Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV​ xem xét một số nội dung quan trọng

  • Cập nhật: Thứ ba, 16/8/2016 | 4:42:00 PM

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần bồi thường, di dân tái định cư và cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu ý kiến.

Thống nhất ban hành Nghị quyết Dự án Hồ Tả Trạch

Dự án hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa thiên-Huế được phê duyệt gồm 2 hợp phần: Hợp phần công trình (Dự án Hồ Tả Trạch) và Hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư (Hợp phần đền bù).

Hợp phần đền bù được Thủ tướng cho phép Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên​-Huế chủ trì phê duyệt và tổ chức thực hiện. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt tại Quyết định số 2922/QĐ-UBND ngày 4/12/2001 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1485/QĐ-UBND ngày 13/6/2006 với tổng mức đầu tư là 143,024 tỷ đồng, được bố trí từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2002-2006 với 143 tỷ đồng.

Theo phương án đền bù được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt, tổng số vốn của dự án sử dụng để đền bù đất ở, đất nông nghiệp và tài sản trên đất; đối với đất lâm nghiệp, tỉnh có chủ trương "đất đổi đất" (dự kiến thu hồi đất lâm nghiệp của các lâm trường, các tổ chức để đền bù các hộ dân có đất rừng hợp pháp bị mất do triển khai dự án). Tuy nhiên, đến nay tỉnh mới cấp được 324,4ha/1342,8ha (báo cáo của UBND tỉnh).

Chủ trương "Đất đổi đất" không thực hiện được là do: quỹ đất lâm nghiệp ở các lâm trường, tổ chức có hạn. Vì vậy, nhân dân trong vùng tái định cư đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài. Số vốn cần bổ sung được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị là 77,415 tỷ đồng.

Để giải quyết những tồn tại, vướng mắc trên, Thủ tướng có văn bản số 784/VPCP-KTTH ngày 2 tháng 2 năm 2016 về xử lý vướng mắc công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án đầu tư xây dựng hồ Tả Trạch, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Theo đó, Thủ tướng đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 của dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù.

Về đề nghị sử dụng nguồn dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 của Dự án Hồ Tả Trạch cho hợp phần đền bù, tại Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 5 tháng 5 năm 2015 về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung 150 tỷ đồng cho dự án hồ Tả Trạch.

Trên cơ sở rà soát, xem xét cắt giảm nguồn vốn của một số hạng mục chưa thực sự cần thiết phải đầu tư ngay của dự án Hồ Tả Trạch để bố trí bổ sung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc về đền bù, giải phóng mặt bằng, sớm ổn định dân cư, đưa toàn bộ công trình vào sử dụng, phát huy hiệu quả dự án, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư (phần đền bù đất lâm nghiệp do địa phương quản lý) vào dự án Hồ Tả Trạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý; sử dụng 77 tỷ đồng trong 150 tỷ đồng dự phòng trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung cho dự án Hồ Tả Trạch theo Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 5​/5/2015 để đầu tư cho hợp phần đền bù đất lâm nghiệp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, việc Chính phủ đề xuất sử dụng một phần nguồn vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012-2015 cho Dự án để thực hiện hợp phần bồi thường, di dân tái định cư là chưa thực sự phù hợp, vì hợp phần đền bù của Dự án đã được bố trí đủ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho địa phương theo tổng mức đầu tư được phê duyệt.

Hạng mục đền bù của Dự án hồ Tả Trạch không phải là nhiệm vụ của hợp phần công trình nên không nằm trong danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt.

Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định cho phép bổ sung hạng mục đền bù (77,575 tỷ đồng) vào dự án hồ Tả Trạch khi chưa có ý kiến chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép bổ sung hạng mục này vào hợp phần công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là chưa thực hiện nghiêm các nguyên tắc, tiêu chí trong phân bổ, sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ.

Tuy nhiên, xuất phát từ thực tế, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy: Công trình hồ Tả Trạch đã được đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy được hiệu quả, việc không triển khai thực hiện được chủ trương “đất đổi đất,” kéo dài thời gian thực hiện hợp phần đền bù trong khi việc huy động các nguồn vốn khác để xử lý dứt điểm tồn tại này đã được địa phương tính đến, song tỉnh Thừa Thiên-Huế là địa phương chưa cân đối ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác của ngân sách Trung ương chưa thể bố trí ngay được, khiến đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số bị thu hồi đất nông nghiệp 10 năm nay gặp nhiều khó khăn, gây khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong nhân dân.

Trên cơ sở xem xét tình hình thực tế nêu trên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, để nhanh chóng hoàn thành hợp phần đền bù, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, hoàn thành toàn bộ Dự án, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận với đề xuất của Chính phủ cho phép bổ sung hạng mục đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư vào Dự án hồ Tả Trạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và được sử dụng 77 tỷ đồng trong số 150 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Dự án Hồ Tả Trạch để sớm hoàn thành việc đền bù đất lâm nghiệp nhằm xử lý dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm trong chuẩn bị đầu tư, xác định nội dung công việc của dự án, phương án đền bù, tái định cư, bổ sung hạng mục của dự án... sớm đưa Dự án vào hoạt động có hiệu quả, không để khiếu kiện xảy ra.

Qua thảo luận đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá dự án hồ Tả Trạch là dự án rất quan trọng, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên thời gian qua, trong hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư vẫn chưa xử lý được khoản đổi đất nông nghiệp cho dân dẫn tới khiếu kiện kéo dài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quan điểm không làm cho dân thiệt thòi khi thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội; chỉ đạo dùng các nguồn lực đền bù cho dân.

Chủ trì phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Để đảm bảo minh bạch và làm rõ trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định sẽ thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản của hồ Tả Trạch để bổ sung cho hợp phần đền bù, định canh định cư, giải quyết đất sản xuất và ổn định đời sống nhân dân vùng hồ Tả Trạch như Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc, không để xảy ra tình trạng như vừa rồi. Trên tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết với 2 nội dung: Một là quyết định thu hồi hơn 77 tỷ đồng từ hợp phần xây dựng cơ bản; hai là bổ sung cho hợp phần đền bù, định canh định cư, giải quyết đất sản xuất và ổn định đời sống nhân dân nhân dân vùng hồ Tả Trạch hơn 77 tỷ đồng.

Chưa cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Tờ trình của Chính phủ đã báo cáo rõ về tình hình giao và giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm 2016; nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2016 của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Chính phủ đề xuất: Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 5 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương. Một số bộ, ngành trung ương và địa phương đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân.

Việc giải ngân vốn chậm có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, không được giải ngân vốn nước ngoài theo tiến độ thực hiện, công tác xây dựng kế hoạch vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành trung ương và địa phương thực sự quan tâm...

Đối với các dự án đã giải ngân hết kế hoạch, nhưng chưa được bổ sung vốn, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, kéo dài thời gian hoàn thành, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả đầu tư, nhà thầu đang khiếu nại, đòi bồi thường về việc thanh toán chậm...

Ngoài ra, một số dự án kết thúc Hiệp định trong năm nay, nhà tài trợ không đồng ý cho kéo dài thời gian giải ngân sang năm sau (chấm dứt việc cấp vốn trong năm nay), sẽ không có đủ vốn để hoàn thành dự án do không thể cân đối được vốn trong nước để chi trả khối lượng còn lại của dự án; đồng thời ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các Hiệp định đã ký kết.

Từ các lý do nêu trên, yêu cầu việc điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án, giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương là rất cần thiết.

Tuy nhiên, việc điều hòa này phải có sự phối hợp, rà soát kỹ lưỡng giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương và thực hiện liên tục trong năm kế hoạch.

Hiện nay số vốn giải ngân quá chênh lệch, Chính phủ giao các bộ, ngành trung ương và địa phương rà soát xác định chính xác khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án trong năm 2016, nên Chính phủ chưa có căn cứ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương.

Để góp phần đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ, sớm đưa các dự án hoàn thành vào sử dụng, phát huy hiệu quả, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ: Chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016 Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án của các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016.

Nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016, nếu không giải ngân hết số vốn này sẽ rút vốn và kết thúc Hiệp định. Cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu sử dụng để bổ sung cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác.

Điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt; theo nguyên tắc giảm vốn đối với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, điều chuyển cho các dự án đã đạt mức giải ngân cao hoặc đã giải ngân hết kế hoạch, có nhu cầu bổ sung thêm vốn.

Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 vào Quý 2 năm 2017 theo số liệu giải ngân thực tế năm 2016 của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng Tờ trình của Chính phủ chưa có đầy đủ căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nên đề nghị cần có sự điều chỉnh lại; các vấn đề liên quan sẽ được xem xét tại phiên họp sau.

Theo chương trình, chiều 16/8, Phiên họp thứ Hai của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV sẽ bế mạc.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an trao Huân chương Chiến công hạng Nhì cho Công an tỉnh Yên Bái.

YBĐT – Sáng 16/8, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Công an tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (16/8/1946 – 16/8/2016) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 2, chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Công an xã.

Cán bộ Công an huyện phụ trách địa bàn và Ban Công an xã Yên Hưng triển khai nhiệm vụ bảo đảm ANTT trên địa bàn.

YBĐT - Hàng loạt các buổi họp thôn được tổ chức vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ để cảnh sát phụ trách xã hoặc thành viên Ban Công an xã tuyên truyền những vấn đề về ANTT, trong đó ưu tiên tuyên truyền về những nội dung: phòng chống ma túy, mua bán người, Luật Hôn nhân và Gia đình, một số điều, khoản trong Bộ Luật Hình sự...

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì cho Công an tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Từ nhân dân mà ra, những cán bộ ngày đầu làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng ở khu căn cứ Vần – Hiền Lương, nay đã chính thức có tổ chức của mình -  một lực lượng chuyên chính trọng yếu của Đảng, một công cụ sắc bén của chính quyền nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục