Yên Bái đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới
- Cập nhật: Thứ tư, 10/5/2017 | 3:18:18 PM
YênBái - Sáng 10/5, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với các sở, ngành liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiến độ triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới và phương hướng nhiệm vụ thời gian còn lại của năm 2017.
Quang cảnh Hội nghị.
|
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Năm 2017, công tác tổ chức thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được tỉnh Yên Bái quan tâm, chú trọng. Công tác phối hợp giữa ngành nông nghiệp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục được quan tâm. UBND tỉnh đã kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất kịp thời, tạo thuận lợi cho bà con nhân dân và các đơn vị tổ chức triển khai sản xuất kịp thời vụ, đạt hiệu quả.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu như: vùng chè trên 9.000ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 86.000 tấn; vùng quế có gần 6.000ha, sản lượng hàng năm đạt trung bình 20.000 tấn vỏ và trên 600 tấn tinh dầu quế; cây ăn quả có trên 7.000h; cây sắn gần 15 nghìn ha; măng tre Bát Độ gần 3.000ha, vùng trồng sơn tra khoảng 4.000ha… Mỗi năm tỉnh trồng được 15.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2016 đạt trên 62%...
Đặc biệt, Yên Bái được xếp vào tốp đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp và đứng thứ 4 toàn quốc với sản lượng khai thác hàng năm trên 450 nghìn m3 gỗ, 120 nghìn tấn tre, nứa, vầu đáp ứng công nghiệp chế biến gỗ. Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 1,4 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn như: các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh mới chỉ chú trọng đến hỗ trợ phát triển sản xuất và chưa chú trọng đến việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; một số chính sách hỗ trợ cho nông dân còn thấp nên chưa khuyến khích được người dân tham gia thực hiện chính sách; quy mô sản xuất của các hộ dân còn nhỏ lẻ, manh mún, còn hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; người dân còn chưa quan tâm đến việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 4/2017, toàn tỉnh có 18 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 06 xã đạt từ 16-18 tiêu chí; 45 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 79 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; số xã đạt dưới 5 tiêu chí là 9 xã.
Qua rà soát, đánh giá 20 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới thì có 17 xã có khả năng cao đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017, trong đó có 4 xã của huyện Trấn Yên, 2 xã của huyện Văn Chấn, 4 xã của huyện Yên Bình, 3 xã của huyện Văn Yên, 2 xã của huyện Lục Yên và 2 xã của thị xã Nghĩa Lộ.
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn gặp phải một số khó khăn như: người dân vẫn còn tâm lý thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Chương trình; tiến độ phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương cho các xã của các địa phương còn chậm; nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm còn nhiều khó khăn…
Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các ngành liên quan đã tập trung thảo luận, chỉ rõ một số khó khăn trong việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đồng thời đề ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thực hiện hoàn thành kế hoạch trong năm 2017.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đã đề nghị các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành liên quan trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: tiếp tục quán triệt Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND để xây dựng thành kế hoạch cụ thể của huyện trong năm 2017 và đến năm 2020; kết hợp chỉ đạo điểm với việc triển khai trên diện rộng; huy động được cả hệ thống chính trị và nâng cao nhận thức của nhân dân theo hướng bền vững; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, UBND, các phòng ban chức năng và lãnh đạo các xã; tiếp tục đầu tư, nâng cấp, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với các xã đã hoàn thành nông thôn mới; tiến hành rà soát, đánh giá, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch xã xây dựng nông thôn mới, kết hợp quy hoạch sản xuất với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; tổ chức sản xuất gắn việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân; triển khai mạnh các đề án hỗ trợ phát triển sản xuất; sơ kết, tổng kết đánh giá các mô hình hiệu quả, có giá trị kinh tế cao; nghiên cứu để tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững; rà soát, tháo gỡ khó khăn cho các hộ chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao kỹ thuật thâm canh, phòng chống sâu bệnh cho bà con và các hộ sản xuất; nghiên cứu để sớm hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; rà soát để điều chỉnh, bổ sung các đề án hỗ trợ sản xuất; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, phân loại hộ nghèo.
Đối với việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị, thành phố cần xác định rõ danh mục, nhu cầu vốn, cơ cấu nguồn vốn, các phương thức huy động vốn để thực hiện chương trình. Các ngành liên quan cần quan tâm để nhanh chóng phân bổ vốn đầu tư cụ thể cho các dự án để triển khai cho kịp tiến độ.
Về phát triển văn hóa xã hội, vệ sinh môi trường, các huyện tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu không cần sự hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; vận động người dân tích cực tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng chính quyền vững mạnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ công chức, đào tạo đội ngũ kế cận; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả.
(Theo Cổng TTĐT tỉnh Yên Bái)
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện chương trình công tác của Tỉnh ủy, sáng 10/5, đồng chí Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã đi kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng tại xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên. Cùng đi có lãnh đạo đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) Đinh La Thăng được Bộ Chính trị điều động làm Phó ban Kinh tế Trung ương sau khi nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo và cho thôi chức Ủy viên Bộ chính trị. Ông Đinh La Thăng bị thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị.
Sáng nay- 10/5, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam - được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thay ông Đinh La Thăng.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11-15/5.