Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập
- Cập nhật: Thứ năm, 17/12/2015 | 9:35:12 AM
YBĐT - Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 180/180 xã, phường của tỉnh Yên Bái đã xây dựng hội khuyến học cơ sở; toàn tỉnh có 2.678 chi hội, ban khuyến học,
Đồng chí Phạm Duy Cường - Bí thư Tỉnh ủy trao phần thưởng cho các em học sinh đạt giải cao tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia 2015.
|
Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thấm nhuần điều đó, những năm qua, thực hiện chính sách ưu tiên đặc biệt của Đảng, Nhà nước với sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn tích cực thi đua làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần to lớn vào sự nghiệp “trồng người”.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2010 - 2015, hội khuyến học (HKH) các cấp không ngừng củng cố, phát triển. Đến nay, 9/9 huyện, thị, thành phố, 180/180 xã, phường đã xây dựng HKH cơ sở; toàn tỉnh có 2.678 chi hội, ban khuyến học, trong đó có 1.119 ban khuyến học, với trên 3.000 người tham gia công tác HKH các cấp; 9/9 huyện, thị, thành phố đều có cán bộ chuyên trách thường trực công tác khuyến học. Với sự vững mạnh của HKH đã thu hút đông đảo hội viên với 132.249 người, đạt 16,9% dân số toàn tỉnh.
Phong trào khuyến học, khuyến tài trong nhà trường đã vận động hàng ngàn học sinh bỏ học ra lớp, chống bỏ học; khen thưởng hàng chục ngàn lượt học sinh có thành tích trong học tập, học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi các môn văn hoá, năng khiếu của địa phương, quốc gia, quốc tế; trao hàng chục ngàn học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; khen thưởng, động viên, tặng quà cho hàng trăm giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, tích cực tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Hàng trăm thầy, cô giáo nhận "đỡ đầu” học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại nhà trường, nên có nhiều học sinh được giúp đỡ trong các trường học. Các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể nhận “đỡ đầu”, kết nghĩa các trường học, cán bộ, đảng viên nhận “đỡ đầu” học sinh mồ côi cha, mẹ...
Phong trào xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học có sức lan tỏa rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 15.915 gia đình đạt tiêu chí "Gia đình hiếu học"; 350 dòng họ đạt tiêu chí "Dòng họ hiếu học", trong đó có 48 dòng họ tiêu biểu được khen thưởng, biểu dương ở Đại hội Thi đua Khuyến học toàn quốc, Đại hội Thi đua Khuyến học tỉnh.
Qua phát động của HKH các cấp ở tỉnh Yên Bái, hàng chục doanh nghiệp ủng hộ cho sự nghiệp giáo dục vùng cao khó khăn. Nhiều cá nhân hiến đất làm trường từ vài chục m2 đến hàng ngàn m2 trong phong trào "Xây trường học cho con em..." Nhiều chương trình quyên góp ủng hộ, chương trình tiết kiệm xây dựng quỹ khuyến học trong toàn tỉnh, được người dân nhiệt tình hưởng ứng và đã “biến tiền đồng thành tiền tỷ” trong dân đầu tư cho con em học tập.
Nhân dân các dân tộc Yên Bái vốn có truyền thống hiếu học, khuyến học, khuyến tài. Truyền thống đó, nay được Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và HKH Việt Nam quan tâm bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cho công tác khuyến học. Sự quan tâm ngày càng nhiều của các cấp, ngành và nhân dân đối với sự nghiệp GD và ĐT, nâng cao dân trí là cơ sở thuận lợi để các cấp HKH liên kết các lực lượng tham gia xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó, không thể không kể đến đội ngũ cán bộ khuyến học từ tỉnh đến các cơ sở rất tâm huyết, nhiệt tình khắc phục mọi khó khăn đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp "trồng người".
Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của UBND tỉnh cho học sinh đạt giải tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Á.
Với những nỗ lực không ngừng trong 5 năm qua, HKH tỉnh đã tạo được uy tín và lòng tin đối với xã hội. Công tác phối hợp lãnh đạo, bám sát cơ sở của HKH tỉnh để xây dựng tổ chức HKH và phong trào tại cơ sở, địa bàn dân cư luôn được đánh gia cao, vai trò của đảng viên trong công tác HKH được phát huy.
Để làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp HKH cần đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động với một số nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Chính phủ và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phong trào học tập suốt đời, để cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ, công chức, viên chức, hội viên HKH và người lao động tiếp tục chuyển biến nhận thức và hành động, hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hai là, tiếp tục nhân rộng và nâng cao chất lượng các mô hình: “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”; “Học bổng khuyến tài”... góp phần tích cực hơn nữa trong đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cụm dân cư học tập trong các cộng đồng để phong trào khuyến học trở thành nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng, xã văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện đại. Các phong trào này phải gắn kết chặt chẽ giữa gia đình nhà trường với xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường, từng bước xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, cần lưu ý phát hiện các năng khiếu, tài năng trong thế hệ trẻ để có kế hoạch bồi dưỡng nhân tài, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước, quê hương.
Bốn là, tập trung xây dựng và phát triển mạnh mẽ quỹ khuyến học ở các cấp hội, nhằm giúp đỡ nhiều hơn đến đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, không may mắn, tật nguyền để các em tham gia học tập. Kịp thời khen thưởng các em học sinh giỏi, động viên các em học sinh đi học nghề, khuyến khích hỗ trợ mọi người học tập thường xuyên và chăm sóc các tài năng trẻ.
Năm là, củng cố xây dựng tổ chức HKH ngày càng vững mạnh, nhất là ở cơ sở, chi hội trường học, các doanh nghiệp, các cơ quan, ban khuyến học dòng họ… Thu hút đông đảo nhân dân tham gia; đổi mới nội dung phương thức hoạt động; làm tốt vai trò nòng cốt liên kết với các tổ chức, các lực lượng xã hội tham gia khuyến học, khuyến tài, khơi dậy truyền thống hiếu học trong nhân dân; xây dựng xã hội học tập. Nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn; quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cơ sở để các hội viên phát huy trí tuệ, tâm huyết, sức lực cho hoạt động của HKH.
Tin tưởng rằng, từ những chủ trương, đường lối giáo dục và những định hướng chiến lược cho công tác khuyến học, khuyến tài của Đảng, Nhà nước và của HKH Việt Nam, của tỉnh Yên Bái, sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của tỉnh ngày càng phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bỗi dưỡng nhân tài của đất nước, của tỉnh đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Nông Thụy Sỹ - Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh
Các tin khác
Chiều 16-12, Bộ Tài nguyên-Môi trường đã tổ chức họp báo công bố kết quả hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vừa diễn ra tại Paris, Pháp.
YBĐT - Sáng 16/12, tại Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học tỉnh, Trường Chính trị tỉnh tổ chức lễ bế giảng lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính hệ vừa làm vừa học khóa 81 (năm học 2014 - 2015).
YBĐT - Trong ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng, báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Báo Yên Bái trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
YBĐT - Trước kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại hơn 20 điểm với gần 680 cử tri tham dự. Có trên 60 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp.