"Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư đang đến thật gần. Những ngày này, trên khắp các nẻo đường, tuyến phố, đi bất cứ đâu cũng dễ dàng nhận thấy không khí tươi vui, phấn khởi, háo hức của nhân dân. Ngày hội đại đoàn kết được tổ chức đồng loạt vào ngày 18/11 với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi, ý nghĩa là sợi dây kết đoàn gắn chặt hơn tình làng, nghĩa xóm của nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Đại đoàn kết dân tộc - nội dung xuyên suốt và nhất quán trong hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự được nhân rộng và đi sâu tới từng gia đình, khu dân cư và cộng đồng xã hội, thấm nhuần vào tâm trí mỗi người dân trên quê hương Yên Bái.
Chúng tôi đến xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên - một trong những xã đầu tiên của tỉnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới - nơi đông đảo đồng bào dân tộc Dao sinh sống và thực sự ngỡ ngàng trước bộ mặt nông thôn nơi đây.
Con đường bê tông trải dài uốn lượn, dọc hai bên đường là những ruộng ngô xanh mướt trổ bông. Trên sân vận động xã, bà con đang nhiệt tình cổ vũ cho các đội tham gia tập luyện thi đấu bóng chuyền hơi mà nhìn từ xa cũng cảm nhận được sức "nóng”.
Trước ngôi nhà sàn cộng đồng thôn 7 là cảnh náo nhiệt khác của các chị, các bà: người cuốc đất, trồng hoa, người tưới nước… tạo cảnh quan để chào mừng "Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Được biết, công trình trồng hoa tạo cảnh quan do Chi hội Phụ nữ thôn 7 khởi xướng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các chị em.
Thôn 7 là thôn vùng sâu, 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Tân Đồng hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đời sống nhân dân được cải thiện, nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân được nâng lên.
Xác định rõ Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư chính là cơ hội để bà con gặp gỡ, gần gũi, chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong cuộc sống nên ngay từ đầu tháng 10, cấp ủy, chính quyền xã Tân Đồng đã cùng các tổ chức chính trị vào cuộc nhằm tổ chức cho nhân dân một ngày hội thực sự do nhân dân làm chủ.
Ông Phí Văn Chí - Bí thư Đảng ủy xã Tân Đồng phấn khởi cho biết: "Đảng ủy, chính quyền xã cùng Ban Công tác Mặt trận đã tập trung sắp xếp chương trình, thời gian tổ chức sao cho phần lễ thật ngắn gọn, thông tin tuyên truyền đến bà con dễ nghe, dễ hiểu; tăng cường phần hội để nhân dân có thời gian vui chơi, thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc của mình. Bà con ai nấy đều phấn khởi, từ đó, nỗ lực hăng say thi đua lao động sản xuất, cải thiện đời sống”.
Rời Tân Đồng, chúng tôi tới thành phố Yên Bái để cảm nhận không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư rõ nét hơn.
Quả thực, chưa bao giờ Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư của thành phố trở nên náo nhiệt, tưng bừng đến vậy. Bên ngoài Nhà văn hóa Khu dân cư Tân Hiếu 1, phường Minh Tân là tiếng hò reo, cổ vũ, vỗ tay không ngừng theo từng đường bóng kịch tính, hấp dẫn. Bên trong hội trường, các cô, các chú, các bác hăng say tập luyện những tiết mục văn nghệ đặc sắc, công phu. Tất cả đều dành cho ngày hội đại đoàn kết tình cảm vui tươi, ý nghĩa và trọn vẹn nhất.
Cũng như bao buổi chiều khác, ông Lê Ngọc Pha - Tổ trưởng tổ 43, Khu dân cư Tân Hiếu 1, nay đã 79 tuổi khi ra sân bóng chuyền cổ vũ đã vui mừng chia sẻ: "Là người cao tuổi, chứng kiến sự đổi thay rõ rệt qua từng thời kỳ, từng năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mới thấy nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Dù đi làm về muộn, dù bận bịu đến đâu ai cũng chờ mong đến ngày hội để được gặp gỡ, trò chuyện, trao cho nhau những cái bắt tay thật chặt, nụ cười thật nồng ấm, cùng nhau ăn bữa cơm thân mật, gần nhau hơn, chia sẻ với nhau cả niềm vui lẫn khó khăn thường ngày. Còn gì ý nghĩa và tốt đẹp hơn khi tình yêu thương giữa con người với con người được trân trọng như thế!”.
Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư đã được hoàn tất, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: "Năm nay, cùng với tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, an sinh xã hội, tặng quà, giúp đỡ cho người nghèo để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cũng hướng dẫn các huyện và khu dân cư tổ chức ngày hội gắn với tổng kết đánh giá 2 năm thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bên cạnh đó, quan tâm, chú trọng tổ chức các hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nắm bắt tình hình nhân dân, động viên nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế; tổ chức các đoàn có lãnh đạo tỉnh đến dự, chung vui và tham gia ngày hội tại cơ sở, các xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Trong không khí tưng bừng, phấn khởi của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư, tiếp nối các phong trào thi đua, cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, tin tưởng rằng, với cách làm sáng tạo, khơi dậy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân sẽ được phát huy tối đa, nhân dân cùng nhau nỗ lực, hăng say lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào công cuộc đổi mới và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Chị Nguyễn Thị Bưu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn 6, xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên:
"Muốn tập hợp, đoàn kết, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, cán bộ Mặt trận phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu, không ngừng học tập, rèn luyện, bám sát thực tiễn, gần dân, sát dân, hiểu dân. Khi có được sự đồng thuận chính trị trong các tầng lớp nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân sẽ không ngừng được củng cố và tăng cường”.
Anh Sùng A Dê - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Ba Cầu, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn:
"Với ý nghĩa của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày truyền thống vẻ vang của Mặt trận Tổ quốc, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã Suối Bu luôn tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, chấp hành quy ước, hương ước khu dân cư. Từ đó, làm thay đổi nếp nghĩ và dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, trẻ em trong độ tuổi được đến trường, nhiều chính sách của Nhà nước đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến sự ổn định, phát triển và thực hiện tốt nếp sống văn hóa mới trong khu dân cư”. |
Mai Linh