Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đồng chủ trì phiên thảo luận
- Cập nhật: Thứ năm, 3/9/2015 | 7:43:58 AM
Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh các Chủ tịch Quốc hội lần thứ 4, rạng sáng 2-9 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự và đồng chủ trì phiên thảo luận chuyên đề “Lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững trong quá trình thông qua ngân sách: Vượt qua các định kiến; vai trò của Nghị viện trong giám sát ở cấp quốc gia và toàn cầu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị.
|
Đồng chủ trì phiên thảo luận có Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Saber Chowdhury và một số lãnh đạo các tổ chức quốc tế và nghị viện một số quốc gia trên thế giới.
Tại phiên thảo luận, các nghị sĩ đại diện cho các nghị viện trên thế giới bàn thảo về việc các nghị sĩ thuộc các đảng phái khác nhau phối hợp như thế nào để xây dựng các chính sách ủng hộ việc biến các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) thành mục tiêu quốc gia và sự tham gia của người dân vào quá trình này. Các ý kiến cho rằng, là đại diện của người dân, các nghị sĩ cần quan tâm đến việc bảo vệ lợi ích công và theo đuổi sự thịnh vượng chung; tập trung xây dựng đồng thuận đối với các giải pháp thực tiễn. Đây chính là nguyên tắc để đảm bảo cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm là trách nhiệm chung của nghị viện, cũng như của mỗi nghị sĩ theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội - văn kiện chung của Đại hội đồng IPU-132 tại Việt Nam tháng 3-2015.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Việt Nam đã giải quyết thành công, hoàn tất việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang tích cực giải quyết vấn đề bình đẳng giới, khoảng cách giàu nghèo, an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chủ trương, chính sách đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn, giảm nghèo đa chiều một cách đồng bộ. Để thực hiện những mục tiêu phát triển, Việt Nam xác định lấy con người là nguồn lực trung tâm, lấy nội lực là trụ cột trong thực hiện mục tiêu phát triển. Song song với đó, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế để giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm dân chủ và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, thực hiện các SDGs là trách nhiệm của cả Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và cả hệ thống chính trị của mỗi quốc gia. Khẳng định quyết tâm của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn Quốc hội các quốc gia thành viên sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các mục tiêu phát triển bền vững đến tất cả mọi người dân, trên cơ sở đó, đề ra các chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.
Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ và Chủ tịch Quốc hội Mozambique.
Tiếp Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ, ngài Zandaakhuu Enkhbold, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ vui mừng trước sự phát triển của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Mông Cổ hơn 60 năm qua; khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn cùng Mông Cổ đưa quan hệ Việt Nam - Mông Cổ phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm với Mông Cổ để góp phần tổ chức thành công hội nghị này; đồng thời mong muốn Mông Cổ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trên các diễn đàn nghị viện quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ Zandaakhuu Enkhbold chúc mừng Việt Nam tổ chức thành công Đại hội đồng IPU-132 và bày tỏ hài lòng về những bước phát triển giữa hai nước, hai Quốc hội thời gian qua. Ngài Zandaakhuu Enkhbold khẳng định, Mông Cổ sẵn sàng hợp tác và thúc đẩy các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước, đồng thời mong muốn khởi động và thúc đẩy hợp tác đối tác chính trị ở khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam, trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế.
Tối 2-9 (giờ Việt Nam), bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ tư tại New York, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển.
Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin chúc mừng Quốc khánh Việt Nam và những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội đồng IPU 132. Ngài Urban Ahlin khẳng định, sẽ nỗ lực cùng với Quốc hội Việt Nam vun đắp cho mối quan hệ song phương, cũng như chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 69, ngài Sam Kahama Kutesa. Tại buổi tiếp, ngài Sam Kahama Kutesa đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu Thiên Niên kỷ của Việt Nam; mong muốn Quốc hội Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong phạm vi quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu.
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69
Theo đặc phái viên TTXVN, tối 2/9 theo giờ Việt Nam, bên lề Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ tư tại New York, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gặp Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 69.
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng vui mừng gặp lại Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển, Ngài Urban Ahlin (Ơ-bân A-lin) tại New York và cảm ơn sự hỗ trợ, đóng góp tích cực của Thụy Điển để Việt Nam tổ chức thành công sự kiện Đại hội đồng IPU 132 tại Hà Nội, tháng 3/2015 vừa qua. Chủ tịch Quốc hội mong muốn Quốc hội Thụy Điển tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và văn hóa, giáo dục; đồng thời tin tưởng, trên cơ sở mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, Việt Nam và Thụy Điển sẽ có những bước phát triển toàn diện, ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng mong muốn, trên cơ sở tình hữu nghị truyền thống, gắn bó, Thụy Điển sẽ làm cầu nối để Việt Nam tăng cường hợp tác với các nước Bắc Âu. Việt Nam cũng sẵn sàng làm cầu nối để Thụy Điển mở rộng quan hệ với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Quốc hội Thụy Điển thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, ứng cử vào Hội đồng Kinh tế Xã hội nhiệm kỳ 2016-2018.
Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin chúc mừng Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và những thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian qua, trong đó có việc tổ chức thành công Đại hội đồng IPU 132. Ngài Urban Ahlin khẳng định, sẽ nỗ lực cùng với Quốc hội Việt Nam vun đắp cho mối quan hệ song phương, cũng như chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và giám sát. Hai bên cần tiếp tục nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại cho tương xứng với tiềm năng của mỗi bên, đồng thời mong muốn hai bên thắt chặt quan hệ hợp tác trên các diễn đàn quốc tế, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước.
* Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tiếp Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 69, Ngài Sam Kahama Kutesa (Xam Ca-ha-ma Cu-tê-xa). Tại buổi tiếp, Ngài Sam Kahama Kutesa cho biết, tiến trình thương lượng xây dựng chương trình nghị sự phát triển sau 2015 và các mục tiêu phát triển bền vững đã kết thúc, hoàn tất văn bản cuối cùng để trình các nguyên thủ quốc gia thông qua vào tháng 9 tới. Hiện nay, các nước đang tích cực thúc đẩy thương lượng để chuẩn bị cho hội nghị về biến đổi khí hậu tại Paris vào tháng 12 tới với mục tiêu thông qua được thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu. Vừa qua, tại ADDIS ABABA, các nước thành viên Liên hợp quốc cũng đã đạt được thỏa thuận quan trọng về tài chính cho phát triển.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Sam Kahama Kutesa đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam, cũng như kết quả thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam; mong muốn Quốc hội Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho các hoạt đông, chương trình của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trong phạm vi quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu.
(Theo SGGP - Dangcongsan.vn)
Các tin khác
Cảm nhận của một chứng nhân: Jean Sainteny - Cao uỷ Pháp tại Việt Nam từ năm 1946 đến 1962; con rể toàn quyền Albert Sarraut.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài phát biểu xúc động khai mạc lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015), Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhận được điện mừng của các vị lãnh đạo các nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, Liên bang Nga.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn nhân dân Hà Nội và nhiều chính khách, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công - nông đầu tiên ở Châu Á.