Quản lý phát ngôn trên mạng xã hội là do cơ quan báo chí
- Cập nhật: Thứ ba, 5/4/2016 | 2:19:30 PM
Sáng 5-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Trẻ em (sửa đổi) và Luật Báo chí (sửa đổi).
Với 89,47% tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi).
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu về quy định cơ quan báo chí phải đăng, phát kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân là khó khả thi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng, quyền góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí là thuộc quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã được hiến định.
Báo chí là diễn đàn để công dân thực hiện quyền đó. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tính khả thi của luật, khoản 1 điều 12 dự thảo luật quy định cơ quan báo chí đăng, phát kiến nghị, phê bình của công dân phù hợp với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí đó chứ không phải đăng phát mọi kiến nghị, phê bình do công dân gửi đến.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định phóng viên, nhà báo không được sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền trái với tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là quyền tự do ngôn luận của công dân đã được hiến định nên không thể đưa nội dung này vào dự thảo luật. Trường hợp thấy cần thiết phải quản lý những hoạt động trên, cơ quan báo chí có thể quy định nội dung này tại quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đó.
Trước ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến và các vấn đề công dân nêu ra trên báo chí, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự luật đã quy định trách nhiệm và thời hạn cụ thể người đứng đầu cơ quan, tổ chức phải trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Ngoài ra, dự thảo quy định cả trường hợp quá thời hạn quy định mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trả lời kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân để ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức đối với kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân do báo chí chuyển đến. Hơn nữa, Luật Công chức cũng đã quy định cán bộ, công chức phải thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Do vậy, không cần thiết phải quy định thêm vào dự thảo.
Giải trình về ý kiến cho rằng Dự luật không nên để Chính phủ quy định hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước mà cần quy định nội dung này ngay tại luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Điều 38 Dự luật đã quy định về nguyên tắc chung của việc cung cấp thông tin cho báo chí mà các cơ quan hành chính nhà nước phải tuân thủ.
Ngoài ra, việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước còn có thêm nhiều nội dung như: Người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn; trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo trong việc đăng, phát nội dung phát ngôn; hoạt động phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, bất thường.
Mỗi nội dung này lại kèm theo quy trình, thủ tục liên quan. Thêm vào đó, hoạt động này còn đang trong quá trình nghiên cứu thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện. Do vậy, vẫn cần thiết để Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
Tuổi trẻ em vẫn là dưới 16
Với 89,88% tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Trẻ em.
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật trẻ em, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, cho biết, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến ĐB về phương án 1: trẻ em là người dưới 18 tuổi; phương án 2 trẻ em là người dưới 16 tuổi. Kết quả lấy phiếu cho thấy: có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số ĐB; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số ĐB.
Tiếp thu ý kiến đa số ĐB, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại luật hiện hành.
(Theo SGGP)
Các tin khác
Kết quả bỏ phiếu bầu 2 Phó Chủ tịch Quốc hội vừa được công bố. Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhận số phiếu tán thành rất cao...
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 4/4, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để bầu Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.
YBĐT - Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ Quân khu II triển khai nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Yên Bái năm 2016/ Yên Bái gặp mặt các doanh nghiệp đầu năm 2016/Khai mạc vòng I bảng A Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia PV GAS năm 2016...là những thông tin đáng chú ý.
Ngày 2-4 (giờ Việt Nam), các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh hạt nhân lần 4 tại Washington đã ra tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết ngăn chặn các loại vũ khí hạt nhân rơi vào tay khủng bố. Tuy nhiên, trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh, đây là một nguy cơ gia tăng thường trực.