Kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và sáng kiến bầu cử dân chủ

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/1/2016 | 8:15:56 AM

YBĐT- Tổ chức một cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, đó là điều đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực hiện được ngay giữa lúc đất nước mới thoát khỏi ách nô lệ.

Hàng vạn nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội (5-1-1946). (Ảnh: Tư liệu)
Hàng vạn nhân dân Hà Nội đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội (5-1-1946). (Ảnh: Tư liệu)

Để đảm bảo tính chất của một Nhà nước dân chủ kiểu mới, chỉ một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, khi đề ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”.

Đó là điều đặc sắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thực hiện được ngay giữa lúc đất nước mới thoát khỏi ách nô lệ, lại gặp muôn vàn khó khăn, đại bộ phận nhân dân còn chưa biết chữ, thù trong giặc ngoài bao vây, âm mưu hòng bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ, nhưng chúng ta đã thắng. Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội. Sắc lệnh này là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên về bầu cử, ghi nhận quyền chính trị cơ bản, tiến bộ của công dân một nước độc lập.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà nước của dân là nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình, mà trước hết là nhân dân bầu ra Nhà nước, bầu ra chính quyền các cấp. Quốc hội Việt Nam được thành lập qua Tổng tuyển cử đầu tiên, một nhà nước hợp pháp ra đời, có tư cách và vị trí của nó trên trường quốc tế, còn ở trong nước thì hoạt động có danh nghĩa, có hiệu lực và hiệu quả hơn một Chính phủ lâm thời.

Chính sách bầu cử, ứng cử là vấn đề cốt tử của tính hợp hiến trong việc hình thành bộ máy Nhà nước, tự do hay hạn chế, bình đẳng hay phân biệt, giả hay thật, áp đặt hay tự do lựa chọn, cũng là chuẩn mực của việc xem xét một bộ máy chính quyền thật sự của dân hay không. Về ý nghĩa Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”.

Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử; hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử (…). Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(2). Mặc dầu thời điểm lúc đó đất nước còn ngổn ngang những khó khăn, quân đội Pháp tấn công các tỉnh phía Nam; quân đội Tưởng Giới Thạch hoạt động ráo riết và chiếm được một số địa phương ở phía Bắc; giăc đói, giặc dốt hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vẫn tiến hành một giải pháp tài tình mà chỉ trong tình hình bình thường mới có thể thực hiện được. Người đã để lại ý tưởng về một Quốc hội của toàn thể dân tộc Việt  Nam, khi Người kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu: Dù ở trong Quốc hội hay ngoài Quốc hội ai cũng phải ra sức giúp nước, “… Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng (…). Ở trong hay ngoài Quốc hội, mình cứ ra sức giúp ích cho nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, lần sau quốc dân cử ta”.

Trong thể lệ Tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống…”. Lúc ấy có một số người tỏ vẻ băn khoăn là số đông công dân còn chưa biết chữ thì bầu cử như thế nào? Chủ tịch Hồ Chí Minh đả thông, đại ý như sau: Dân ta thiết tha với độc lập, tự do, lại giàu thông minh, để phân biệt được kẻ hay, người dở. Còn việc bầu được đúng người mình chọn, thì chẳng cần đến chữ nghĩa. Có nhiều cách bỏ phiếu. Thể lệ bầu cử do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra thật sự là một thể lệ bầu cử dân chủ nhất lúc bấy giờ, không chỉ so với các nước Đông Nam Á, mà còn so với cả các nước phương Tây.

Trong câu chuyện kể về nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, bà Ngô Thị Huệ - Phu nhân của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (một trong chín nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên, hiện nay đã 98 tuổi), tâm trí bà đến tận bấy giờ, sau 70 năm, vẫn khắc ghi hình ảnh những người mẹ, người chị buôn thúng bán bưng truyền cho nhau đọc những mảnh giấy gói hàng, những miếng lá chuối khô trên đó ghi nguệch ngoạc mấy chữ Ngô Thị Huệ để vận động bỏ phiếu cho bà, một người dám dấn thân vì dân, vì nước.

Trong điều kiện vận nước hiểm nghèo, “ngàn cân treo sợi tóc”, để đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị bổ sung 70 ghế đại biểu Quốc hội cho Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng đồng chí hội (Việt Cách), nhằm cô lập, phân hóa các lực lượng chống đối, và lôi cuốn cả những người trong bộ máy nhà nước cũ vào tham gia xây dựng đất nước, đưa họ vào Quốc hội đầu tiên ở nước ta. Đó là sáng kiến to lớn về một Nhà nước của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, một mẫu mực tuyệt vời về sách lược và quốc sách đại đoàn kết, thể hiện một tấm lòng rộng mở, sự đại lượng bao dung của cách mạng, tuy những năm tháng đó Việt Nam Quốc dân Đảng và Việt Nam Cách mạng đồng chí hội vẫn chống đối quyết liệt chính quyền non trẻ của chúng ta trên một số tỉnh ở phía Bắc.

Mặc dù đế quốc Pháp và các thế lực phản động ra sức phá hoại, nhưng cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 vẫn được nhân dân cả nước nhiệt liệt hưởng ứng, tỷ lệ đi bầu cử ở các địa phương vẫn đạt từ 65% đến 95% và đã bầu ra được 333 đại biểu Quốc hội (Bắc bộ: 152, Trung bộ: 108, Nam bộ: 73). Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Cũng như các đại biểu khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh mang thẻ đại biểu số 305 mà lúc bấy giờ gọi là “giấy chứng minh”. Đúng 9 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Chính phủ liên hiệp lâm thời bước lên diễn đàn. Người đọc báo cáo trước Quốc hội: “Cuộc quốc dân đại hội này là lần đầu tiên trong lịch sử của nước Việt Nam ta. Đó là một kết quả của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, mà cuộc Tổng tuyển cử lại là cái kết quả của sự đoàn kết hy sinh tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối, hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc.

Được sự ủy nhiệm của Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trình bày trước Quốc hội về sự thành lập Chính phủ một ý tưởng thật mới mẻ: “Theo ý Quốc hội, Chính phủ mới phải tỏ rõ tinh thần đoàn kết, không phân biệt đảng phái. Sau khi Quốc hội ủy nhiệm cho tổ chức Chính phủ, tôi đã thăm dò ý kiến của nhiều bậc lão thành, đại biểu các đoàn thể, cùng nhân sĩ các giới...

Kết quả là có những vị tài năng nhận lời tham gia Chính phủ: như cụ Huỳnh, vì tuổi già sức yếu mà cố từ, nhưng tôi vì đại nghĩa mà lưu Cụ, Cụ cũng gắng ở lại. Lại có nhiều vị đứng ngoài sẵn sàng ra sức giúp đỡ: như cụ Bùi Bằng Đoàn, Phạm Bá Trực... Dầu ở trong hay ngoài Chính phủ, ai nấy đều hứa sẽ cố gắng làm việc, một lòng vì nước, vì dân...

Tôi có thể tuyên bố trước Quốc hội rằng, Chính phủ này tỏ rõ cái tinh thần quốc dân liên hiệp, là một Chính phủ chú trọng thực tế và sẽ nỗ lực làm việc, để tranh thủ quyền độc lập và thống nhất lãnh thổ cùng xây dựng một nước Việt Nam mới.

Chính phủ này là Chính phủ toàn quốc, có đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc tham gia”.

Đọc những lời này, càng thấy tấm lòng nhân ái, tầm nhìn rộng mở của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập đầu tiên chế độ Nhà nước chúng ta. Trải qua hơn 70 năm, từ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc bầu cử cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp đã trở thành định chế, nguyên tắc xây dựng Nhà nước ta.

(Theo SGGP)

Các tin khác
Các đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái bấm nút biểu quyết thông qua Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

YBĐT - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6/1/1946 - 6/1/2016), phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Dương Văn Thống - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái.

Cử tri Hà Nội bỏ phiếu ngày 6/1/1946. Ảnh tư liệu.

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên công dân của một nước Việt Nam độc lập được thực hiện quyền bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu, lập nên Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam.

YBĐT - Chiều 4/1, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức buổi gặp mặt thân mật 23 đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh và tương đương do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được nghỉ chế độ trong năm 2015.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhân chuyến công tác tại Yên Bái.

Sáng 4/1/2016, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm sát năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục