Bế mạc phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội
- Cập nhật: Chủ nhật, 23/4/2017 | 10:53:58 AM
Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 9 vào chiều 22/4, sau 6 ngày làm việc.
|
Sau 6 ngày làm việc, chiều nay (22/4), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 9.
Trước đó, cho ý kiến về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến Chương trình năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị việc điều chỉnh Chương trình cần bảo đảm tính ổn định và kỷ luật trong xây dựng pháp luật.
Nhiều ý kiến thẳng thắn nhận định: việc lập, triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, thậm chí kéo dài từ nhiệm kì này sang nhiệm kì khác. Đó là việc chương trình vẫn phải điều chỉnh nhiều, thường xuyên; chất lượng của một số dự án luật, pháp lệnh còn hạn chế, có dự án còn phải thay đổi khá nhiều về nội dung, phạm vi, đối tượng điều chỉnh; tình trạng “nợ” văn bản quy định chi tiết thi hành luật vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị: “Thường vụ Quốc hội phải làm rõ thời gian gần đây tính ổn định của hệ thống pháp luật có vấn đề. Thể hiện ở chỗ khi đưa vào Chương trình thì luật này sửa luật kia, khi làm luật kia không biết có quay trở lại luật này không. Một điểm nữa cũng cần lưu ý là tính kỷ luật trong xây dựng luật”.
Cũng có ý kiến băn khoăn, việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lần này có khắc phục được những tồn tại đã kéo dài trong thời gian qua hay không?
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích: “Rất nhiều dự án Luật khi đưa ra nêu sự cần thiết rất cấp bách, cần phải xem xét thông qua ngay, thậm chí rút gọn. Không biết lần này có khắc phục được tình trạng đó không? Ví dụ như cũng có lúc chúng ta đưa ra 1 luật sửa 32 luật, ý tưởng như thế, nhưng cuối cùng tất cả dồn lại 1 luật sửa 1 luật mà chỉ sửa được 1 điều.
Tôi cho rằng, câu chuyện đầu tiên là thẩm tra chương trình này phải rất rõ. Đề nghị Ủy ban Pháp luật xem, với những luật cho ý kiến lần đầu đã đủ điều kiện chưa, không chỉ dừng lại ở sự cần thiết ý tưởng mà cơ quan soạn thảo, cơ quan nghiên cứu đã chuẩn bị được đến đâu rồi. Phải nói rõ ra”.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề nghị của Chính phủ về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và dự kiến năm 2018. Theo đó, tại kỳ họp thứ 3, sẽ trình Quốc hội thông qua 13 Luật và 2 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo đề nghị của Chính phủ. Tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm nay, sẽ trình Quốc hội thông qua 6 luật; cho ý kiến về 11 dự án luật.
Trong đó, đối với dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), theo báo cáo của Chính phủ, dự án Luật này đã được chỉnh lý hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 diễn ra vào cuối năm nay. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5.
(Theo VOV)
Các tin khác
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Tuyên bố ASEAN về vai trò của nền công vụ làm chất xúc tác trong việc đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025.
V.I.Lênin - lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản và toàn thể nhân dân thế giới, người sáng lập Đảng Cộng sản Liên Xô và Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, mở đầu thời đại mới trong lịch sử loài người, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới.
YBĐT - Sáng 22/4, Đảng bộ huyện Lục Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (22/4/1947 - 22/4/2017).
Chiều 20-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt với 122 đại biểu là các già làng, trưởng thôn, bản, nghệ nhân, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới thuộc 15 tỉnh miền núi khu vực phía Bắc. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4).