Ngày 18/10/1955, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 606/QĐ-TTg thành lập châu Mù Cang Chải, gồm 13 xã thuộc châu Văn Chấn, Than Uyên và Mường La. Do còn khó khăn về nhiều mặt, đến 18/10/1957, châu Mù Cang Chải mới đi vào hoạt động như một đơn vị hành chính, từ đó bộ máy chính quyền cơ sở cũng lần lượt ra đời. Tới năm 1960, bộ máy chính quyền các xã, các phòng ban chuyên môn cấp huyện cơ bản được củng cố kiện toàn và đi vào hoạt động một cách hiệu quả.
Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I (nhiệm kỳ 1960- 1965) đã xác định rõ: "Chính quyền nhân dân phải tổ chức tốt việc phát triển kinh tế, hoàn thành cải cách dân chủ, đưa nhân dân vững bước tiến vào con đường làm ăn tập thể”. Nhiều chủ trương, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Chính quyền châu đã trực tiếp cử cán bộ xuống cơ sở tiến hành điều tra nông thôn, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, củng cố bộ máy chính quyền cấp xã; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý hợp tác xã cho đội ngũ cán bộ cơ sở.
Cuối năm 1965, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền châu đã tập trung chỉ đạo chuyển mọi hoạt động từ thời bình sang thời chiến, vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, cùng cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước tháng 4/1975.
Giai đoạn 1976- 1985, huyện Mù Cang Chải tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; vận động nhân dân định canh, định cư ổn định cuộc sống, từng bước xóa đói giảm nghèo; tập trung chỉ đạo xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã theo tinh thần Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 61/NQ-CP của Chính phủ; xây dựng các vùng kinh tế mới, đẩy mạnh khai hoang ruộng nước, đưa một số giống lúa mới và khoai tây vào trồng thí điểm; phát triển chăn nuôi trâu, bò tập thể; huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng lại trụ sở Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các trường học, chợ trung tâm huyện; nâng cấp trạm thuỷ điện huyện từ 140 KW lên 160 KW; mở rộng hệ thống các đường liên xã, liên bản.
Năm 1980, hoàn thành tuyến đường Ngã Ba Kim đi Nậm Khắt; xây mới được 4 cầu treo, 10 cống ngầm đi các xã tạo điều kiện cho hàng hoá lưu thông, góp phần hình thành các hợp tác xã mua bán tại xã Púng Luông, Chế Tạo, Khao Mang và khu trung tâm huyện kịp thời phục vụ các nhu yếu phẩm cho nhân dân.
Thông tin liên lạc được củng cố, tất cả các xã đều có tổ giao thông hỏa tốc đảm bảo thông tin thông suốt.
Cùng với việc phát triển kinh tế, xây dựng củng cố hệ thống chính quyền được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII (nhiệm kỳ 1976 - 1980) xác định rõ: "Tiếp tục xây dựng và củng cố bộ máy chính quyền từ huyện đến xã vững mạnh đáp ứng nhiệm vụ cách mạng mới”.
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX (nhiệm kỳ 1981 - 1985) tiếp tục nhấn mạnh: "Xây dựng và hoàn thiện bộ máy chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Đảng bộ, trước hết phải củng cố kiện toàn HĐND, UBND các cấp”. Huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng chính quyền vững mạnh ở các xã; bố trí, sắp xếp đội ngũ trưởng bản, bí thư chi bộ nhằm việc xây dựng, củng cố chính quyền vững mạnh từ cơ sở.
Giai đoạn từ 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, huyện đã tập trung xây dựng hệ thống chính trị ngày càng lớn mạnh. Để đáp ứng sự phát triển của địa phương, thị trấn Mù Cang Chải thành lập ngày 02/7/1998 theo Nghị định số 27/1998-NĐ-CP ngày 09/5/1998 của Chính phủ. Sau 60 năm xây dựng và phát triển, đến nay huyện có 13 xã, 01 thị trấn với trên 10.600 hộ dân, gần 60.000 nhân khẩu, trong đó: đồng bào Mông chiếm trên 91%.
Qua thử thách, rèn luyện, vai trò chỉ đạo, điều hành của chính quyền ngày càng được thể hiện rõ nét. Hoạt động của HĐND các cấp tiếp tục được kiện toàn, nâng cao chất lượng các kỳ họp, thực hiện tốt các chương trình giám sát theo luật định, nghị quyết nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. Chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn trong hệ thống hành chính Nhà nước được điều chỉnh, sắp xếp tinh gọn theo hướng hiện đại hoá và phân cấp mạnh cho các ngành, xã, thị trấn. Chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được nâng lên.
Các thủ tục hành chính được đơn giản hoá. Cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đến nay, toàn huyện có trên 1.700 cán bộ, công chức, viên chức, trên 60% có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, sau đại học; 38% có trình độ trung cấp; 2% có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp; 15% trình độ trung cấp; sơ cấp 45%. Cấp xã, cơ bản đảm bảo số lượng, cơ cấu công chức theo Nghị định số 92/2009/NĐ-CP; 97% cán bộ, công chức chuyên trách cấp xã có trình độ văn hóa THCS, THPT; trên 90% có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; trên 95% có trình độ sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị. Cấp huyện, có trên 75% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học, sau đại học; 70% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Hàng năm, trên 85% chính quyền các cấp đạt trong sạch, vững mạnh, không có yếu kém.
Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tập trung các đề án phát triển nông - lâm nghiệp, thuỷ sản; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy lợi thế của địa phương vào sản xuất hàng hóa gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2017, diện tích cây trồng chính (lúa, ngô) đạt 11.000 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 40.000 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 600kg/người/năm.
Huyện đã mạnh dạn đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất, tạo hướng đi mới trong nông nghiệp. Vụ đông xuân 2017- 2018, dự kiến gieo trồng 1.700 ha lúa đông xuân, 1.200 ha cải dầu, trên 150 ha gồm cây gừng, khoai tây, lúa mì và trên 800 ha rau đậu các loại. Đàn gia súc chính tăng trưởng bình quân 6,5%/năm, hiện đạt trên 59.000 con; đàn gia cầm tăng bình quân 10,4%/năm, đạt 172.000 con.
Hệ thống thủy điện vừa và nhỏ công suất ổn định trên 120MW/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt trên 300 tỷ đồng, tăng gấp trên 12 lần; tổng mức bán lẻ hàng hoá 172 tỷ đồng, tăng gấp trên 7 lần so với năm 2010. Số cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện tăng từ 350 cơ sở năm 2010 lên gần 1.000 cơ sở; toàn huyện có 38 doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã, hàng năm tạo việc làm cho gần 2.500 lao động. Năm 2017, thu cân đối ngân sách địa phương ước đạt trên 85 tỷ đồng, tăng gấp 15,3 lần so với năm 2010, cao nhất từ trước đến nay.
Từ 2010 đến nay, huyện tập trung trồng mới 5.207 ha rừng, nâng độ che phủ rừng lên 67%. Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; đến nay, huyện có trên 900 km đường nông thôn đến 100% các thôn bản, đảm bảo đi được xe máy trong 4 mùa, 100% các xã đã có đường ô tô kiên cố đến trung tâm.
Về thủy lợi, có gần 700 công trình, với tổng chiều dài trên 630 km, đảm bảo nước tưới cho trên 4.300 ha ruộng nước. Về điện, toàn huyện có 44 trạm trạm biến áp, tương đương 4.675KVA, với trên 20 km đường dây hạ thế; 100% các thôn bản đã có điện; trong đó 74,6% thôn bản, 75% hộ gia đình được sử dụng điện quốc gia. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 2 xã đạt 11 tiêu chí; 7 xã đạt 9 tiêu chí trở lên, còn lại đạt từ 5 đến 8 tiêu chí; dự kiến xã Nậm Khắt đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Công tác quản lý tài nguyên - môi trường, quy hoạch sử dụng đất được tăng cường, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ năm 2012 đến nay, huyện tập trung khai thác, phát huy lợi thế, tiềm năng về du lịch, toàn huyện có gần 100 nhà nghỉ, nhà hàng, đáp ứng cho trên 1.500 khách lưu trú/ngày. Năm 2016, đã có trên 40.000 lượt du khách tới thăm quan du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang, trải nghiệm dù lượn, du lịch sinh thái, văn hóa, du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Về giáo dục, huyện xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án rà soát, sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020. Toàn huyện có 38 trường (từ bậc mầm non, tiểu học, THCS đến THPT), 1 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên với tổng số 20.021 học sinh các cấp; trong đó, có 9.352 học sinh ở bán trú; duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục các cấp theo hướng bền vững.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm chỉ đạo; lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được chú trọng, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm giảm còn từ 7-10%. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo.
Thành quả 60 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển là nền tảng đặc biệt quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải bước tiếp chặng đường mới. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt để hoàn thành mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra: "Phát huy truyền thống đoàn kết, dân chủ, đổi mới nêu cao ý thức tự lực tự cường, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, từng bước đưa Mù Cang Chải thoát nghèo bền vững".
Đồng chí Vũ Tiến Đức - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện (thứ 3 trái sang) thăm vườn ươm giống cây lâm nghiệp của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải.
Trong phát triển kinh tế, tiếp tục phát huy, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ mọi nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung vào tiềm năng, thế mạnh của thủy điện vừa và nhỏ; phát triển kinh tế đồi rừng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; làm chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với phát triển du lịch; tiếp tục coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn tập trung phát triển trong những năm tới gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng, du lịch, dịch vụ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế làm tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Lĩnh vực văn hoá – xã hội, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền; quan tâm nâng cao trình độ dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo cán bộ trẻ, nâng cao chất lượng nguồn lao động địa phương; thường xuyên chăm lo sức khỏe cho nhân dân; đảm bảo an sinh xã hội; chú trọng gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngăn chặn, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tư duy về làm kinh tế, từng bước bắt nhịp với kinh tế thị trường.
Đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được ổn định, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành của chính quyền cấp các cấp, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ chính trị; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã tinh gọn, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Với truyền thống của huyện Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Yên Bái; Đảng bộ huyện, chính quyền và nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thu hẹp khoảng cách phát triển về kinh tế - xã hội với các huyện vùng thấp trong tỉnh, thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015- 2020.
Vũ Tiến Đức - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải