Đề xuất chưa thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự tại kỳ họp thứ 2
- Cập nhật: Thứ bảy, 22/10/2016 | 7:32:35 AM
Chiều 21/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ.
|
Đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm
Cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với quan điểm của Chính phủ sửa đổi, bổ sung ở mức tối đa những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 có lỗi kỹ thuật đã được phát hiện và những nội dung rõ ràng là chưa hợp lý hoặc có thể khó áp dụng trên thực tế liên quan đến một số chính sách cụ thể được thể hiện trong một số điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán, logic trong các quy định của Bộ luật Hình sự, góp phần bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không làm thay đổi những chính sách lớn của Bộ luật Hình sự đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và không đặt ra vấn đề mới dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung các luật khác đang được lùi hiệu lực thi hành cùng Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 cần tiếp tục góp phần đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Theo Tờ trình của Chính phủ, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 lần này liên quan đến 141 điều của Bộ luật, gồm 18 điều thuộc Phần những quy định chung và 123 điều thuộc Phần các tội phạm, trong đó có 38 điều sửa đổi về kỹ thuật, 102 điều sửa đổi về nội dung quy định trong điều luật và bãi bỏ một điều.
Tuy nhiên cũng có những quan điểm khác cho rằng để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, cần rà soát kỹ lưỡng tổng thể Bộ luật, bất kỳ quy định nào chưa phù hợp, khó áp dụng đều phải tiến hành sửa đổi mà không giới hạn ở phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ về việc bổ sung chất ma túy XLR-11 (được tẩm trong cỏ Mỹ) thuộc danh mục II và lá cây Khat (có chứa chất ma túy Cathinone) thuộc danh mục I của Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ vào Bộ luật Hình sự; bổ sung quy định các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc danh mục do Chính phủ ban hành, vào Bộ luật hình sự.
Thực tiễn cho thấy tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp, khó lường; sẽ có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều loại cây, lá, hoa, quả... có chứa chất ma túy nên cần phải có quy định mang tính dự báo trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để vừa bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ, không thể lạm dụng.
Tuy nhiên, mức định lượng của “cây khác có chứa chất ma túy” làm cơ sở định tội, định khung hình phạt thì cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm tính khoa học, hợp lý trong các quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đề xuất chưa thông qua dự thảo Luật ngay tại kỳ họp thứ 2
Tại phiên thảo luận chiều 21/10 ghi nhận nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100 ngay tại kỳ họp thứ 2 này. Đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) nêu quan điểm cần thận trọng trong nghiên cứu để đảm bảo chất lượng của dự thảo Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Theo đại biểu không nên "áp" sẽ thông qua tại kỳ 2 hay kỳ 3 của Quốc hội, nếu chưa bàn thảo, thống nhất, làm sáng tỏ được vấn đề.
Nhiều ý kiến đề xuất tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thảo luận cho ý kiến và tại kỳ họp thứ 3 thông qua. Các ý kiến đều cho rằng dự án Luật bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến sửa đổi, bổ sung 141 điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nhiều nội dung của dự thảo Luật liên quan đến định lượng chi tiết thuộc chuyên ngành sâu chưa thống nhất được giữa các bộ, ngành có liên quan. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến quản lý nhà nước chuyên ngành, cần phải thống nhất về quan điểm và đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn các chuyên gia cả về lý luận và thực tiễn thì mới có phương án sửa đổi khả thi.
Qua ý kiến của nhiều thành viên cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp cho thấy còn nhiều vấn đề cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để có phương án sửa đổi phù hợp.
Với quan điểm không được chủ quan, nóng vội, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nêu quan điểm không thông qua dự thảo Luật này trong kỳ 2 nhưng không được "đủng đỉnh," bởi Bộ luật Hình sự 2015 đã được Chính phủ, Quốc hội XIII triển khai bài bản theo đúng trình tự của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ luật Hình sự 2015 thể hiện đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng không nên kéo dài bởi còn ba đạo luật khác đang phải lùi hiệu lực vì việc tạm dừng thi hành Bộ luật Hình sự 2015.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
YBĐT - Chiều ngày 20/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 4 năm thi hành Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Đồng chí Tạ Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh dự và chủ trì Hội nghị.
Chính phủ đề nghị bổ sung thêm đối tượng miễn thuế đất nông nghiệp trong thời gian tới để khuyến khích nông dân đầu tư vào phát triển nông nghiệp.
YBĐT - Ngày 21/10, tại huyện Văn Chấn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị biểu dương người uy tín tiêu biểu trong vận động nhân dân các dân tộc thực hiện "Không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3" ("3 không") năm 2014- 2016. Đồng chí Nông Văn Lịnh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái dự và chủ trì Hội nghị.