Giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm: Những vấn đề đặt ra

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/11/2017 | 7:43:02 AM

YBĐT - Trong quý III/2017, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND tỉnh đã giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2014 - 2016. Nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế được làm rõ, đồng thời các đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra sau cuộc giám sát.

Trao giấy chứng nhận học nghề cho người dân vùng cao Mù Cang Chải.
Trao giấy chứng nhận học nghề cho người dân vùng cao Mù Cang Chải.

Công tác giám sát đã được thực hiện trực tiếp tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND thị xã Nghĩa Lộ, UBND huyện Văn Yên, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, Trường Trung cấp Nghề Lục Yên; các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên các huyện: Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên, thành phố Yên Bái cùng một số công ty, mô hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
 
Qua giám sát được biết, giai đoạn 2014 - 2016, mạng lưới đào tạo nghề được củng cố. Đến nay, toàn tỉnh có 20 cơ sở đào tạo nghề, trong đó có 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 7 trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên, 6 cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 66 nghề, trong đó 9 nghề cao đẳng, 19 nghề trung cấp, 38 nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
 
Trong 3 năm qua, các cơ sở này đã đào tạo nghề cho 46.671 người, trong đó 2.888 người trình độ cao đẳng, 5.099 trung cấp và có gần 38.700 người được đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng và dạy nghề thường xuyên. Nhờ đó, đến hết năm 2016, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 47,5%, lao động qua đào tạo nghề đạt 32,4%.
 
Đối với công tác giải quyết việc làm cho người lao động, từ năm 2014 đến hết 2016, tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm cho khoảng 55.800 lao động, trong đó gần 36.400 người có việc làm trong các chương trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, khoảng 13.000 người được cung ứng lao động ngoài tỉnh, khoảng 2.500 người xuất khẩu lao động, gần 4.000 lao động có việc làm nhờ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và trên 11.000 người có việc làm sau khi được đào tạo nghề lĩnh vực nông nghiệp theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Chính phủ.

Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội đã nhận thấy, bên cạnh khó khăn về đội ngũ giáo viên, nhân viên của các cơ sở dạy nghề, công tác tuyển sinh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với các nghề trung cấp, cao đẳng. Đáng chú ý là việc liên kết đào tạo và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp còn hạn chế do các đơn vị dạy nghề ngoài tỉnh trả chi phí mở lớp, quản lý học sinh cao hơn cơ sở đào tạo nghề của tỉnh.
 
Tình trạng đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trên địa bàn còn phổ biến, nhất là nghề may công nghiệp còn đào tạo theo giáo trình quy định, trong khi doanh nghiệp thì cần lao động biết việc theo từng công đoạn của dây chuyền sản xuất. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề ở một số địa phương thiếu, lạc hậu so với các máy móc thực tế của doanh nghiệp và không phù hợp khi đầu tư các trang thiết bị này cho các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên.
 
Cụ thể, trang thiết bị dạy nghề ở Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên thành phố Yên Bái có nhưng không mở được lớp; dây chuyền dạy nghề may công nghiệp ở Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu không sử dụng; máy tuốt, máy cày ở Trung tâm Dạy nghề Yên Bình gần như không dùng đến…
 
Còn đối với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì thường bị dồn ép đào tạo vào thời gian nửa cuối năm do thời điểm giao kinh phí muộn; việc tổ chức đào tạo chủ yếu ở các xã nên mất thêm chi phí vận chuyển trang thiết bị đào tạo đi cơ sở, tỷ lệ học nghề nông nghiệp lên tới 70%, chưa đạt mục tiêu mà đề án 1956 đề ra.
 
Hoạt động giải quyết việc làm cũng chưa đạt mục tiêu mong muốn do mức thu nhập chưa hấp dẫn, lao động được đào tạo không đáp ứng công việc thực tế tại doanh nghiệp; việc tư vấn, giới thiệu việc làm chưa thực sự hiệu quả; lao động xuất khẩu tay nghề chưa cao, ngoại ngữ chưa đáp ứng; các nghề lĩnh vực nông nghiệp học xong ít được áp dụng do thị trường tiêu thụ không ổn định.

Từ thực tế đó, Ban Văn hóa - Xã hội đã kiến nghị UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, rà soát, kiểm tra công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành việc đổi tên các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên theo Thông tư số 39. Đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu chế độ chính sách đối với giáo viên, cán bộ quản lý của Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Nghĩa Lộ; các cơ quan chức năng làm tốt công tác thống kê để đề nghị với Trung ương cấp đủ kinh phí cho đối tượng hưởng chính sách theo quyết định 53/2015/QĐ-TTg.
 
Đối với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Văn hóa - Xã hội đề nghị làm tốt việc khảo sát, dự báo sát ngành nghề đào tạo hàng năm để ít phải điều chỉnh. Ngành cần tham mưu kế hoạch đào tạo các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện rà soát đội ngũ làm công tác dạy nghề để sắp xếp, bổ sung đảm bảo cơ cấu ngành nghề.
 
Sở cùng với các trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên các địa phương có phương án điều chỉnh trang thiết bị giữa các cơ sở dạy nghề để tránh lãng phí, đồng thời phối hợp tuyên truyền phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông, gắn với định hướng nghề nghiệp để các em ra trường chọn được nghề và sớm có việc làm mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Quang Tuấn

Các tin khác
Phụ nữ Yên Bái trao đổi, tuyên truyền thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

YBĐT - Thực tế chứng minh hoạt động của các ban công tác mặt trận (CTMT) ở khu dân cư đã có những đóng góp quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc. Kết quả này có được là nhờ có "cánh tay nối dài” của mặt trận luôn tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng vì công việc.

YBĐT - Sáng 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Đúng 7h35 sáng nay (theo giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã xuống sân bay quân sự Fairbair.

Tại Canberra (Australia), dự kiến, Chủ tịch Quốc hội sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, chào xã giao với lãnh đạo cấp cao của Australia...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Trấn Yên.

YBĐT - Tiếp sau chương trình tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Bình sáng nay - 28/11, chiều cùng ngày, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Yên Bái cùng các đại biểu: Đinh Đăng Luận – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái; Triệu Thị Huyền – ĐBQH tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Trấn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục