Chào mừng Đại hội Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 - 2022

Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/12/2017 | 8:24:03 AM

YBĐT - Năm 2004, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái được UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập. Chỉ mới 13 năm và qua 2 kỳ đại hội, song Hội đã có những bước tiến rõ rệt với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá tri thức, tư vấn, giám định phản biện xã hội.

Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh khoá II, nhiệm kỳ 2012 - 2017.
Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử tỉnh khoá II, nhiệm kỳ 2012 - 2017.

Năm 2017, là năm kết thúc nhiệm kỳ II của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái và Hội sẽ tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Năm 2004, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái được UBND tỉnh quyết định cho phép thành lập. Từ đó đến nay, qua 13 năm và 2 kỳ đại hội, nhìn lại chặng đường tuy không dài, song Hội đã có những bước tiến rõ rệt với nhiều hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, quảng bá tri thức, tư vấn, giám định phản biện xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Khi mới thành lập, Hội có trên 50 hội viên và đến nay đã có trên 100 người. Hội viên của Hội, phần nhiều hoạt động trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa hoặc có liên quan đến lịch sử, văn hóa bao gồm những nhà nghiên cứu, sưu tầm, quản lý, giảng dạy lịch sử; gần như 100 % hội viên có trình độ đại học trở lên, trong đó có 2 tiến sỹ, 13 thạc sỹ. Đó chính là tiền đề quan trọng, làm cho Hội có nhiều hoạt động có chất lượng tốt.

Với chức năng là một hội khoa học kỹ thuật, Hội đặt việc nghiên cứu khoa học thành một nhiệm vụ quan trọng. Yên Bái là tỉnh nằm trong khu vực miền núi, dân tộc, kinh tế, văn hóa chậm phát triển, các dấu tích lịch sử, văn hóa không phải là nhiều và lại bị chiến tranh, thiên tai tàn phá nên còn lại không nhiều; tài liệu chữ viết lại càng ít hơn. Đó là những khó khăn rất lớn cho việc nghiên cứu làm sáng tỏ lịch sử địa phương.
 
Tuy nhiên, nhờ có sự say mê với nghề nghiệp, được Đảng, chính quyền quan tâm ủng hộ, những người làm công tác sử học qua nhiều năm hoạt động, đến nay đã cơ bản xác định được một hệ thống tài liệu lịch sử, từ đó đã phân kỳ lịch sử địa phương khá chuẩn xác bao gồm: thời đại đá cũ, thời đại đá mới, thời kim khí, thời phong kiến tự chủ, thời cận - hiện đại.
 
Thời đại đá, đã xác định được hai nền văn hóa tiêu biểu là văn hóa Sơn Vi và văn hóa Hòa Bình; thời kim khí xác định văn hóa Đông Sơn; thời phong kiến tự chủ đã phát hiện được dấu tích của nhiều kiến trúc tôn giáo (Phật giáo) có giá trị như khu chùa Hắc Y (Lục Yên), chùa Văn Lãng, đình Quy Mông, đền Nhược Sơn (thờ Hà Chương); thời cận - hiện đại đã nghiên cứu làm rõ một số sự kiện, nhân vật lịch sử.

Trong quá trình hoạt động, Hội cũng đã hình thành một số đề tài khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu lịch sử địa phương. Năm 2015, Hội đã thực hiện 1 đề tài cấp tỉnh (sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Yên Bái giai đoạn 1900 - 2015 qua tư liệu ảnh) và đã hoàn thành.

Gần đây, Hội đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tham gia xây dựng đề cương trưng bày Nhà Bảo tàng tỉnh. Hội đã tham gia rất tích cực với tư cách là thành viên Ban soạn thảo và thành viên Hội đồng thẩm định và đã có nhiều đóng góp cho dự án này. Cùng phát hiện và nghiên cứu một số di tích khảo cổ học như: chùa Văn Lãng (Yên Bình), đá khắc cổ Lao Chải (Mù Cang Chải), lò gốm cổ Phúc An (Yên Bình), Chi hội Bảo tàng tỉnh hàng năm sưu tầm hàng trăm di vật, phát hiện và đào thám sát hàng chục địa điểm khảo cổ học. Các hội viên thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã nghiên cứu làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử Đảng để bổ sung nhiều tư liệu quý cho lịch sử Đảng bộ tỉnh và các địa phương.
 

Các hội viên Chi hội Bảo tàng tỉnh đào thám sát di tích chùa Văn Lãng, huyện Yên Bình.

Để truyền tải kết quả nghiên cứu đến với công chúng, một số ấn phẩm về lịch sử đã được biên soạn và công bố như: "Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng" của hội viên Hoàng Việt Quân; "Âm vang Ngòi Vần" của hội viên Trần Cao Đàm; "Chúa Bầu An Tây Vương" của hội viên Vũ Dương) Hội viên đã tham gia nhiều chương trình giới thiệu di sản văn hóa - lịch sử địa phương trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Yên Bái, trên các báo, bản tin của địa phương và Trung ương...
 
Đặc biệt, Hội đã duy trì chuyên san "Yên Bái xưa và nay" mỗi năm 1 số, giới thiệu nhiều tư liệu, nhân vật lịch sử. Những hoạt động này, đã góp phần tích cực trong việc phổ biến kiến thức, mở rộng hiểu biết về lịch sử, bồi dưỡng lòng tự hào, tinh thần yêu nước cho mọi người.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của Hội là tư vấn, giám định và phản biện xã hội. Nhiều hội viên có chuyên môn tốt đã được mời tham gia vào các hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định của các đề tài khoa học, dự án, đề án, chương trình cấp tỉnh và cấp ngành có liên quan đến lịch sử, văn hóa. Với vai trò này, họ đã có nhiều đóng góp có giá trị cho hoạt động khoa học địa phương.

Trong vai trò thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội cũng đã tham gia đầy đủ và có trách nhiệm, nhất là trong nhiệm vụ xây dựng Đảng và chính quyền như: góp ý kiến cho dự thảo Hiến pháp năm 2013 và một số luật, bầu đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, tham gia góp ý kiến cho dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII và đại hội Đảng bộ tỉnh trong những năm qua, nhất là trong 5 năm trở lại đây và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
 
Mặc dù là một tổ chức nghề nghiệp tự nguyện, tự chịu trách nhiệm và tự trang trải, trong điều kiện cơ sở vật chất, tài chính hầu như không có gì, thì những kết quả, hoạt động trên đã phản ánh tinh thần trách nhiệm của những trí thức khoa học đối với đất nước. Trong quá trình hoạt động, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Hội đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo, khuyến khích. Đây là nguồn động viên to lớn khích lệ Hội trong hoạt động của mình.


Đoàn công tác của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái tham quan bãi khắc đá cổ Sa Pa, tỉnh Lào Cai để tìm tư liệu đối chứng nghiên cứu bãi khắc đá cổ xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải.

Năm 2017, là năm kết thúc nhiệm kỳ II của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái và Hội sẽ tổ chức đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Trong nhiệm kỳ mới, Hội sẽ tập trung hoạt động để đưa công tác Hội phát triển đi lên cùng địa phương và cả nước. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trong tâm sau đây:

Một là, tiếp tục củng cố, phát triển và mở rộng hoạt động của Hội nhằm tập hợp đông đảo những cá nhân, tập thể yêu thích lịch sử, văn hóa của dân tộc phát huy năng lực chuyên môn, khả năng hiểu biết của mình, đóng góp tích cực vào hoạt động của Hội. Tham gia tích cực và có trách nhiệm với những tổ chức mà mình là thành viên (Liên hiệp Hội khoa học tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh) góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Thường xuyên kết nối và tham gia các hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Hai là, tập trung nghiên cứu khoa học, thu thập, xác minh đánh giá tài liệu lịch sử để bổ sung vào các giai đoạn lịch sử đang còn ít hiểu biết. Trong đó, chú ý đến giai đoạn phong kiến tự chủ, giai đoạn cận - hiện đại và lịch sử, văn hóa các dân tộc, đảm bảo tính chân thực, đầy đủ và toàn diện. Hình thành một số đề tài, chuyên mục khoa học, sẵn sàng tham gia, phối hợp với các địa phương, các ngành nghiên cứu biên soạn các công trình lịch sử, các đề tài khoa học.



Báo cáo kết quả khai quật di tích lò nung gốm trong Di chỉ khảo cổ Hắc Y - Đại Cại tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên.
 
Nghiên cứu làm rõ diện mạo lịch sử của tỉnh qua các thời kỳ, phục vụ xây dựng nội dung trưng bày cho Nhà Bảo tàng tỉnh đối với những hiện vật có những bộ sưu tập, di vật (cổ vật, di vật dân tộc học, sưu tập hình ảnh…); khuyến khích việc xây dựng hệ thống tư liệu, giám định khoa học, tham gia vào việc trưng bày, giới thiệu; phối hợp tổ chức hoặc tổ chức một số hội thảo, tọa đàm khoa học.

Ba là, tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa cho công chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Yên Bái, bản tin các ngành; duy trì và nâng cao chất lượng chuyên san "Yên Bái xưa và nay" mỗi năm ít nhất 1 số; khuyến khích hội viên nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử.

Bốn là, trong công tác tư vấn, giám định, phản biện xã hội, đi sâu vào nghiên cứu, đề xuất với tỉnh những vấn đề quan trọng liên quan đến lĩnh vực lịch sử, văn hóa địa phương; tham gia các hội đồng khoa học, hội đồng thẩm định, hội đồng tư vấn khi có yêu cầu.

Năm là, tham gia hoạt động xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó tập trung góp ý kiến cho các dự thảo luật, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Làm tốt nhiệm vụ thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Hoàn thành được những nhiệm vụ cơ bản trên, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái sẽ góp phần tích cực của mình trong việc quảng bá tri thức lịch sử nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội của địa phương nói chung. Chúng ta tin chắc rằng, với sự quan tâm sâu sắc của tỉnh, công tác nghiên cứu và phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa sẽ có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith.

Sáng 20/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội kiến với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith đang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam.

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) thành lập ngày 22-12-1944. (Ảnh tư liệu)

Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2017), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết "Quân đội nhân dân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng". Sau đây là toàn văn bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith gặp gỡ, nói chuyện với cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước.

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith gặp gỡ, nói chuyện thân mật cùng cựu quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ Việt Nam, lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng Bí thư Lào  Bounnhang Vorachit.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Bounnhang Vorachith thăm lại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục