Thêm một buổi thảo luận để đại biểu Quốc hội bàn sửa Bộ luật Hình sự
- Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 1:55:00 PM
Buổi thảo luận thêm vừa được quyết định bố trí vào thứ Bảy, ngày 27/5. Buổi làm việc không buộc các đại biểu tham gia đầy đủ mà dành cho những đại biểu có quan tâm sâu sắc, có đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận 2 ngày trước nhưng không còn thời gian phát biểu.
Phiên thảo luận về dự luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 diễn ra trọn ngày 24/5 vừa qua.
|
Quyết định bố trí thêm một buổi thảo luận cho dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 như này được xem là chưa có tiền lệ. Thông thường, tại các kỳ họp Quốc hội, mỗi dự án luật được dành một buổi thảo luận tại phiên họp toàn thể tại hội trường. Trước đó cũng sẽ có phiên thảo luận tại tổ. Dự án luật sửa Bộ Luật Hình sự thậm chí đã có thời lượng gấp đôi, được bố trí nguyên một ngày làm việc hôm 24/5 vừa qua. Tuy nhiên, phiên thảo luận tại tổ lại chưa có trong lịch.
Tại phiên thảo luận toàn thể 2 ngày trước đó có 71 đại biểu đăng ký phát biểu và có 47 vị đăng đàn, còn 24 vị đã đăng ký nhưng không còn thời gian phát biểu.
Khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng cách bố trí thời gian cho dự thảo luật ở kỳ họp này là không thích hợp vì với một khối lượng tài liệu đồ sộ liên quan mới chỉ được gửi cho đại biểu trước đó hơn 1 ngày, không đủ thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng để đóng góp ý kiến cho phiên thảo luận tại hội trường.
Theo đại biểu Nghĩa, với một dự án luật quan trọng, khó và đã từng để xảy ra lỗi hi hữu khiến cả Bộ luật Hình sự được thông qua mà chưa có hiệu lực thi hành đã phải tạm dừng, lẽ ra, Quốc hội cần dành ít nhất 1 ngày thảo luận ở tổ để đại biểu Quốc hội làm quen với dự thảo sửa đổi. Sau đó, đại biểu cũng cần ít nhất vài ngày nghiên cứu thêm rồi mới tổ chức thảo luận ở hội trường.
“Đó là cách làm thông thường của nhiều đạo luật khác, vì sao lại không áp dụng với bộ luật này” - đại biểu Nghĩa đặt vấn đề.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng không hài lòng vì việc giới hạn thời gian phát biểu trong vòng 7 phút tại phiên thảo luận toàn thể về dự án luật này vừa qua. Đại biểu cho rằng thời lượng đó khó để đại biểu có thể trình bày trọn vẹn những góp ý đối với một đạo luật lớn và cơ bản của quốc gia như luật hình sự.
“Một số đại biểu được đào tạo chuyên sâu về pháp luật và gắn bó với pháp luật hình sự cả trong thực tiễn lập pháp và thực tiễn hành nghề hàng chục năm, từng tham gia sửa chữa bộ luật này từ khóa 13, trong đó có tôi mà còn thấy chới với và thực sự không đủ thời gian khi nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị ý kiến phát biểu, huống gì đại biểu Quốc hội khóa 14 mới chỉ tiếp xúc với dự thảo này chỉ có 1 hoặc 2 lần” -- ông Nghĩa đề nghị Quốc hội dành thêm ít nhất 1 ngày thảo luận tổ và dành thêm một ngày vào tuần thứ 3 của kỳ họp để thảo luận thêm về dự luật, nếu cần thì lấy thêm một ngày thứ Bảy để góp ý tại hội trường đối với dự luật trước khi bấm nút thông qua.
Từ thực tế còn 24 vị chưa được phát biểu và ý kiến đại biểu Trương Trọng Nghĩa, UB Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức thêm một phiên thảo luận về dự thảo luật vào ngày thứ Bảy, 27/5.
Được biết, đến thời điểm này, trước phiên thảo luận hai ngày, các vị đại biểu đều được nhận văn bản đề nghị đăng ký tham gia phiên thảo luận và đến sáng 26/5 có trên 30 vị đại biểu đăng ký.
Phiên thảo luận sẽ được bố trí tại một phòng họp thích hợp và các vị đại biểu sẽ không bị giới hạn về thời gian phát biểu.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
YBĐT - Chiều 24 và ngày 25/5, Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh Yên Bái tổ chức di chuyển Sở chỉ huy diễn tập vào khu tập trung bí mật (giả định) tiếp tục luyện tập các nội dung còn lại và tổ chức rút kinh nghiệm chuẩn bị cho diễn tập KVPT tỉnh năm 2017.
Những kết quả đạt được và cả những tồn tại hạn chế sau 6 năm thực hiện Luật Quản lý nợ công đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ khi trình bày Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi) sáng 25-5.
YBĐT - Thực hiện Chỉ thị 05 thể hiện ở thực hiện nhiệm vụ thường xuyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; huy động dân quân tự vệ tham gia giúp dân trong sinh hoạt và đời sống.