Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam:

Dấu ấn phiên trả lời chất vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quốc hội khóa I

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/12/2015 | 2:17:36 PM

Chất vấn giờ đây đã trở thành điểm nổi bật trong hoạt động Quốc hội. Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, hoạt động này đã được khai sinh ngay từ Quốc hội khóa đầu tiên, tại kỳ họp thứ hai. Ngày đó, trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Quốc hội còn “thanh niên” nhưng như Bác Hồ nhận xét: “Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn”.

Quốc hội khóa I họp tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu.
Quốc hội khóa I họp tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Phiên chất vấn đầu tiên diễn ra vào Kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khóa I, khai mạc ngày 23-10 và kéo dài cho đến 9-11-1946. Trước Nhà hát Lớn, Hà Nội, nhân dân tụ họp khá đông để theo dõi buổi họp Quốc hội qua máy phát thanh. Tham dự kỳ họp còn có cả quan khách ngoại quốc như lãnh sự Anh, Mỹ, Trung Hoa, Thụy Sĩ, các phóng viên của Mỹ, Pháp, Anh...

Ngày 31-10, người dân đến dự thính buổi họp Quốc hội chật kín hai tầng gác Nhà Hát Lớn để chứng kiến một cảnh tượng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: Các đại biểu của nhân dân đứng lên chất vấn các Bộ trưởng, đặc biệt là chờ đợi Hồ Chủ tịch trả lời chất vấn.

Ngày hôm đó, Hồ Chủ tịch bước lên diễn đàn, Người nói: “Sáng nay, Chính phủ nhận được 62 câu hỏi. Nửa tiếng đồng hồ lại nhận thêm được 26 câu hỏi nữa. Tất cả 88 câu. Chính phủ trước hết xin cảm ơn Quốc hội vì đã tỏ rõ Quốc hội hết sức quan tâm về các vấn đề của quốc gia và sự chất vấn này có thể biểu lộ được rõ ràng tinh thần dân chủ thật thà của nước Việt Nam...”. Hồ Chủ tịch trả lời một số câu hỏi: “Về ông Phó Chủ tịch Nguyễn Hải Thần, ông nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Tường Tam và ông nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy hội Vũ Hồng Khanh, các ông ấy bây giờ không có mặt ở đây. Lúc nước nhà đang gặp khó khăn, quốc dân tin ở người nào mới trao cho người ấy công việc lớn. Thế mà các ông ấy lại bỏ đi thì các ông ấy phải tự hỏi lương tâm thế nào”.

Sau đó, Hồ Chủ tịch trả lời một số câu hỏi chất vấn về đường lối ngoại giao của Chính phủ. Trả lời xong, trước khi bước xuống, Người nói với toàn thể Quốc hội: “Nếu trong Chính phủ, có những người khác lầm lỡ thì lỗi ấy tôi xin chịu, xin gánh và xin lỗi đồng bào”. Tiếng vỗ tay vang dội cho đến khi Người về chỗ ngồi.


Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu được công nhận tại Kỳ họp thứ nhất, quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946.  Ảnh tư liệu

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, ngay tại phiên chất vấn đầu tiên này, người đứng đầu Chính phủ đã trả lời các câu hỏi của đại biểu. Biên bản kỳ họp cho biết danh sách những người chất vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm các đại biểu: Trần Đình Tri (thuộc nhóm xã hội), Lê Huy Vân (Trung lập), Khuất Duy Tiến (Mácxít), Nguyễn Đình Thi (Việt Minh), Nguyễn Sơn Hà (công thương), Trần Huy Liệu (Mácxít), Huỳnh Văn Tiểng (Dân chủ), Xuân Thuỷ (Việt Minh) và Nguyễn Văn Tạo (Mácxít).

Nhận xét chung về những vấn đề các đại biểu chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Chính phủ hiện thời mới thành lập được hơn một năm, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn 8 tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập tới tất cả những vấn đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập?”.

Trả lời câu hỏi vì sao Chính phủ lại đem vấn đề thay đổi Quốc kỳ ra bàn, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ: “Chính phủ không bao giờ dám thay đổi Quốc kỳ, chỉ vì một vài người trong Chính phủ (đại biểu Việt Quốc, Việt Cách) đề nghị việc ấy lên, nên Chính phủ phải để qua Ban Thường trực Quốc hội xem xét. Tình thế từ ngày ấy đến giờ biến chuyển nhiều, lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm bao nhiêu máu chiến sĩ Việt Nam ở Nam bộ và Nam Trung bộ, đã đi từ Âu sang Á, tới đâu cũng được chào kính cẩn. Bây giờ trừ khi cả 25 triệu đồng bào, còn ra không ai có quyền gì mà thay đổi nó”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I khai mạc tại Nhà hát Lớn, Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Về chất vấn của đại biểu Trần Huy Liệu cho rằng: “Tạm ước 14/9 là bất bình đẳng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh (người ký với Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại) cho rằng: “Chính phủ không dám nhận như thế. Với bản Tạm ước ấy mỗi bên nhân nhượng một ít, ta bảo đảm những quyền lợi kinh tế và văn hoá ở đây thì Pháp cũng phải thi hành tự do dân chủ ở Nam bộ, thả các nhà ái quốc bị bắt bớ. Còn nói Pháp không thành thật thi hành Tạm ước thì ta vơ đũa cả nắm. Pháp cũng có người tốt, người xấu. Tôi có thể nói quyết rằng nhân dân Pháp bây giờ đại đa số tán thành ta độc lập và thống nhất...”.

Về vấn đề “Chính phủ liêm khiết”, người đứng đầu Chính phủ trả lời: “Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đương trị và sẽ trị cho kỳ hết”. Sau phần chất vấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ từ chức để trao quyền cho Quốc hội bầu ra Chính phủ mới.

Khi được Quốc hội tín nhiệm bầu lại một lần nữa để đứng ra lập Chính phủ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một bài phát biểu rất sâu sắc, trong đó nhận định: “Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ tham quyền cố vị, mong được thăng quan phát tài. Chính phủ sau đây phải là một Chính phủ toàn dân đoàn kết và tập hợp nhân tài không đảng phái. Tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân, trước thế giới, tôi chỉ có một đảng: Đảng Việt Nam...”.


Nhân dân bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I. Ảnh tư liệu

Theo lịch sử Quốc hội, hai phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I đều nóng bỏng, căng thẳng. Phiên họp thứ nhất đứng trước nguy cơ bị tẩy chay, còn phiên họp thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời chất vấn. Lúc đó, để chuẩn bị về nội dung, địa điểm và thời gian cho kỳ họp đầu tiên, nhiều cuộc họp liên tịch đã được tiến hành từ hạ tuần tháng 2-1946 giữa một bên là đại biểu của Chính phủ và các đoàn thể trong Mặt trận Việt Minh, một bên là đại biểu của Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội.

Theo sự thỏa thuận giữa hai bên thì Quốc hội sẽ bắt đầu họp vào 7h sáng ngày 3-3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và sau đó tiếp tục họp tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh). Chính phủ đã căn cứ vào sự thỏa thuận đó mà báo tin cho các đại biểu biết và gửi giấy mời phóng viên báo chí trong nước, nước ngoài tham dự buổi họp khai mạc. Nhưng đột nhiên chiều 1-3 ở nhiều nơi tại Hà Nội xuất hiện truyền đơn do Nguyễn Hải Thần ký tên kêu gọi nhân dân “tẩy chay Quốc hội”.

Hành động này bộc lộ ý đồ phá hoại kỳ họp. Để đề phòng, ngay tối hôm đó, Chính phủ đã báo tin cho các đại biểu biết là Quốc hội sẽ khai mạc vào 7h sáng 2-3 (trước ngày đã định một ngày) tại Nhà hát Lớn Hà Nội và đề nghị các đại biểu chỉ có mặt đúng giờ rồi đi thẳng vào phòng họp mà không tập trung trước cửa Nhà hát Lớn. Theo đúng ngày giờ quy định, các đại biểu đã đến họp trước sự bất ngờ của bọn phá hoại và những bộ mặt ngơ ngác của bọn Tưởng Giới Thạch đang tuần tiễu trên các ngả đường xung quanh Nhà hát Lớn.

Toàn cảnh kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2-3-1946 (Ảnh tư liệu)

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: Tinh thần dân chủ, thẳng thắn và quyết liệt ngay tại chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội khóa I, đó là tấm gương để các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo học tập. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội nước ta cũng đã có nhiều đổi mới trong tổ chức hoạt động giám sát.

Đặc biệt, kỳ họp thứ 10 vừa qua chứng kiến những đổi mới trong hoạt động chất vấn với việc các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn toàn bộ các thành viên Chính phủ một cách tổng thể về cam kết của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ. Các đại biểu Quốc hội và đa số cử tri đánh giá: Chưa khi nào hoạt động của Quốc hội lại sôi nổi, ấn tượng như kỳ này với tinh thần dân chủ, dám nói thẳng, nói thật. Phiên chất vấn này không chỉ giúp cử tri thấy được những vấn đề bức xúc của đời sống xã hội mà còn kiểm nghiệm được trình độ của đại biểu Quốc hội cũng như các vị “tư lệnh ngành”.

(Theo CAND)

Các tin khác
Toàn cảnh họp báo.

Sáng 18/12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo, công bố các lệnh của Chủ tịch nước về 9 luật, 2 nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Quang cảnh kỳ họp.

YBĐT - Chiều ngày 17/12, HĐND thành phố Yên Bái khóa XIX tổ chức kỳ họp thứ 16 - kỳ họp cuối năm đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, xác định các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn cho năm 2016; thông qua 4 nghị quyết và các tờ trình của UBND thành phố về kéo dài thời gian thực hiện các đề án, dự án năm 2016.

YBĐT - Hưởng ứng phong trào thi đua do đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát động tại Hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, thay mặt UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành trong tỉnh, đồng chí Vũ Quang Hải – Chủ tịch UBND huyện Văn Yên đã có bài phát biểu hưởng ứng. Báo YBĐT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!

YBĐT - Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà – Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Báo YBĐT trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc toàn văn nội dung phát động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục