Dù gần hay xa, vùng thấp hay vùng cao, thành thị hay nơi đặc biệt khó khăn ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải, lần nào cử tri gặp đại biểu cũng như đón người thân sau một chuyến đi xa về. Cử tri Phạm Tuất ở thôn Nam Thái, xã Hồng Ca (Trấn Yên) bày tỏ: "Tôi rất vui vì được gặp trực tiếp các đại biểu Quốc hội - những người mình đã bầu ra, còn được nghe các đồng chí báo cáo về hoạt động nữa”. Đại biểu gặp cử tri cũng vậy.
Mới đây nhất, trong lần gặp cử tri xã Hồng Ca, đại biểu Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói chuyện làm ăn với cử tri cứ như bàn chuyện trong nhà. "Có ít đồi rừng để trồng quế, trồng măng tre thì tốt rồi, nhưng phải học cách chăm sóc cho tốt; mà phải nghĩ xem chăn nuôi thêm con gia súc, gia cầm nữa là cuộc sống sẽ ổn” - đại biểu Chu nói.
Còn Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Đinh Đăng Luận thì đặt vấn đề như thể kỳ vọng với cử tri: "Tới đây, các đại biểu tham dự kỳ họp tại Hà Nội. Sẽ có nhiều phiên được truyền hình trực tiếp nên tôi mong rằng cử tri và bà con dành thời giờ theo dõi hoạt động của Đoàn. Qua đó, có thể có góp ý với đoàn để mỗi đại biểu chúng tôi thực hiện tốt nhiệm vụ của mình như đã hứa với cử tri và nhân dân”.
Chẳng thế mà trong mỗi cuộc tiếp xúc, ý kiến, kiến nghị của cử tri lại được trình bày cởi mở, thẳng thắn đến vậy. Nào là việc các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm triển khai, việc thực hiện chính sách dân số còn mắc về chế độ; việc triển khai các dự án phải tính toán bảo vệ môi trường. Từ việc con đường ở thôn bản đến thực hiện chủ trương chống tham nhũng, lãng phí... Bao nhiêu là chuyện mà các đại biểu Quốc hội đều nghe và tổng hợp đủ hết.
Chỉ tính riêng các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau 2 kỳ họp trong năm 2017, Đoàn đã tổng hợp 75 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi các cấp các ngành liên quan xem xét, giải quyết. Nhiều ý kiến được thông tin, được trả lời ngay, như khẳng định công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đang được Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện.
Đại biểu Giàng A Chu cho biết: "Đấu tranh dẹp bỏ các nạn này để thực hiện lời dạy của Bác về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân vì dân. Việc này, không phải chỉ làm ở Trung ương và cũng không loại trừ ai. Các vị cử tri ngồi đây, ai cũng phải kiểm điểm soi xét lại mình, nếu có ý định hoặc đã mắc rồi thì dừng ngay, rồi thẳng thắn kiểm điểm công khai thế mới phòng chống được”.
Nói như vậy cũng bởi lo cho tổ chức, lo cho cử tri và lo cho dân - những người đã tin tưởng giao trọng trách cho mỗi đại biểu ở Quốc hội thông qua lá phiếu bầu. Thế nên, Quốc hội mới giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, về cải cách, tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 - 2016; khảo sát việc thực hiện pháp luật về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh...
Trong lần tiếp xúc cử tri xã Lâm Thượng (Lục Yên) hồi tháng 10/2017, đại biểu Dương Văn Thống - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái đã đến tận nơi thăm hỏi cuộc sống của bà con ở thôn Nà Kèn.
Nghe tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng chí đề nghị huyện chỉ đạo chính quyền cơ sở động viên nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn; thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người có công và người cao tuổi; quan tâm công tác bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn. Rồi nữa, khi Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội chuẩn bị diễn ra, trận lũ lụt nghiêm trọng ở các huyện, thị phía Tây tỉnh bị thiệt hại lớn, các đại biểu cũng không khỏi lo lắng.
Cùng với lãnh đạo Trung ương, đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thành viên Thường trực Ban Bí thư, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đã lên tận Trạm Tấu để thăm hỏi, chia sẻ với người dân và chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai.
Tại diễn đàn của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khoá XIV tỉnh Yên Bái Dương Văn Thống đã thảo luận, mong muốn có nguồn lực xử lý khẩn cấp đối với các tỉnh bị thiệt hại do mưa lũ. Đại biểu đề nghị: "Chính phủ thực hiện hỗ trợ khẩn cấp đối với tỉnh Yên Bái để khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra vào tháng 8 và tháng 10/2017, trong đó cần quan tâm đầu tư cho việc khôi phục sản xuất, bố trí đất ở cho người dân. Những công trình bị phá hủy như kè Suối Thia, đường tỉnh Văn Chấn - Trạm Tấu, các công trình thủy lợi đòi hỏi đầu tư lớn, tỉnh Yên Bái khó có thể tự khắc phục”.
Các đại biểu tỉnh Yên Bái thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV.
Kỳ họp thứ 4 - kỳ họp diễn ra từ 23/10 đến 24/11/2017 được đánh giá là thành công với việc Quốc hội dành tối đa thời gian cho đại biểu đóng góp ý kiến, tranh luận và chất vấn. Một kỳ họp ngắn về thời gian nhưng số lượng các phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhiều hơn các kỳ họp trước, thể hiện tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội đối với cử tri, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri giám sát. Đóng góp vào thành công của Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội của tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia ở tất cả các nội dung của kỳ họp.
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước, đại biểu Trần Quốc Vượng cho biết: "Năm 2017, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã có một số quyết sách giải quyết những vướng mắc, những tồn tại của nền kinh tế như xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý các dự án...”.
Đó là những kết quả mà mỗi cử tri, mỗi người dân ghi nhận, tin tưởng vào sự phát triển của quê hương, đất nước. Dưới góc nhìn của một người trẻ, trước sự phát triển công nghệ và tình trạng lợi dụng mạng xã hội đưa thông tin xấu độc hiện nay, đại biểu Triệu Thị Huyền đã đưa ra những chất vấn đối với Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn: "Bộ đã có những giải pháp, chủ trương gì để khuyến khích doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và phát triển các mạng xã hội do Việt Nam sáng tạo ra và lộ trình thực hiện của chúng ta như thế nào?” - câu hỏi sắc sảo của đại biểu Huyền nhận được sự đồng tình của đại biểu trong phiên họp.
Trong phiên thảo luận tại hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng chống tham nhũng, đại biểu Dương Văn Thống nhấn mạnh: "Tôi nghĩ không thể bỏ qua mọi thứ. Các tổ chức cần phải chấn chỉnh lại, xiết chặt lại kỷ luật, kỷ cương thì tình hình sẽ tốt lên, ngăn ngừa được tiêu cực và niềm tin của nhân dân tiếp tục được củng cố”...
Không chỉ là niềm tin của nhân dân, những ý kiến tại nghị trường kỳ họp mang theo bao tâm tư nguyện vọng của người dân Yên Bái và các đại biểu đã cùng Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Điều đó cũng để trả lời với cử tri và nhân dân về những gì đã hứa và tiếp tục thực hiện trọng trách đã được nhân dân giao phó trong năm mới 2018 và thời gian tiếp theo.
Quang Tuấn