Để thực hiện tốt Chỉ thị số 50 của Bộ Chính trị
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2016 | 10:11:32 AM
YBĐT- Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy Yên Bái quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Các tập thể, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng được nhận bằng khen của UBND tỉnh.
|
Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, ngày 18/3/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 18-CTr/TU nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Từ đó, tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức Đảng sẽ chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 50, đồng thời tiếp tục thực hiện có kết quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Trong đó, công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được xem là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị và phải kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong các cuộc họp thường kỳ.
Ngoài tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động và bảo đảm sự liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, điều động công chức có thời hạn tại một số vị trí nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, quản lý thị trường, thuế, tuần tra kiểm soát giao thông…
Đặc biệt, không để các trường hợp cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng tham gia cấp ủy, HĐND các cấp cũng như giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt các tổ chức trong hệ thống chính trị; tạm dừng việc giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với cán bộ, công chức đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật về PCTN; kịp thời kiểm tra, xác minh, kết luận, điều chuyển, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có chức vụ, quyền hạn có biểu hiện tham nhũng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của ủy ban kiểm tra các cấp trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Chương trình hành động số 18 của Tỉnh ủy còn quy định rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Theo đó, lấy kết quả công tác PCTN làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý hoặc có hành vi bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Tăng cường sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chủ động, tích cực chỉ đạo thực hiện các quy định, quy chế về quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Xây dựng, tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác PCTN giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với các cơ quan, tổ chức liên quan. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan nội chính với cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước để xem xét, lựa chọn, thống nhất những vụ việc được thanh tra, kiểm toán hàng năm mà có dấu hiệu tham nhũng, vi phạm về kinh tế để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Những vụ việc, vụ án có dấu hiệu tham nhũng thuộc diện cấp ủy theo dõi, chỉ đạo xử lý hoặc trong quá trình điều tra, xử lý gặp khó khăn, vướng mắc, kéo dài, còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng thì các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động trao đổi theo quy chế phối hợp, kịp thời báo cáo xin ý kiến thường trực cấp ủy về chủ trương, đường lối xử lý.
Để công tác đấu tranh PCTN đạt hiệu quả, cần tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng. Trước hết, tập trung giám sát hoạt động của các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng.
Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị về “Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân, vai trò của các cơ quan báo chí trong phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng.
Các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng phải xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ việc, vụ án tham nhũng với nguyên tắc: tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người thực hiện hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố và khi đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tăng cường thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
Chú trọng áp dụng biện pháp điều tra, tố tụng đặc biệt để kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời vi phạm trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; khắc phục tình trạng hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm nhưng chỉ xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế. Xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp PCTN.
Trong xử lý tham nhũng phải xác minh làm rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp phong tỏa tài sản do tham nhũng mà có ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thực hiện thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có. Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không tích cực thực hiện việc thu hồi hoặc có hành vi cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải chấp hành nghiêm chế độ báo cáo với ban thường vụ, thường trực cấp ủy theo quy định tại Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng.
Ban thường vụ, thường trực cấp ủy cần chủ động yêu cầu các cơ quan tiến hành tố tụng báo cáo các vụ án tham nhũng theo định kỳ hoặc đột xuất để cho chủ trương xử lý, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Nghiên cứu đổi mới chế độ mua tin phục vụ công tác PCTN cơ chế tiếp nhận, thu thập thông tin, xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng.
Bảo vệ an toàn, khen thưởng xứng đáng những tập thể, cá nhân dũng cảm tố cáo tham nhũng. Xử lý nghiêm mọi hành vi trù dập, trả thù người tố cáo tham nhũng hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, vu khống, hãm hại người khác.
Tiếp tục rà soát, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tham mưu cho cấp ủy, các cơ quan chuyên trách PCTN bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cấp ủy cấp huyện lập bộ phận giúp việc kiêm nhiệm do đồng chí bí thư cấp ủy là trưởng bộ phận để tham mưu cho ban thường vụ, thường trực cấp ủy về công tác nội chính và PCTN.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Hiện thực xã hội chứng minh, học thuyết Mác - Lê nin không hề “đổ vỡ” như luận điệu của các thế lực thù địch, phản động. Trái lại, dù lịch sử phải trải qua những khúc ngoặt, chủ nghĩa xã hội sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ rơi vào thoái trào nhưng học thuyết Mác nói riêng, hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung vẫn cho thấy sức sống mãnh liệt, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội (CNXH) càng được củng cố qua thực tiễn.
7 đoàn công tác sẽ tiến hành kiểm tra, giám sát tại 14 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Bắc Ninh, Tây Ninh, Hậu Giang, Bến Tre, Quảng Ngãi, Bình Phước, Quảng Nam, Phú Yên, Long An, Tiền Giang.
Các Mác (1818-1883), người sáng lập chủ nghĩa cộng sản khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử, lãnh tụ và người thầy của giai cấp công nhân thế giới. Ông là người suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của giai cấp vô sản.
YBĐT - Sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 21/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23, hợp nhất các lực lượng cảnh sát và liêm phóng thành “Việt Nam Công an vụ”. Thi hành Sắc lệnh số 23, ngày 18/4/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Nghị định số 121 quy định về tổ chức Việt Nam Công an vụ từ trung ương đến địa phương gồm 3 cấp.