây ăn quả có múi ở Trấn Yên đã có những kết quả bước đầu rất tích cực. Những kết quả này, mở ra một hướng phát triển mới ở chính những nơi còn nhiều khó khăn, đã từng lúng túng trong việc tìm tòi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng sao cho hiệu quả. Nếu coi đó là một đột phá thì đột phá này bắt nguồn từ sự chỉ đạo của cấp ủy; quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và hăng hái, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu của người dân.

Tuấn Anh

Các tin khác
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 28/2/1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu." Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được.

Các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm khu di tích lịch sử Tân Trào.

Những ngày tháng 5 này khi được về mảnh đất Tân Trào, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc, nhiều người đã không khỏi xúc động.

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Có một con đường ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959), đó chính là đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường huyền thoại ấy, hàng vạn người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục