Thủ tướng gặp Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2016 | 8:17:48 AM
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chia sẻ những khó khăn của Việt Nam do hậu quả của hạn hán, biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Chiều 26/5, nhân dịp thăm Nhật Bản và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Mie, Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với tổng thống Sri Lanka, tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), tổng thư ký tổ chức OECD và lãnh đạo tỉnh Aichi cùng lãnh đạo một số doanh nghiệp Nhật Bản.
Tại cuộc hội kiến với Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam cam kết tích cực tham gia vào các nỗ lực của LHQ vì một thế giới hòa bình và phát triển bền vững; tăng cường tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, phát huy vai trò thành viên tại các cơ quan LHQ như Hội đồng nhân quyền, Hội đồng kinh tế xã hội.
Tổng thư ký Ban Ki-moon đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam và cam kết LHQ luôn sẵn sàng hỗ trợ để Việt Nam có thể phát huy và nâng cao vai trò hơn nữa trong các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, hy vọng Việt Nam sẽ sớm cử thêm nữ sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ trong thời gian tới.
Chia sẻ những khó khăn của Việt Nam do hậu quả của hạn hán, biến đổi khí hậu, tổng thư ký LHQ thông báo đã bổ nhiệm đặc phái viên về vấn đề chống hạn hán để hỗ trợ các nước.
Về biển Đông, ông Ban nhắc lại lập trường nhất quán ủng hộ việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ông cũng bày tỏ mong muốn ASEAN và Trung Quốc hợp tác để thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và phát biểu tại cuộc Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề "Việt Nam hội nhập và phát triển".
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ "Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á" giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và là quốc gia có trình độ khoa học, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cung cấp ODA song phương lớn nhất, đầu tư trực tiếp lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia Hội nghị G7 mở rộng với tư cách khách mời. Diễn ra vào ngày 27/5 tại tỉnh Mie, Hội nghị gồm hai phiên, tập trung thảo luận về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, an ninh khu vực, thúc đẩy quyền phụ nữ, y tế, tăng cường hợp tác triển khai Chương trình nghị sự phát triển 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) và hợp tác với châu Phi.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Sáng 26/5, đồng chí Hà Hùng Cường - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng đoàn công tác của Bộ Tư pháp đã đến thăm và làm việc tại Yên Bái.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa ký Quyết định thành lập 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Lần đầu tiên G7 mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng cho thấy sự tin cậy của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama đã tiến hành chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam để kỷ niệm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước và thúc đẩy tầm nhìn chung về tương lai.