Văn Yên - một trong những huyện có số lượng đồng bào công giáo đông nhất, nhì tỉnh với gần 27.000 tín đồ sinh sống tại 18/27 xã, thị trấn, của huyện. Bà con giáo dân phần lớn là nông dân, tiểu thương, lao động tự do, một số ít là cán bộ công chức, viên chức. Mỗi người một công việc, nghề nghiệp khác nhau, song ở cương vị nào, bà con giáo dân nơi đây cũng tích cực thi đua học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Hiện tại, huyện Văn Yên đang có hàng trăm điển hình phát triển kinh tế, trong số đó có rất nhiều người là đồng bào công giáo.
Điển hình như các giáo dân: Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Văn Thuấn (xã Yên Thái); Nguyễn Văn Lễ, Bùi Đình Văn (xã Xuân Ái); Bùi Đình Thân, Phạm Văn Tính (xã Yên Hưng)… Đặc biệt, có một giáo dân trong huyện được rất nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến là lương y Đỗ Đức Tĩnh - người rất tâm huyết với việc chữa bệnh bằng các bài thuốc gia truyền và đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người.
Dựa trên nền tảng các bài thuốc gia truyền quý báu của dòng họ Đỗ, kết hợp với làm chủ nguồn dược liệu đầu vào và áp dụng công nghệ hiện đại trong quá trình sản xuất, hiện, các sản phẩm thuốc nam của Công ty TNHH Nam dược Đại Phú An do lương y Đỗ Đức Tĩnh sáng lập, như: cao thực vật, tinh dầu thực vật, thực phẩm chức năng (Phú nữ cao, Dmorin, An đường cao, rượu cao thực vật) đã có mặt ở rất nhiều nhà thuốc trong cả nước và được nhiều người tin dùng.
Để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho mọi người, hiện, gia đình lương y Đỗ Đức Tĩnh còn có một khu nghỉ dưỡng "Thạch Lâm Viên” ở thôn Khe Cỏ, xã An Thịnh rộng 9.200m2, đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Khu nghỉ dưỡng không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khỏe như: massage trị liệu, xông hơi giải độc, tắm lá thuốc mà đến đây mọi người còn được thưởng ngoạn thiên nhiên, câu cá, chèo thuyền thư giãn, tham gia chương trình lửa trại và thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng đất quế Văn Yên.
Đồng chí Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Văn Yên khẳng định: "Phát huy truyền thống yêu nước, ý thức đoàn kết dân tộc, tôn giáo, thời gian qua, bà con giáo dân huyện Văn Yên đã tích cực thi đua lao động, sản xuất, đồng thời tham gia thực hiện tốt các phong trào, hoạt động tại địa phương, thể hiện niềm tin tôn giáo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: không sinh con thứ 3 trở lên, bảo vệ môi trường, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trật tự, tích cực xây dựng quy ước, hương ước tại khu dân cư… Đây chính là động lực để đồng bào công giáo trong huyện tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”.
Cũng như ở Văn Yên, hiện, hơn 20.000 tín đồ công giáo sinh sống ở các địa phương khác trong tỉnh dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ, các tổ chức đoàn thể cũng đang chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động và Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đẹp đạo” do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động.
Hàng năm, trên 70% số hộ gia đình công giáo trong toàn tỉnh đạt danh hiệu gia đình văn hóa; trên 50% khu dân cư vùng đồng bào công giáo đạt danh hiệu văn hóa. Đặc biệt, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, các tín đồ công giáo trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Hiện, hơn 1.000 cán bộ, đảng viên là người công giáo đang tham gia vào các cấp ủy Đảng, MTTQ, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh, trong đó có: 218 người là đại biểu HĐND các cấp, 286 người tham gia ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp và nhiều người đã và đang giữ trọng trách quan trọng trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Đi đôi với những việc làm trên, đến nay, các hoạt động từ thiện nhân đạo, bác ái xã hội cũng đã trở thành hoạt động nổi bật của đồng bào công giáo trong tỉnh. Với tinh thần "Tương thân, tương ái”, các giáo dân đã tích cực tham gia đóng góp xây dựng các quỹ: "Vì người nghèo”, "Chất độc màu da cam”, "Đền ơn đáp nghĩa”, "Khuyến học, khuyến tài”…
Điển hình như họ giáo Bản Mù (huyện Trạm Tấu) - nơi điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, song 5 năm qua đã ủng hộ được 30 triệu đồng vào Quỹ "Khuyến học, Khuyến tài”, 7 triệu đồng giúp đỡ trẻ em mồ côi và 20 hộ giáo dân đã tự nguyện san sẻ đất cho những hộ thiếu đất sản xuất.
Từ những kết quả đã đạt được, tin tưởng rằng trong thời gian tới, các giáo dân trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết lương - giáo, chấp hành nghiêm Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và các nghị định, quy định của Nhà nước về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; cùng nhau xây dựng và thực hiện tốt các nội quy, quy ước ở làng, bản, khu dân cư nhằm thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong lao động, sản xuất, học tập và công tác; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc kết hợp với những nét đẹp trong sinh hoạt tôn giáo, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.
Hồng Oanh