Bỏ phiếu bầu Đại tướng Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/4/2016 | 8:35:54 AM

Sáng nay, 2/4, Quốc hội sẽ bỏ phiếu bầu Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang vào chức vụ Chủ tịch nước. Ông Quang là nhân sự duy nhất được giới thiệu ứng cử vị trí Chủ tịch nước, thay cho Chủ tịch Trương Tấn Sang đã được Quốc hội miễn nhiệm 2 ngày trước.

(ảnh: Quochoi.vn)
(ảnh: Quochoi.vn)

Đại tướng - Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang là nhân sự duy nhất được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng thống nhất giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Chiều ngày 31/3, các đại biểu Quốc hội đã được dành thời gian để thảo luận tại mỗi đoàn về việc UB Thường vụ Quốc hội trình phương án nhân sự là Bộ trưởng Trần Đại Quang để bầu làm Chủ tịch nước mới. Theo chương trình làm việc của Quốc hội, đầu buổi sáng nay, UB Thường vụ Quốc hội báo cáo lại kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về dự kiến nhân sự này. Sau đó, Quốc hội tiếp tục thảo luận trước khi thông qua danh sách người ứng cử.

Tuy nhiên, khó có khả năng có nhân sự khác ngoài ông Trần Đại Quang đủ điều kiện ứng cử chức danh Chủ tịch nước vì theo quy định, Chủ tịch nước là một trong những lãnh đạo đứng đầu các cơ quan nhà nước phải là Uỷ viên Bộ chính trị mà trong Đảng chỉ duy nhất ông Quang được Trung ương thống nhất giới thiệu ứng cử.

Như vậy, nếu đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng tự ứng cử thì không đủ điều kiện để đưa vào danh sách bầu còn nếu đại biểu Quốc hội là Đảng viên được giới thiệu ứng cử thì cũng sẽ tự xin rút vì không được Đảng phân công ứng cử làm Chủ tịch nước.

Là ứng viên duy nhất cho chức vụ người đứng đầu nhà nước, chỉ cần đạt số “phiếu thuận” quá bán trên tổng số 494 đại biểu Quốc hội, Đại tướng Trần Đại Quang sẽ chính thức trở thành người kế nhiệm của Chủ tịch Trương Tấn Sang và là vị Chủ tịch nước thứ 2 mang quân hàm Đại tướng trong lịch sử Việt Nam. Tân Chủ tịch nước cũng sẽ trải qua nghi thức tuyên thệ nhậm chức, thực hiện lời thề trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân và với Hiến pháp tương tự như tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã làm 2 ngày trước.

Cùng với việc tân Chủ tịch nước ra mắt, nhiệm kỳ của Chủ tịch Trương Tấn Sang sẽ chính thức kết thúc vì lúc này Nghị quyết miễn nhiệm với ông Sang của Quốc hội cũng có hiệu lực thi hành.

Cũng trong buổi sáng nay, sau khi bầu được Chủ tịch nước mới, Quốc hội tiếp tục nghe tờ trình của UB Thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số thành viên UB Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm một số UB của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Dự kiến cuối giờ sáng ngày 20/5, Quốc hội bắt đầu tiến hành công tác nhân sự và sáng 22/5 sẽ hoàn thành công tác nhân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Anh hùng, Dũng sỹ diệt Mỹ trong Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tại Phủ Chủ tịch, ngày 28/2/1969.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu." Có thể nói, sự giản dị, gần gũi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới có được.

Các đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến thăm khu di tích lịch sử Tân Trào.

Những ngày tháng 5 này khi được về mảnh đất Tân Trào, nơi Bác Hồ đã ở và làm việc, nhiều người đã không khỏi xúc động.

Đoàn xe vượt Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

Có một con đường ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1959), đó chính là đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trên tuyến đường huyền thoại ấy, hàng vạn người đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục