Thủ tướng yêu cầu sửa nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/3/2017 | 8:37:32 AM

Thủ tướng giao Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch sửa nghị định về xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Chiều 1/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 90/2014/NĐ-CP về quy trình, thủ tục xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Những ai mà được xã hội, dân tộc ghi nhận và thực sự có đóng góp, hy sinh, nhất là các đồng chí đó đã qua đời thì càng phải được chú ý tôn vinh. Trong chiến tranh, không ai đặt vấn đề giải thưởng nhưng những bài ca, tiếng hát, tác phẩm đó còn mãi mãi với dân tộc. Chúng ta xem xét là vì chuyện đó. Nhưng vận dụng như thế nào cho chặt chẽ, quy trình, quy định, bổ sung như thế nào để không bị lạm dụng, không làm phức tạp, đó mới là vấn đề. Hội đồng bình chọn đều là những người nổi tiếng thì chắc chắn ai cũng biết rõ các tác phẩm đó như thế nào".

thu tuong yeu cau sua quy trinh xet tang giai thuong ho chi minh hinh 2

Nhạc sĩ Thuận Yến.

Thủ tướng nêu rõ, những người đặc biệt có đóng góp xuất sắc được xã hội, dân tộc và cuộc kháng chiến của dân tộc ghi nhận thì cần có trách nhiệm phải làm rõ. "Không thể vì một quy trình máy móc nào mà cản trở những tài năng đã đóng góp cho đất nước", Thủ tướng khẳng định.

"Đừng để xảy ra việc vì giấy tờ, quy trình thế rồi, không thể bổ sung thêm người nào dù người đó có là lãnh tụ hay xuất sắc nhất. Chúng ta phải vận dụng linh hoạt. Ví dụ một người đã hy sinh, họ không còn giấy tờ gì, họ mất cách đây mấy chục năm làm gì còn giấy tờ gì nữa, nhưng tác phẩm của họ để lại cho dân tộc, cho đất nước vẫn còn đó, chúng ta phải có trách nhiệm đánh giá một cách khách quan".

Thủ tướng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm sửa đổi, bổ sung quy trình để Hội đồng xét tặng các giải thưởng này có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét các trường hợp đặc biệt (có đóng góp lớn lao cho nền văn học, nghệ thuật của đất nước, được xã hội, được lịch sử và được công chúng ghi nhận) trước khi trình Chủ tịch nước quyết định. "Có nhiều tác giả rất nổi tiếng, ai cũng biết và ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của họ. Họ hoàn toàn xứng đáng nhưng bây giờ họ không đạt là do quy định của chúng ta".

Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều 1/3, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã báo cáo Chính phủ về những bất cập trong lần đầu tiên xét "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật theo Nghị định 90/2014/NĐ-CP được ban hành từ năm 2014. Theo đó, 7 hồ sơ gồm: Nhạc sĩ Thuận Yến, Nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên, Nhà thơ Thu Bồn, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ninh Viết Giao, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và Đạo diễn - NSND Trần Bảng chưa được xem xét vì không có giải thưởng trong các cuộc thi hay liên hoan chuyên nghiệp, do trong điều kiện chiến tranh nên không tổ chức được các cuộc thi.

Riêng trường hợp nhà thơ Xuân Quỳnh hiện đã đủ điều kiện để xét thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh sau khi Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã có giấy xác nhận tập thơ thiếu nhi "Bầu trời trong quả trứng" của nhà thơ Xuân Quỳnh đã được giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1982-1983.

Được biết, sau khi công bố danh sách các tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, gia đình nhạc sĩ Thuận Yến, gia đình nhạc sĩ - NSND Đinh Ngọc Liên đã gửi thư lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn được biết lý do vì sao 2 nhạc sĩ không được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh dù họ có công lao đóng góp lớn đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Chương II của NGHỊ ĐỊNH số 90/2014/NĐ-CP về “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật:

Điều 8. Điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật

1. Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các điều kiện sau đây được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”:

a) Đã công bố dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mùng 2 tháng 9 năm 1945. Thời gian công bố tối thiểu là 05 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 03 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương;

b) Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.
2. Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” phải chấp hành tốt pháp luật Việt Nam.

Điều 9. Tiêu chuẩn xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” về văn học, nghệ thuật

Tác giả được xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:

1. Có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật;

2. Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;

3. Đặc biệt xuất sắc khi đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

a) Đã được tặng Giải Vàng, Giải A hoặc Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức;

b) Đã được tặng Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế.

(Theo VOV)

Các tin khác
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thị sát ruộng lúa năng suất cao của nhân dân xã Hải Anh, huyện Hải Châu, tỉnh Nam Hà (6/1969).

Ngày 1/3, tại Khu lưu niệm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ dâng hương kỷ niệm 111 năm Ngày sinh của Thủ tướng (1/3/1906-1/3/2017).

Ngay sau lễ đón chính thức vào sáng 1/3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Phủ Chủ tịch.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh ra sân bay đón Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu.

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3.

YBĐT - Tiếp tục chương trình giám sát, chiều 28/2, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV tỉnh Yên Bái do đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tổ chức cải cách bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 tại Sở Nội vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục