Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/4/2016 | 9:19:42 AM

YBĐT - Cách đây 70 năm, ngày 3/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 58 về tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số với nhiệm vụ xem xét các vấn đề chính trị và hành chính thuộc về các dân tộc thiểu số trong nước và thắt chặt tình thân thiện giữa các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Chính phủ có Nghị định số 359 ngày 9/9/1946 quy định về nhiệm vụ và tổ chức của Nha Dân tộc thiểu số.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lãnh đạo tỉnh dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và lãnh đạo tỉnh dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái lần thứ II.

Trải qua 70 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, qua mỗi thời điểm lịch sử, công tác dân tộc có những nhiệm vụ trọng tâm khác nhau, nhưng đều có chức năng nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu với Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc, nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách dân tộc, tổ chức thực hiện công tác dân tộc để phục vụ công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, nhiệm vụ công tác dân tộc tiếp tục được khẳng định là lĩnh vực vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài; là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị với phương châm: “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”.

Là tỉnh miền núi, Yên Bái có nhiều đồng bào dân tộc cùng chung sống (chiếm xấp xỉ 54% dân số toàn tỉnh). Cùng với sự ra đời của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trong cả nước, cơ quan công tác dân tộc tỉnh Yên Bái cũng đồng thời được thành lập. Cụ thể, năm 1946, Ban Dân vận tỉnh được thành lập; ở các huyện, thị có tiểu ban dân tộc vận và tiểu ban vận động miền núi; từ 1951 đến 1961, thành lập Ban Dân tộc vận của tỉnh; từ 1961 - 1976, thành lập Tiểu ban Dân tộc vận từ tỉnh đến các huyện, thị; từ 1976 - 1981, công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận - Mặt trận của tỉnh. Từ  năm 1981 - 1991 công tác dân tộc nằm trong Ban Dân vận của tỉnh; từ năm 1991 đến tháng 7 năm 2000, thành lập Ban Dân vận - Dân tộc thuộc Tỉnh ủy.

Đồng thời với hệ thống tổ chức trên, về khối nhà nước có Ban Định canh - Định cư, Chi cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới có hệ thống từ trung ương đến địa phương thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Từ tháng 7/2000 - 2/2005, Ban Dân tộc miền núi được thành lập, là cơ quan chuyên môn ngang sở trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở đổi tên Chi cục Định canh Định cư và Vùng kinh tế mới. Từ tháng 3/2005 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục được kiện toàn trên cơ sở đổi tên Ban Dân tộc miền núi thành Ban Dân tộc để thống nhất với tên gọi từ trung ương và hình thành phòng dân tộc các huyện trên địa bàn toàn tỉnh.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, ở địa bàn của một tỉnh miền núi nhiều thành phần dân tộc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, các dân tộc tỉnh Yên Bái dưới sự lãnh đạo của Tỉnh  ủy, HĐND, UBND tỉnh, cơ quan công tác dân tộc đã phối kết hợp với các cấp, các ngành vận động nhân dân đoàn kết khắc phục khó khăn, phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện sáng tạo các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn ở địa phương, giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh từng bước ổn định, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

Trong 5 năm từ 2011 đến 2015, với tổng kinh phí trên 1.470 tỷ đồng đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình dự án, chính sách đầu tư phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chương trình 134 (nay là Quyết định 755), Chương trình 135 giai đoạn II và giai đoạn III về phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn; Chương trình 30a của Chính phủ; Chương trình xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số... Thông qua đó, đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của toàn tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc nói riêng.

Đến nay, vùng đồng bào dân tộc của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, khá toàn diện. Trong đó, tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 11%, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, cơ bản không còn tình trạng đói lưu niên ở vùng cao. Số hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm (riêng 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt trên 6%/năm). Hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 16,02% (theo tiêu chí nghèo giai đoạn 2011 - 2015) và còn 32,21% (theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020).

Nhân dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc qua các năm đều được bồi dưỡng, tiếp thu kinh nghiệm, kiến thức khoa học vận dụng vào sản xuất và đời sống, bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa: vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao trên 5.000 ha tại Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên; vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha tại Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; vùng sản xuất chè 9.000 ha tại Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên; vùng sắn cao sản 8.000 ha tại Văn Yên; vùng măng tre Bát độ trên 3.000 ha tại Trấn Yên; vùng quế trên 30.000 ha tại Văn Chấn, Văn Yên; vùng cây sơn tra tại Mù Cang Chải, Trạm Tấu...

Hình thành một số trang trại chăn nuôi đại gia súc bán chăn thả, chăn nuôi lợn, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp; hình thành một số làng nghề truyền thống: dệt thổ cẩm, rèn, mây tre đan; hình thành một số điểm du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng tâm linh. Các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư tăng thêm như các tuyến đường được mở mới đến thôn của các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa; các công trình thuỷ lợi, nhất là các công trình phúc lợi công cộng khác như: chợ, trường học, trạm y tế xã, điện, nước sạch... được chú trọng đầu tư và đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc. Văn hoá truyền thống tốt đẹp các dân tộc được bảo tồn và phát huy, phong tục tập quán lạc hậu giảm đáng kể.

Phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng, xã, gia đình văn hoá có nhiều tiến bộ. Đã thực hiện thành công cuộc vận động đồng bào Mông ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán từ năm 2012 đến nay. Các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã xây dựng được hương ước, qui ước thôn... 

Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ II năm 2014 từ tỉnh đến huyện đã kịp thời biểu dương những người có nhiều thành tích xuất sắc, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, động viên, khích lệ những truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, góp phần củng cố vững chắc thêm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền Nhà nước.

Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động và duy trì thường xuyên, đã giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phấn đấu vươn lên xoá đói giảm nghèo.

Đồng hành với sự đổi mới và phát triển của tỉnh, tổ chức cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Yên Bái đang từng bước được củng cố và phát triển, thực hiện tốt chức năng tham mưu với cấp ủy các cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn. Qua mỗi thời kỳ, mỗi nhiệm vụ cụ thể, đã đào tạo, bồi dưỡng, phát triển được một đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc có tâm huyết, trung thành tuyệt đối với đường lối của Đảng, Nhà nước, đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với mọi người dân.

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh họp triển khai các nhiệm vụ công tác. (Ảnh: Vũ Đồng)

Qua 70 năm xây dựng và phát triển, công tác dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt được nhiều kết quả và thành tích quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, vùng đồng bào dân tộc đang còn rất nhiều khó khăn, thách thức cần tiếp tục phải quan tâm. Do đó, trong thời gian tới, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc tỉnh Yên Bái tích cực tập trung tham mưu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, quán triệt đầy đủ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP; Quyết định 449/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc... Trên cơ sở đó, từng bước cụ thể hoá từng lĩnh vực bằng các chính sách cụ thể, kịp thời, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và phong tục tập quán ở mỗi địa phương.

Hai là, nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2015 - 2020; tham mưu quy hoạch, bố trí lại dân cư ở những nơi cần thiết, gắn quy hoạch dân cư, qui hoạch đất đai, phát triển kinh tế, xã hội với xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình mục tiêu, có chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc; quản lý và bố trí sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc miền núi; tham mưu thực hiện chủ trương “tăng mức cho vay, giảm mức cho không” đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, phát triển toàn diện văn hóa dân tộc thiểu số, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để giữ gìn, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, hủ tục lạc hậu.

Bốn là, tham mưu thực hiện tốt công tác quy họach, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thôn, giúp cán bộ cơ sở nâng cao trình độ quản lý hành chính và kinh tế để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nắm bắt tình hình ở cơ sở. Chủ động phối hợp các địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngày từ cơ sở; tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, thất thoát trong quá trình thực hiện các dự án, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Sáu là, tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành về công tác dân tộc. Tiếp tục quan tâm kiện toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; có chính sách ưu đãi thỏa đáng để thu hút, động viên đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Giàng A Câu - Phó trưởng ban Phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.

Sáng 27/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 10.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Trung tướng Dương Đức Hòa - Tư lệnh quân khu II.

YBĐT - Sáng 27/4, đoàn công tác của Quân khu II - Bộ Quốc phòng do Trung tướng Dương Đức Hoà - Tư lệnh Quân khu dẫn đầu đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.

Danh sách 19 Uỷ viên Bộ Chính trị ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIV tại 19 đơn vị bầu cử thuộc các vùng miền trên cả nước. Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước tại đây:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong chuyến thăm hữu nghị chính thức nước CHXHCN Việt Nam của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào Bounnhang Vorachith từ ngày 25-27/4, hai bên đã ra Tuyên bố chung.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục